Mô hình kinh tế Nông Dân Làm Khuyến Nông

Nông Dân Làm Khuyến Nông

Publish date Wednesday. December 3rd, 2014

Từ những đợt tham quan hay thông qua các phương tiện thông tin đại chúng mà nhiều nông dân đã gặp nhau, rồi sẻ chia kinh nghiệm làm ăn cho nhau theo kiểu tai nghe, mắt thấy, tay sờ…

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã triển khai thực hiện 5 chương trình khuyến nông với 26 mô hình trên các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi cũng như tập huấn phổ cập kiến thức, kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông- lâm - ngư nghiệp cho nông dân. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên nhiều mô hình chỉ dừng lại ở sản xuất điểm, mà chưa được nhân rộng.

Sẻ chia kinh nghiệm

Nhìn các loại đậu cô-ve, bí xanh, dưa leo, khổ qua, ớt… của gia đình ông Nguyễn Tấn Thinh ở thị trấn Mộ Đức đang sinh sôi nảy nở trên diện tích 1ha ở xứ đồng Gò Ải ai cũng bất ngờ. Bất ngờ vì đất ở xứ đồng Gò Ải nức tiếng xấu nên chỉ cây mì và đậu phụng mới có thể sống nổi với năng suất chỉ 1 tấn mì tươi/sào và gần 1 tạ đậu/sào. Nghĩa là giá trị thu nhập chỉ đạt 2,2 – 2,5 triệu đồng/sào.

Biết thế là quá thấp, nhưng vì không tìm ra cây gì để thay nên nhiều năm nay, ông Thinh cũng như người dân nơi đây vẫn dùng mì với đậu phụng nhằm giữ hơn 10ha đất tại xứ đồng này.

Nhưng tất cả đã thay đổi sau một lần ông Thinh đi tham quan mô hình sản xuất rau an toàn của nông dân thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức). “Nhìn ruộng rau của họ là tôi mê liền. Vì cùng một diện tích mà rau cho lợi nhuận gấp đôi mì, đậu phụng”, ông Thinh bày tỏ. Hẳn thế mà sau chuyến tham quan ấy, ông Thinh quyết định thuê thêm 1ha đất tại xứ đồng Gò Ải, rồi nhờ hộ Huỳnh Văn Khanh – một trong những người sản xuất rau giỏi của xã Đức Hiệp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất.

“Mừng là anh Khanh không nói suông, mà ảnh trực tiếp vào tận nơi xem đất, rồi tận tình ra vào theo dõi, chỉ tôi cách chọn và ươm giống, bố trí, luân phiên các loại rau theo mùa vụ. Khi phát hiện xứ đồng Gò Ải không bị ngập nước, anh Khanh bảo tôi nên trồng rau vụ đông, tuy rủi ro nhưng lợi nhuận cao gấp 4 – 6 lần so với chính vụ. Đã thế, anh Khanh còn giúp tôi bán sản phẩm nữa”, ông Thinh cho hay.

Nhờ sự trợ giúp như thế nên dù mới bắt tay vào làm ăn lớn, ông Thinh đã thu được nhiều “quả ngọt”. Đó là sau 75 ngày, 3 sào bí xanh thu được 8 tấn quả mang lại cho ông Thinh 20 triệu đồng; còn 6 sào ớt chỉ địa cũng giúp ông có thêm 450 - 500 nghìn đồng/ngày. Thừa thắng xông lên, ông Thinh tiếp tục xuống giống toàn bộ 11 sào đất còn lại với các loại rau quả như côve, khổ qua, dưa leo, cải…

Cùng giúp nhau làm giàu

Không chỉ tận tình sẻ chia kinh nghiệm trong sản xuất mà nhiều nông dân còn hỗ trợ, giúp đỡ nhau để cùng giàu lên. Ông Đinh Pha Răng, thôn Mai Lãnh Thượng, xã Long Mai (Minh Long) là một điển hình. Vốn có tiếng là người H’rê mạnh dạn, dám nghĩ dám làm với việc canh tác 10 sào ruộng lúa nước, đàn trâu hơn chục con cùng chiếc xe tải trị giá hơn 300 triệu đồng để thu mua, vận chuyển keo cho mình và hàng xóm; ông Pha Răng còn được bà con nơi đây nể phục bởi cái tính nhiệt tình, tốt bụng. “Ổng có nhà to, trâu nhiều nhưng không xa bà con. Ai khó là ổng giúp. Mà ổng lạ lắm, không giúp bằng tiền mà lại nhờ người ta đi phát rẫy, dọn đồng rồi trả công bằng gạo. Nhưng mấy người đó sau này làm lúa, nuôi trâu giỏi lắm”, anh Đinh Văn Ri ngụ cùng thôn cho hay. Lý giải cách giúp đỡ người chẳng giống ai này, ông Đinh Pha Răng bảo: “Mình bắt chước ông Huỳnh Thân ở Nghĩa Hành đấy”.

Chẳng là trước đây, do chưa có kinh nghiệm nên dù làm lúa nhiều, gia đình ông Pha Răng vẫn không đủ ăn, nuôi trâu bò thì nó gầy yếu chẳng chịu lớn, trồng keo lại lỗ hoài. “Mình nản. Nhưng nhờ một lần gặp ông Thân, ổng chỉ mình là trước khi gieo sạ, phải cày đất bón phân chuồng, dùng phân thuốc đúng liều lượng; nuôi trâu, bò phải trồng cỏ, che chuồng để nó không bị lạnh; keo thì không được bán non…”, ông Pha Răng nhớ lại.

Nghe lời khuyên, rồi nhìn cơ nghiệp ông Thân, ông Pha Răng quyết thay đổi cách làm. Kết quả, từ một người làm quần quật vẫn không đủ ăn, ông Đinh Pha Răng dần dần có trong tay gia tài mà bất kỳ người đồng bào dân tộc H’rê nào cũng phải mơ ước: Nhà to, tiện nghi đầy đủ, xe tải, xe máy, con cái ổn định ra riêng…

Thiết nghĩ, giữa lúc nhiều mô hình khuyến nông dù hiệu quả nhưng phải “tắt” ở khâu thí điểm vì thiếu kinh phí thì, cách làm của ông Khanh, ông Thân thật có sức hút và dễ lan tỏa bởi công việc cụ thể, hiệu quả thực tế. Thế nên không chỉ ông Thinh, ông Pha Răng mà còn rất nhiều nông dân trong tỉnh đã đổi đời nhờ cái cách “khuyến nông rất nông dân” ấy.

Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201412/nong-dan-lam-khuyen-nong-2355658/


Related news

nang-cao-chat-luong-rung-trong Nâng Cao Chất Lượng Rừng… ra-soat-thong-ke-dien-tich-buoi-cac-loai-tren-dia-ban-toan-tinh Rà Soát, Thống Kê Diện…