Tin thủy sản Nông dân Cà Mau lãi đậm nhờ nuôi tôm càng xanh

Nông dân Cà Mau lãi đậm nhờ nuôi tôm càng xanh

Author Phúc Hưng, publish date Tuesday. December 19th, 2017

Lãi trung bình vài chục triệu đồng mỗi ha trên vụ nuôi, tôm càng xanh đang tạo sức hút lớn với nông dân ở Cà Mau.

Nông dân dùng thùng xốp khuấy nước cho đục để tôm nổi đầu lên mép ruộng. Ảnh: Phúc Hưng. 

Mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trên ruộng lúa đang nhân rộng ở Cà Mau. 

Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trên ruộng lúa ở nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau tăng nhanh. Riêng huyện Thới Bình có gần 12.000 ha, tăng khoảng 4.000 ha so với năm 2016. Hiện nay, thương lái vào tận ruộng để thu mua tôm nguyên liệu.

Nhiều nông dân cho biết, mô hình này mang lại hiệu quả từ năng suất đến chất lượng, vì con tôm thích ứng rất tốt với điều kiện tự nhiên, rủi ro dịch bệnh thấp, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, tạo ra sản phẩm sạch và tăng thu nhập trên cùng diện tích trồng lúa.

"Giá tôm hiện tại đạt 100.000-110.000 đồng một kg. Với mức giá này, nông dân có lợi nhuận", ông Nguyễn Văn Quận nói và cho biết nông dân hy vọng giá cả ổn định khi thu hoạch rộ vào dịp cuối năm.

Theo người nuôi, năng suất bình quân tôm đạt từ 150 đến 220 kg trên ha, sau khi trừ hết chi phí, bà con còn lãi trên dưới 30 triệu đồng cho một ha nuôi, cá biệt có hộ đạt gần 50 triệu đồng.

Ông Trần Văn Lê, ở xã Tân Bằng cho biết, bình quân mỗi năm với một ha diện tích nuôi tôm càng xanh, gia đình ông có thêm thu nhập hơn 20 triệu đồng.

Không riêng người dân ở huyện Thới Bình, nhiều nông dân ở huyện U Minh cũng trúng vụ tôm. "Thời tiết năm nay thuận lợi, hơn 30.000 con tôm càng xanh giống của gia đình thả nuôi, chi phí khoảng 5 triệu đồng, sau khi thu hoạch còn lãi gần 30 triệu", anh Đỗ Văn Hồng, ở huyện U Minh nói.

Nông dân cho biết, ngoài việc nắm bắt tốt kỹ thuật thì khâu chọn con giống, thả nuôi, chăm sóc cũng không kém phần quan trọng. Ngoài ra, để con tôm phát triển tốt, ngoài các khâu cải tạo đất, nguồn nước, con giống thì khâu cho ăn cũng đóng vai trò rất quan trọng, quyết định lớn đến năng suất của tôm nuôi.

"Khi tôm được khoảng một tháng tuổi thì cho ăn bằng gạo lứt xay, khoảng 2 tháng tuổi thì cho ăn khoai mì và sau 3 tháng thì cắt cá phi hay ngâm lúa lên mộng rồi cho tôm ăn", anh Hồng chia sẻ.

Thương lái vào tận ruộng để thu mua tôm nguyên liệu. Ảnh: Phúc Hưng. 

Theo ngành nông nghiệp, các vùng ngọt hóa Bán đảo Cà Mau, mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa đang mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân, vì có nguồn thu trực tiếp từ con tôm và cây lúa.

Mặt khác, kỹ thuật nuôi tôm càng xanh cũng dễ hơn nuôi tôm sú. Người nuôi chỉ cần thả con giống với mật độ 2-3 con một m2, sau 3 tháng là có thể thu hoạch.

Để tránh tình trạng nông dân bị thương lái ép giá, ngành chức năng khuyến cáo bà con không thu hoạch ồ ạt vào cao điểm.

"Cần thu hoạch lúa trước, tôm sau, nhằm vừa có thời gian để tôm lớn hơn, bán được giá, vừa giải quyết tình trạng sản lượng tôm tăng ồ ạt gây mất giá", lãnh đạo ngành nông nghiệp nói.


Related news

chu-trong-khia-canh-thi-truong Chú trọng khía cạnh thị… an-do-nganh-tom-gap-kho-tai-eu Ấn Độ: Ngành tôm gặp…