Mô hình kinh tế Nông Dân “Đánh Bạc” Với Tôm

Nông Dân “Đánh Bạc” Với Tôm

Publish date Tuesday. March 27th, 2012

Nông dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam... đang ào ạt phá rừng phòng hộ, phá vườn, phá ruộng lúa để đào hồ nuôi tôm.

Con tôm "phất cờ"

Tại nhiều xã ven biển các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn (Bình Định), nông dân đang rầm rộ đào hồ nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến đầu tháng 3.2012, nhiều ruộng lúa, vườn ngô ở xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) biến mất, thay vào đó là những hồ tôm.

Nhiều vùng đất nằm ngoài quy hoạch nuôi tôm của xã Mỹ Thành cũng bị nông dân cải tạo thành hồ tôm. UBND xã Mỹ Thành vừa phát hiện hơn 50ha nuôi tôm trái phép. Mặc dù chính quyền địa phương đã về tận thôn, xóm kiểm tra, lập biên bản, xử phạt hành chính… nhưng vẫn không ngăn chặn được nạn phá vườn nuôi tôm trái phép.

Anh Trần Ngọc (sinh năm 1976, ở thôn Hưng Lạc, xã Mỹ Thanh) cho biết: "Năm 2010, thấy người nuôi tôm trúng đậm, tôi ham quá nên sang thôn Hưng Tân mua 800m2 đất vườn để nuôi tôm. Thuê xe đào ao, mua máy móc, con giống... khoảng 40 triệu đồng. Nếu tôm không dịch bệnh, nuôi 1 vụ thu lãi được 30-40 triệu đồng. Ngon ăn vậy dại gì không nuôi tôm mà phải đi làm thuê hay nuôi trồng các loại cây, con khác".

Những huyện Đông Hòa, Tuy An, Sông Cầu… của tỉnh Phú Yên luôn thay phiên nhau làm "điểm nóng" về tình trạng phá rừng phòng hộ để đào hồ nuôi tôm.

Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tuy An, tháng 2.2012, các ngành chức năng đã phát hiện 48 trường hợp lấn chiếm đất rừng phòng hộ với diện tích hơn 41.000m2 để đào hồ nuôi tôm. Tại thị xã Sông Cầu, số lượng lồng nuôi tôm hùm cũng vượt ra ngoài quy hoạch.

Ông Hồ Nam Yên - Phó phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, cho biết: "Thị xã quy định số lượng lồng tôm hùm ở mức 16.000 lồng, nhưng trong năm 2012 đã tăng lên 22.000 lồng. Theo quy định của Bộ NNPTNT, mỗi ha mặt nước chỉ thả nuôi 30-60 lồng tôm nhưng với 90ha phục vụ nuôi trồng thủy sản của xã Xuân Thịnh đã bị thả nuôi tới 7.000 lồng".

Nguy cơ trắng tay

Ông Nguyễn Thái Hải Anh, cán bộ phụ trách thủy sản Phòng Kinh tế Thị xã Sông Cầu, cho biết: "Đến đầu tháng 3 năm nay, trên địa bàn đã có 300.000 con tôm hùm bị chết… gây thiệt hại trên 200 tỷ đồng. Người dân thả nuôi tôm với mật độ quá dày là nguyên nhân gây dịch bệnh.

Tại Bình Định, đang có 17,4 ha tôm bị chết vì dịch bệnh. Theo lý giải, do là vùng cao triều, nằm xa đầm Đề Gi (huyện Phù Mỹ) nên người nuôi tôm xã Mỹ Thành phải đóng giếng ven đầm để lấy nước mặn. Sau đó bơm, dẫn vào ao nuôi bằng đường ống dài cả 1 km. Kết thúc vụ nuôi, hệ thống dẫn nước mặn tiếp tục có nhiệm vụ đưa nước thải ra đầm. Chính vì vậy mà nguồn nước cung cấp cho nuôi tôm tại đầm Đề Gi ngày càng ô nhiễm.

Đến năm 2010, làng Huỳnh Giản (xã Phước Hoà, Tuy Phước, Bình Định) có 340/600 hộ nuôi tôm mắc nợ với hơn 23 tỷ đồng (chưa tính lãi) và không còn khả năng để trả nợ.

Ông Ngô Đình Ba - Phó phòng NNPTNT huyện Phù Mỹ, lo lắng: "Nuôi tôm kiểu "ăn xổi ở thì" như vậy thì chỉ "ăn" được vài vụ đầu khi nguồn nước chưa bị ô nhiễm. Chẳng chóng thì chầy, sự ô nhiễm của nguồn nước sẽ quay lại hại chính con tôm".

Hầu hết những người nuôi tôm ngoài quy hoạch tại miền Trung thường "xé rào" lịch thời vụ, sử dụng con giống không đảm bảo, khâu vệ sinh nguồn nước không được chú trọng… nên dịch bệnh rất dễ bùng phát. Đó là nguy cơ trắng tay cho nhiều người đang liều lĩnh "đánh bạc" với tôm.


Related news

ben-tre-chom-chom-trai-vu-co-muc-gia-cao-ky-luc Bến Tre: Chôm Chôm Trái… dai-gia-nuoi-heo-nai-miet-vuon Đại Gia Nuôi Heo Nái…