Nông Dân Lại Đua Nhau Chặt Bỏ Ca Cao
Giá cả lên xuống bấp bênh, chi phí đầu tư cao, tốn nhiều công chăm sóc, năng suất thấp... cây ca cao đang bị nông dân nhiều nơi trong tỉnh phá bỏ để trồng những loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Bớt, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca cao xã Tân Hưng (Đồng Phú) cho biết, tổ hợp tác ca cao được thành lập năm 2007 với 40 hộ tham gia, có diện tích khoảng 100 ha ca cao xen điều. Năm 2009, từ tổ hợp tác thành lập câu lạc bộ thì có thêm 20 hộ tham gia, nâng tổng diện tích ca cao của câu lạc bộ lên 170 ha. Thế nhưng đến nay chỉ khoảng 40 hộ còn giữ vườn cây với diện tích khoảng 130 ha.
Theo ông Bớt, nguyên nhân chính khiến nông dân chặt bỏ ca cao là do giá thấp. Có thời điểm ca cao xuống còn 35 ngàn đồng/kg. Nếu trừ chi phí đầu tư, công thu hoạch thì lỗ nặng. Ngoài ra, do hạn hán kéo dài, không đủ nước tưới cộng thêm nấm bệnh nên năng suất ca cao thấp, trung bình đạt khoảng 1,2 tấn/ha.
Nếu so với các loại cây trồng xen canh dưới tán điều như cà phê, tiêu thì giá trị không bằng... Trong số thành viên của câu lạc bộ, hộ ông Hoàng Lợi đã chặt bỏ 2 ha ca cao năm thứ 6, hộ ông Lê Viết Thuận chặt 6 ha ca cao cũng năm thứ 6.
Ông Phạm Ngọc Thuyền, Chi hội trưởng nông dân thôn 6, xã Đức Liễu (Bù Đăng) nói: Năm 2005, gia đình tôi trồng 1.200 cây ca cao xen trong vườn điều. 3 năm sau ca cao cho thu hoạch, giá bán 35-40 ngàn đồng/kg. Một năm sau, giá có tăng nhưng trừ chi phí thì hòa vốn. Năm 2012, với 1,2 ha ca cao, gia đình ông thu 4 tạ, giá bán 50 ngàn đồng/kg nhưng tính ra vẫn lỗ, nên đầu năm 2013 ông chặt bỏ chuyển sang trồng tiêu.
Ông Thuyền nhận định, nếu ca cao cho năng suất cao thì trồng xen trong vườn điều hiệu quả. Thế nhưng có những cây đậu hàng trăm trái, đến khi thu hoạch chỉ được vài ba trái. Trái ca cao non thường hay bị các loại nấm bệnh, gần chín người dân không thu hoạch kịp lại là mồi ngon của sóc.
Từng một thời được xem là cây chủ lực xen canh trong vườn điều nhằm tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích, nhưng gần đây diện tích ca cao đã bị thu hẹp. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng theo các nhà vườn thì diện tích ca cao còn lại không nhiều và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm. Chặt bỏ ca cao, nhiều nhà vườn cũng chặt bỏ luôn cây điều.
Ông Nguyễn Văn Tất, trước đây là Chủ nhiệm câu lạc bộ ca cao xã Đức Liễu (Bù Đăng) cho biết thêm, năm 2006, câu lạc bộ ca cao xã thành lập có 90 hộ tham gia, nhưng nay chỉ còn 10 hộ. Ông Lê Hùng, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Đức Liễu nhẩm tính, năm 2006 cả xã có 270 ha ca cao xen điều, năm 2012 giảm còn 113 ha, nay còn chưa được 100 ha.
Ông Hùng nhận định, nông dân chặt bỏ ca cao vì không năng suất. Họ rất mong các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tìm biện pháp phòng ngừa sâu bệnh như rệp, rầy đen. UBND tỉnh, huyện nên có những chính sách hỗ trợ người trồng ca cao, điều để nông dân yên tâm sản xuất. Hai câu lạc bộ ca cao ở xã Minh Hưng (Bù Đăng) nay cũng chỉ còn khoảng 10 ha, giảm hơn một nửa so với những năm đầu mới triển khai dự án ca cao xen điều.
Ông Trần Ngọc Kinh, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo người dân không nên chạy theo phong trào chặt bỏ ca cao. Đây chỉ là cây trồng xen canh nhằm tăng năng suất vườn điều, vì thế không nên so sánh với cao su hay tiêu, cà phê. Hiện nay, ngành nông nghiệp vẫn khuyến khích nông dân trồng xen ca cao trong vườn điều ở những nơi đủ nước tưới. Hơn nữa, không phải năm nào ca cao cũng mất mùa.
Cũng như các loại cây trồng khác, ca cao đòi hỏi phải đủ dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển. Mỗi giai đoạn phát triển phải có cách chăm sóc, bón phân phù hợp mới cho năng suất cao. Đặc biệt, ca cao cũng rất nhiều nấm bệnh, người trồng phải kiểm tra vườn thường xuyên, kịp thời phát hiện và xử lý sâu bệnh. Ngành nông nghiệp đang đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ nông dân trồng ca cao, điều nhằm giữ vững vùng nguyên liệu điều theo quy hoạch của tỉnh và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao