Mô hình kinh tế Nông dân Đác Nông đánh cược với cây hồ tiêu

Nông dân Đác Nông đánh cược với cây hồ tiêu

Publish date Monday. August 24th, 2015

Như một “canh bạc”

Ông Nguyễn Thành Trung, được xem là nông dân tiên phong trong việc áp dụng sản xuất hồ tiêu bền vững tại huyện Đác Song. Khi nhiều nông dân ồ ạt trồng tiêu bằng trụ xi-măng, phá cây rừng làm trụ, ông Trung lại bỏ một khoản tiền khá lớn đi Australia để mua giống cây hông về trồng làm trụ tiêu. Từ hai bàn tay trắng, hiện ông Trung đã trở thành hộ khá giả có tiếng tại địa phương; với tám héc-ta tiêu kinh doanh, mỗi năm cho thu nhập hơn năm tỷ đồng.

Ông Trung cho biết, phát triển cây hồ tiêu theo hướng bền vững, đa dạng sinh học có thể chậm nhưng mà chắc, nếu so sánh với trồng tiêu bằng trụ chết thì chậm thu gần một năm và năng suất cũng thấp hơn, tuy nhiên, xét về tính bền vững, sản xuất tiêu theo hướng đa dạng sinh học sẽ an toàn và có nhiều lợi ích về môi trường sinh thái, giảm chi phí đầu tư, nạn phá rừng làm trụ tiêu, tạo bóng mát, giúp cây tiêu phát triển và kháng bệnh. Ngoài ra, việc chăm sóc, bón phân, lựa chọn đất… cũng phải phù hợp với đặc tính của cây tiêu mới phát triển bền vững, không nên ồ ạt mở rộng diện tích cây tiêu bằng mọi giá.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hải, huyện Đác Song đã thoát nghèo và trở nên khá giả với cơ ngơi khang trang, đầy đủ tiện nghi trị giá nhiều tỷ đồng cũng nhờ cây hồ tiêu. Hiện ông Hải có trong tay khoảng 22 ha, với sản lượng bốn tấn/ha, mỗi năm cho thu nhập hơn chín tỷ đồng.

Ông Hải khẳng định, cây hồ tiêu có bị chết giá mới cao, vấn đề đặt ra là phát triển thế nào cho hợp lý, chăm sóc thế nào để cây tiêu không bị bệnh. Cũng theo ông Hải, cây hồ tiêu dễ trồng nhưng lại rất khó chăm sóc, mẫn cảm với rất nhiều loại bệnh, phân bón và thuốc hóa học. Việc phát triển hồ tiêu phải theo hướng đa dạng sinh học, không nên ồ ạt mở rộng diện tích mà phải làm từng bước, thận trong trong khâu bón phân, nhất là đối với phân hóa học. Muốn phát triển hồ tiêu bền vững, phải thâm canh, sử dụng cây sống làm trụ, không nên vì lợi nhuận trước mắt mà khai thác quá mức, cây tiêu sẽ bị mất sức, tạo cơ hội cho các loại bệnh tấn công dẫn đến cây tiêu bị chết hàng loạt, nông dân sẽ trắng tay.

Giàu vì tiêu, nghèo cũng vì tiêu, sau gần 10 năm chật vật với hai héc-ta cà phê nhưng cũng không thoát khỏi cảnh túng thiếu. Anh V.Đ.H, ở huyện Đác Song đã phá bỏ cà phê chuyển sang trồng tiêu với hy vọng “đổi đời”, thế nhưng, khi gần hai héc-ta tiêu vừa bước vào giai đoạn kinh doanh năm thứ hai thì phát bệnh và chết sạch, toàn bộ vốn liếng dành dụm được cộng với khoản tiền vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng bỗng dưng “bốc hơi” theo hồ tiêu. Không chỉ lâm vào cảnh trắng tay, người vợ do bị cú sốc mạnh nên mắc bệnh hoảng loạn tinh thần, anh phải chạy ngược xuôi kiếm tiền chữa bệnh cho vợ. Câu chuyện xảy ra cách đây gần một năm nhưng bây giờ nhắc đến cây tiêu, anh H. hốt hoảng như gặp cơn ác mộng.

Huyện Đác R’lấp được xem là địa phương có diện tích tiêu nhiều nhất của tỉnh Đác Nông những năm 2004 -2005, cây tiêu đem lại thu nhập tiền tỷ cho nông dân, nhiều ngôi biệt thư đắt tiền nhanh chóng “mọc lên như nấm”. Thế nhưng, chỉ một năm sau đó, bệnh tiêu chết nhanh đã cướp đi hàng trăm héc-ta, kéo theo hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh nợ nần, khó khăn chồng chất, nhiều hộ đã chuyển đổi qua trồng cà phê và cao su…

Nhiều diện tích cao su tại huyện Đác R’lấp tiếp tục bị phá bỏ để trồng tiêu.

Hiện nay, khi giá hồ tiêu tăng cao trở lại, nhiều nông dân lại đua nhau chặt cà phê, cao su đang kinh doanh để quay trở lại trồng tiêu. Loay hoay với kịch bản trồng, chặt theo thời giá, nông dân Đác Nông đang đua nhau “đặt cược” với cây hồ tiêu.

Bất chấp khuyến cáo của cơ quan chuyên môn

Cây hồ tiêu có mặt ở Đác Nông từ rất sớm và nhanh chóng trở thành cây chủ lực trong cơ cấu cây trồng của địa phương. Theo quy hoạch phát triển, đến năm 2020, Đác Nông chỉ có tám nghìn héc-ta hồ tiêu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay đã phát triển hơn 16.000 ha, trong đó, có gần một nửa diện tích là trồng mới trong vài năm gần đây. Không chỉ trồng tiêu trên những vùng đất mới, trồng tận dụng theo cây trồng chắn gió, trồng xen trong diện tích cây trồng khác, mà nhiều nông dân đã phá bỏ cà phê, cao su để trồng tiêu, thậm chí, dùng chính cây cao su để làm trụ tiêu.

Đang buộc dây tiêu vào gốc cao su, anh Hồ Dũng, ở huyện Đác R’lấp cho biết: “Trong tổng số bốn héc-ta cao su, tôi đã chuyển qua trồng tiêu ba héc-ta, còn một héc-ta năm nay tiếp tục chuyển sang trồng tiêu, với giá cao su như hiện nay thì thu không đủ chi”.

Khi được hỏi về việc dùng cây cao su làm trụ tiêu, anh Dũng buông lời: “Được ăn cả, ngã về không chứ biết đâu được mà tính với toán, thấy người ta làm mình cũng làm theo, có khi để cao su ngồi chờ giá lên còn chết sớm hơn”.

Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), huyện Đác R’lấp Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đến nay, tổng số diện tích cao su chuyển đổi sang trồng tiêu trên toàn huyện khoảng 500 ha, trong đó, cao su già cỗi, năng suất thấp chiếm 30%, số còn lại là cao su trong thời kỳ kinh doanh hoặc chưa khai thác.

“Chúng tôi cũng đã khuyến cáo bà con chỉ chuyển đổi trên diện tích cao su già cỗi, tuy nhiên, với giá hồ tiêu cao ngất ngưởng như hiện nay, nông dân vẫn ồ ạt trồng tiêu, bỏ qua khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, diện tích cao su bị chuyển đổi cũng không ngừng tăng lên hằng năm”, Phó phòng NN và PTNT nói.

Câu chuyện không dừng lại ở việc chặt cao su và cà phê, mà người dân ở thị xã Gia Nghĩa còn tiến hành phá rừng, lấn chiếm đất rừng để trồng hồ tiêu. Chỉ tính trong sáu tháng đầu năm 2015, đã có hơn 129 ha rừng tự nhiên bị tàn phá, trong đó, chủ yếu là để chiếm đất trồng hồ tiêu. Tương tự, trong sáu tháng đầu năm nay, huyện Đác Song cũng để mất khoảng 20 ha rừng tự nhiên, diện tích rừng sau khi bị phá nhanh chóng được người dân cắm trụ trồng hồ tiêu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đác Song Lê Viết Sinh, cho biết, với tâm lý trồng tiêu trên vùng đất mới sẽ giảm được nguy cơ bệnh tuyến trùng và nhu cầu mở rộng diện tích, đã tạo nên áp lực phá rừng.

“Mặc dù, chưa có thống kê cụ thể, nhưg trên thực tế, hầu hết diện tích rừng bị phá ở địa phương ngay sau đó được thay thế bằng những vườn tiêu”, ông Sinh nhấn mạnh.

Huyện Cư Jút, địa phương trọng điểm về sản xuất cây hoa màu ngắn ngày của tỉnh, tuy nhiên, mỗi năm cũng có hàng trăm héc-ta cà phê, cây ngắn ngày bị thu hẹp, nhường chỗ cho cây hồ tiêu.

Trưởng phòng NN và PTNT, huyện Cư Jút Hồ Sơn cho biết, trong ba năm trở lại đây, bình quân mỗi năm khoảng hơn 100 ha cà phê, cây ngắn ngày được chuyển đổi sang trồng hồ tiêu. So với các loại cây trồng khác, trồng hồ tiêu đang cho thu nhập rất cao, nhưng với việc ồ ạt mở rộng diện tích theo thời giá như hiện nay là rất mạo hiểm, nông dân nên thận trọng, bởi hiện nay một số bệnh trên cây tiêu chưa có thuốc đặc trị, khi tiêu chết hàng loạt nông dân sẽ gặp khó khăn.

Nhiều vườn tiêu chết trắng tại Đác Nông.

Giám đốc Sở NN và PTNT, tỉnh Đác Nông Đỗ Ngọc Duyên cho biết, việc phát triển hồ tiêu với quy mô lớn như hiện nay là rất mạo hiểm, Sở đã khuyến cáo bà con chỉ phát triển trong vùng quy hoạch, tập trung thâm canh tăng năng suất, phát triển theo hướng đa dạng sinh học thì cây tiêu mới bền vững. Nếu cứ trồng tiêu bằng mọi giá, chạy theo lợi nhuận trước mắt, bất chấp quy hoạch, bỏ mặc những rủi ro hiện hữu, chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng tiêu, nông dân khó tránh khỏi thiệt hại khi giá tiêu đổi chiều hoặc tiêu bị bệnh chết nhanh.

Chưa biết giá hồ tiêu trong những năm tới như thế nào, nhưng hệ lụy trực tiếp từ việc đổ xô vào trồng tiêu đã làm dịch bệnh lây lan chóng mặt. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, có khoảng 20% diện tích hồ tiêu đang nhiễm bệnh vàng lá chết chậm, 15% diện tích bị bệnh chết nhanh. Bên cạnh đó, hàng chục loại bệnh khác cũng khiến sản lượng hồ tiêu ngày càng sụt giảm.


Related news

nang-suat-lua-he-thu-dat-6-5-tan-ha Năng suất lúa Hè Thu… binh-dinh-dau-tu-hon-6-254-ti-dong-thuc-hien-de-an-phat-trien-chan-nuoi-bo-thit-chat-luong-cao Bình Định đầu tư hơn…