Mô hình kinh tế Nông Dân Đổ Xô Trồng Lúa Nhật

Nông Dân Đổ Xô Trồng Lúa Nhật

Publish date Wednesday. July 17th, 2013

Trước tình hình khó khăn chung của nghề trồng lúa, nhiều bà con nông dân có khuynh hướng tìm kiếm những giống lúa mới đạt giá trị kinh tế cao hơn để tiếp tục canh tác. Trong đó giống lúa Nhật (ĐS1) được nhiều nông dân ưa chuộng và tìm trồng.

Giống lúa này có những ưu điểm vượt trội như: năng suất cao, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc, đặc biệt giá cao hơn lúa thường từ 1.500 - 2.000 đồng/kg, trung bình 1ha trồng lúa Nhật bà con lãi khoảng 40 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là giống lúa mới, vì vậy người trồng còn gặp nhiều khó khăn trong kỹ thuật canh tác cũng như đầu ra cho sản phẩm vẫn còn lệ thuộc nhiều vào doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Đồng Tháp, hiện tại diện tích trồng lúa Nhật đang bùng phát, tính đến đầu tháng 6/2013, toàn tỉnh có hơn 570 ha sản xuất lúa Nhật ĐS1, tập trung trồng nhiều nhất ở 4 huyện Bắc sông Tiền gồm: Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình và Tháp Mười. Nguyên nhân chính khiến diện tích trồng lúa Nhật tăng nhanh là do tình hình xuất khẩu gạo trong nước đang phát triển chậm lại, giá lúa thương phẩm đang giảm mạnh, nông dân rất khó khăn trong việc tìm đầu ra cho lúa thương phẩm.

Trong khi đó, theo nhận định của nhiều bà con, trồng lúa Nhật lợi nhuận kinh tế hấp dẫn hơn nhiều so với trồng lúa thường. Không những lúa Nhật cho năng suất cao, trung bình khoảng từ 10 - 12 tấn/ha ở mùa đông xuân và mùa hè thu đạt từ 7 - 8 tấn/ha mà giá cả lại ổn định vì được công ty bao tiêu sản phẩm. Trung bình lúa tươi có giá từ 6.000 - 6.400 đồng/kg và lúa khô là 8.800 đồng/kg. Không những thế, doanh nghiệp còn hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp giống cho nông dân.

Tuy nhiên, hiệu quả từ mô hình trồng lúa Nhật vẫn còn nằm trong giai đoạn khảo sát và đánh giá. Hiện tại, giống lúa ĐS1 chưa được trồng khảo nghiệm ở đồng bằng sông Cửu Long, hiện các cơ quan chuyên môn vẫn chưa thể đưa ra khuyến cáo, nhận định cụ thể và đặc tính cây trồng cho bà con nông dân.

Bên cạnh đó, việc ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân còn nhiều điểm rất mơ hồ, không phù hợp với qui định của hợp đồng kinh tế và chưa có sự giám sát của bên thứ 3. Thế nên, đây có thể là kẽ hở nếu có rủi ro xảy ra thì phần thiệt thòi hoàn toàn nghiêng về phía nông dân. Mặc dù hiểu rõ những rủi ro trên, song do giá lúa thường liên tục giảm khiến cho nhiều nhà nông bắt đầu chạy theo xu hướng trồng lúa Nhật với ước mong đổi đời.

Anh Võ Văn Sang - nông dân ở ấp Phú Thọ C, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông cho biết: “Do mấy vụ vừa rồi lúa bán không được giá nên gia đình tôi bị thua lỗ nhiều. Vụ này được người quen giới thiệu giống lúa Nhật trồng hiệu quả kinh tế cao và được công ty lo đầu ra nên tôi quyết định chuyển 3,5ha trồng lúa 50404 sang trồng lúa Nhật. Hi vọng mùa này sẽ khá hơn”.

Nguyễn Văn Thông - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Nông nhận định: “Hiện tại, trên địa bàn huyện Tam Nông có khoảng 370ha trồng lúa Nhật, tuy nhiên diện tích trên là do người dân tự phát trồng, địa phương không khuyến khích người dân mở rộng diện tích vì giống lúa này vẫn còn nằm trong phạm vi khảo sát và nghiên cứu của các ngành chức năng.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở nào cung cấp loại giống này, lúa giống chủ yếu được một số doanh nghiệp từ tỉnh An Giang chuyển sang cho một số hộ dân trên địa bàn huyện gieo trồng và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhưng trên thực tế, chưa có cuộc điều tra nào chứng minh về nguồn gốc và qui mô hoạt động của doanh nghiệp thu mua lúa Nhật. Vì thế, việc công ty đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng lúa Nhật cho bà con bằng hợp đồng thì còn lắm mơ hồ. Bà con nông dân nên cảnh giác và tìm hiểu thật kỹ trước khi sản xuất ồ ạt”.

Để người nông dân không gặp thiệt thòi trong quá trình chuyển giao trồng các giống cây trồng mới, bà Lê Thị Thủy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Sở NN&PTNT có công văn gửi Cục Trồng trọt về tình hình sản xuất giống lúa ĐS1, đề nghị cần khảo nghiệm giống ĐS1 ở miền Nam trước khi cho sản xuất đại trà.

Các địa phương cần theo dõi tình hình sản xuất giống này về diện tích, phương thức hợp đồng của các công ty thu mua để tránh những rủi ro, thiệt hại đáng tiếc cho bà con nông dân”.


Related news

ca-cao-mat-mua-rot-gia Ca Cao Mất Mùa Rớt… nang-chat-luong-mia Nâng Chất Lượng Mía