Nỗi niềm càphê Arabica Đà Lạt
Đây là tín hiệu vui cho càphê Đà Lạt nói riêng và ngành càphê Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, điều nghịch lý đã và đang xảy ra là diện tích của loại càphê này ngày càng thu hẹp và có nguy cơ xóa sổ.
Trước nguy cơ... “mất bò”, chính quyền địa phương mới tính chuyện... “làm chuồng”!
Sau 140 năm “nhập cư” và hai lần “xuất ngoại”
Ở độ cao trên 1.500m so với mặt nước biển, có nhiều vùng đồi dốc thoải cùng khí hậu mát mẻ với nền đất đỏ bazan, Cầu Đất (xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt) là vùng đất lý tưởng nhất cho giống càphê Arabica phát triển và sản sinh ra hạt càphê Arabica có chất lượng được đánh giá ngon nhất nhì thế giới.
Cách đây 140 năm, người Pháp đã “thấy” được điều này và đưa giống càphê Arabica sang trồng nơi đây.
Ông Lê Văn Thọ (85 tuổi, ngụ xã Xuân Trường) nhớ lại:
“Cách đây khoảng 60 năm, lúc tôi làm công nhân đồn điền cho người Pháp đã nghe nói đến loại càphê này.
Khi ấy, người Pháp thu hoạch càphê ở Đà Lạt rồi chế biến tại chỗ, đóng gói gắn nhãn hiệu “Arabica du Tonkin” chuyển đi phục vụ giới thượng lưu, quý tộc và xuất khẩu sang nhiều nước.
Còn với người bình thường thì hầu như không ai được biết đến hương vị của loại càphê ở Cầu Đất này”.
Nhưng đó chỉ là qua lời kể của ông Thọ và những người cao niên tại vùng đất này.
Mới đây, sản phẩm càphê rang xay Arabica Đà Lạt chính thức vươn ra thế giới thông qua hệ thống cửa hàng Starbucks.
Đây là tin vui với ngành càphê Việt Nam.
Trước đó, tập đoàn chuyên kinh doanh càphê lớn nhất thế giới này chỉ chọn 6 địa phương ở Indonesia, Kenya, Rwanda, Brazil, Colombia và Guatemala làm nhà cung cấp càphê Arabica.
Đây là lần đầu tiên một loại càphê Arabica trồng tại Việt Nam được Starbucks chọn để cung cấp với giá mỗi kilôgam đã rang kèm hương liệu là gần 50USD (trên 1 triệu đồng).
Đáng chú ý, sản phẩm này lại không được sử dụng trong hệ thống Starbucks tại Việt Nam mà chỉ được bán duy nhất ở thị trường Mỹ và được xếp vào dòng sản phẩm cao cấp.
Nguy cơ xóa sổ!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ nông dân không còn mặn mà với càphê Arabica là do giá cả bấp bênh, sản lượng thấp.
Bên cạnh đó, càphê Arabica dễ bị sâu bệnh tấn công hơn các loại càphê cũng như cây trồng khác khiến cho nông dân quay lưng với loại cây trồng từng làm nên “lịch sử” này.
Những vườn càphê Arabica còn sót lại trong những loại cây trồng khác.
Ông Trương Diên Tỵ (64 tuổi), xã Xuân Trường, hiện sở hữu diện tích càphê Arabica lớn nhất tỉnh Lâm Đồng tâm sự, thuở còn thơ, ông đã theo cha rong ruổi nhiều nơi trong tỉnh làm thuê kiếm sống.
Đến năm 10 tuổi, ông cùng cha bám trụ lại vùng đất này.
Chỉ tay về những cánh đồi bạt ngàn càphê, ông nói:
“Những ngày sau giải phóng, khu này toàn là càphê Arabica, nhưng so với các loại cây trồng khác, hiệu quả kinh tế thấp hơn nên phần lớn diện tích đất trồng càphê Arabica đã được chuyển sang trồng cây khác để cải thiện đời sống, gia đình ông cũng không ngoại lệ”.
Đến nay, loại càphê “ngon số 1 thế giới” vẫn hiện diện trên vùng đất cao nguyên nhưng diện tích ngày càng bị thu hẹp đến mức báo động.
Theo Chi cục Thống kê TP.Đà Lạt, hiện tổng diện tích càphê trên địa bàn thành phố chỉ còn hơn 3.400ha (chủ yếu là càphê Arabica, được phân bố tại 3 xã Xuân Trường, Trạm Hành và Tà Nung) trong tổng số 140.000ha càphê của tỉnh.
Theo nhận định của cơ quan này, diện tích và sản lượng càphê Arabica Đà Lạt vẫn tiếp tục sụt giảm theo từng năm, do nhiều người chặt bỏ chuyển đổi sang các loại cây khác cho thu nhập ổn định hơn.
Ông Hà Phước Ta, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường, cho biết: “Những năm gần đây, do hiệu quả kinh tế mang lại không cao, sâu bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều hộ dân phá bỏ vườn càphê Arabica để trồng loại cây khác.
Do vậy, chỉ trong 5 năm, diện tích càphê Arabica của xã giảm khoảng 300ha, chỉ còn 1.000ha”.
Còn ông Lê Thìn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường, lo lắng:
“Đã đến lúc chính quyền địa phương, các cấp ngành cần tìm giải pháp giúp nông dân trồng càphê Arabica có thu nhập ít nhất bằng các cây trồng khác.
Nếu tình trạng chuyển đổi diện tích càphê Arabica sang những loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn vẫn tiếp diễn thì có thể càphê Arabica Đà Lạt đứng trước nguy cơ bị xóa sổ”.
“Mất bò mới lo làm chuồng”
Ngay sau khi có thông tin Starbucks đưa càphê Đà Lạt vào hệ thống, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch phấn đấu đến năm 2020, địa phương có khoảng 30.000ha càphê Arabica trong tổng diện tích 140.000ha càphê của tỉnh.
Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm biến khu vực Nam Tây Nguyên trở thành một trong những vùng sản xuất càphê Arabica ngon nhất thế giới.
Ông S nhấn mạnh: “Xét về mọi mặt, Lâm Đồng là địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố để có thể biến giấc mơ trên thành hiện thực: là tỉnh có diện tích càphê lớn thứ hai cả nước - sau Đắk Lắk, là địa phương sở hữu vùng đất có cây càphê Arabica chất lượng cao nhất Việt Nam.
Ngoài việc quy hoạch có định hướng diện tích càphê Arabica Đà Lạt thì việc xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch và ngăn ngừa lạm dụng hóa chất trong sản xuất cũng sẽ được tỉnh Lâm Đồng quan tâm”.
Sự sốt sắng của chính quyền địa phương là điều dễ hiểu nhưng có một thực tế là, chỉ khi đứng trước nguy cơ mất thương hiệu thì nhà quản lý, nhà làm quy hoạch mới cảm thấy “tiếc”.
“Con cá mất bao giờ cũng là con cá to”, có thể trong tương lai, càphê Đà Lạt sẽ mang lại nhiều giá trị cho địa phương, tạo thêm thu nhập cho nông dân, nhưng có một điều chắc chắn rằng, việc xây dựng và phát triển thương hiệu càphê Đà Lạt sẽ rất khó khăn.
Mà khó khăn trước mắt đã xuất hiện từ phía nông dân, như ông Trương Diên Tỵ trăn trở:
“Nghe người ta nói giá 1kg càphê lên đến cả triệu đồng ở đâu không biết chứ chúng tôi bán ra cũng chỉ hơn các loại càphê khác vài ngàn đồng mà sản lượng chỉ bằng một nửa so với các loại càphê khác, chính vì vậy, nông dân không mặn mà trồng lại càphê Arabica, trừ khi Nhà nước có phương án hỗ trợ thỏa đáng và tìm đầu ra ổn định”.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao