Tin nông nghiệp Nông dân Sơn La trồng nhãn năng suất cao

Nông dân Sơn La trồng nhãn năng suất cao

Author An Nguyên, publish date Monday. October 7th, 2019

Áp dụng quy trình VietGap, nhãn của Sơn La đã đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, đảm bảo sản phẩm chất lượng và an toàn. 

Người trồng nhãn ở Sơn La vui mừng có một mùa quả bội thu.

Là địa phương có diện tích trồng nhãn lớn nhất miền Bắc. Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên người trồng nhãn ở Sơn La có một mùa quả bội thu. Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La đang có 60 hợp tác xã (HTX) trồng nhãn. Trong đó, 12 HTX được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGap với diện tích 238 ha, sản lượng ước tính 1.594 tấn.

Ngoài ra, Sơn La cũng được cấp 6 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, ASEAN với diện tích khoảng 61,35 ha, sản lượng khoảng 500 tấn...

Tính chung, tỉnh Sơn La có khoảng 12.300 ha diện tích trồng nhãn, trong đó diện tích cho thu hoạch là khoảng 7.826 ha với sản lượng ước đạt trên 40.000 tấn nhãn quả.

Những con số trên chính là kết quả thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, nhất là cây nhãn trên địa bàn nhiều huyện, thành phố của tỉnh Sơn La.

Đặc biệt, những năm gần đây nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel, sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quy trình sản xuất an toàn VietGap... Nhãn của Sơn La đã đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, đảm bảo sản phẩm chất lượng và an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để xuất khẩu.

Điển hình như Hội nông dân huyện Sông Mã, nhờ hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đã tận dụng, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ông Bạc Cầm Soạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bó Sinh, huyện Sông Mã chia sẻ: "Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhận thức của người dân trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến. Nhiều hộ dân đã tích cực, tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa... Vì vậy, bộ mặt nông thôn ở Bó Sinh, Sông Mã đang từng ngày khởi sắc".

Cũng theo ông Soạn, mặc dù là một trong những xã vùng 3 còn nhiều khó khăn của huyện Sông Mã nhưng đến nay Bó Sinh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích cây ăn quả trên toàn xã là 115 ha cây ăn quả (chủ yếu là cây nhãn, xoài), trong đó, 60 ha đã cho thu hoạch, đem lại thu nhập từ 30 triệu đến 50 triệu đồng/hộ/năm.

Giống như ở Bó Sinh, nhiều năm trước, nông dân trên địa bàn xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La nói chung và bản 19/8 nói riêng chủ yếu sống bằng nông nghiệp, cây trồng chủ yếu là ngô và lúa, năng suất thấp, giá trị kinh tế không cao. 

Gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, nông dân bản 19/8 xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, cũng như nhiều gia đình khác trong xã sản xuất không đủ ăn, nhất là trong thời gian giáp hạt. "Tôi nhận thấy vùng đất ở Mường Sang có lẽ sẽ hợp với cây nhãn nên đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1ha đất trồng ngô lúa kém phát triển sang trồng nhãn giống Miền Thiết Hưng Yên . 5 năm sau các loại cây này cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn trồng ngô, lúa", chị Thủy cho biết.

Lúc này, chị Thủy và nhân dân trên địa bàn được biết về chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về việc chuyển đổi cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020. Cùng với việc được tham gia vào các chương trình tập huấn, học tập kinh nghiệm sản xuất do huyện tổ chức, chị thấy chỉ cần có đất sản xuất, lựa chọn đúng cây trồng, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật sẽ mang đến cho người nông dân những thành công ngoài mong đợi.

Nhờ mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, đến nay, với tổng diện tích 4,5ha, trang trại của gia đình chị Thủy gồm: nhãn, cam, bưởi, bơ... với 3 ha đã cho thu hoạch, mỗi năm thu về trên 1 tỷ đồng.

Có thể nói, chính sự đổi thay ở vùng đất nghèo như Bó Sinh, hay Mường Sang...nhờ việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và thay đổi giống cây trồng đã giúp cho người dân vùng cao hiểu và tin rằng Chương trình xây dựng nông thôn mới là của dân, do dân và dân hưởng thụ.


Related news

nghe-sua-kieng-an-nen-lam-ra-dip-tet-den Nghề sửa kiểng ăn nên… mo-hinh-nuoi-luon-tao-sinh-ke-cho-nong-dan-vung-bien Mô hình nuôi lươn tạo…