Tin nông nghiệp Nông dân Bạc Liêu nuôi tôm kết hợp cấy lúa

Nông dân Bạc Liêu nuôi tôm kết hợp cấy lúa

Author An Nguyên, publish date Saturday. November 2nd, 2019

Người nông dân thu hàng trăm triệu từ mô hình nuôi trồng thủy sản ​để ứng phó với biến đổi khí hậu tại Bạc Liêu.

Mô hình sản xuất tôm – lúa góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận.

Với diện tích hơn 130.000 ha diện tích đất và nước nông nghiệp, Bạc Liêu là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản đứng thứ 2 trong cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản ở Bạc Liêu đang đứng trước những khó khăn do xâm nhập mặn, hạn hán và triều cường dâng cao. Mô hình nuôi tôm kết hợp cấy lúa ra đời để giải quyết tình trạng này. 

Trên cơ sở áp dụng mô hình sản xuất thuận theo tự nhiên, ông Nguyễn Văn Minh ở ấp Nhụy Cầm, xã Vĩnh Lộc, tỉnh Bạc Liêu đã áp dụng mô hình nuôi tôm cùng trồng lúa. Ông cho biết: "Trước đây do ảnh hưởng El Nino, hạn hán và mặn xâm nhập đã làm hàng trăm ha tôm nuôi tại xã bị thiệt hại, người dân điêu đứng. Tuy nhiên, từ khi áp dụng mô hình 1 vụ lúa, 2 vụ tôm (Vụ tôm sú không cấy lúa, còn vụ lúa kết hợp thả tôm càng xanh) trên diện tích 3ha đất của gia đình, thì mỗi năm gia đình ông có thu nhập khoảng gần 300 triệu, cuộc sống dần được cải thiện".

Ông Minh cũng cho biết, khi nuôi tôm đất sản xuất trở nên màu mỡ hơn, mùn bã hữu cơ, vi sinh vật và thức ăn dư thừa của con tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Vì vậy, khi trồng lúa phát triển mạnh, giảm được chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật.

Ngược lại sau vụ lúa, các loại rơm rạ bị phân hủy tạo môi trường sống và nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, môi trường thuận lợi thả tôm mau lớn, ít gặp rủi ro về dịch bệnh. "Để trúng cả vụ tôm lẫn lúa cần phải thực hiện đúng kỹ thuật từ khâu cải tạo nước, sử dụng vôi, men cải tạo ao và điều quan trọng là phải thả giống không quá dày", ông Minh chia sẻ.

Chị Lý Thị Trúc Ly, Giám đốc Hợp tác xã nuôi tôm phát triển ứng dụng công nghệ cao Long Nghĩa ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết: "Nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ mới cho năng suất cao, ít rủi ro vì không chịu nhiều biến động của thời tiết, lại chủ động hoàn toàn việc kiểm soát dịch bệnh, môi trường nước, nên thu nhập ổn định".

Thăm thực tế với 4 hồ nuôi tôm lót bạc tại cơ sở nuôi xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, hiện chị Ly chỉ cần sử dụng 2 nhân công. Trong khi đó, một hồ đến kỳ thu hoạch (3 đến 4 vụ trong 1 năm) dao động từ 3 - 6 tấn tôm. Trừ tất cả chi phí, lãi thu được tùy thuộc vào giá tôm trên thị trường, thường mỗi hồ chị thu lãi khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.

Đánh giá thêm về mô hình sản xuất nông nghiệp thuận theo tự nhiên, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: "Mô hình tôm - lúa là mô hình thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng trong Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Các mô hình phát triển nuôi trồng thủy hải sản Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với vùng hạn, mặn. "Con tôm ôm cây lúa" mô hình không chỉ đảm bảo sinh kế cho người dân vùng hạn, mặn mà đó còn là giải pháp căn cơ giúp người dân tỉnh Bạc Liêu nói riêng và Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung "thuận thiên" tiến tới phát triển bền vững trong thời gian tới".

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Hồng Hà: "Việc nuôi trồng thuận theo tự nhiên, quy hoạch các giống cây, con phù hợp với thổ nhưỡng sẽ giúp biến các thách thức trở thành cơ hội, giảm chi phí cải tạo đất, nước... một cách không cần thiết".


Related news

nhung-dich-benh-hai-can-chu-y-trong-tuan-5-11-11 Những dịch bệnh hại cần… luu-y-thuc-hien-mo-hinh-nuoi-ca-lua Lưu ý thực hiện mô…