Mô hình kinh tế Nông Dân Tăng Lợi Nhuận Từ “1 Phải, 5 Giảm”

Nông Dân Tăng Lợi Nhuận Từ “1 Phải, 5 Giảm”

Publish date Tuesday. December 24th, 2013

“1 phải, 5 giảm”- mô hình phát triển lúa bền vững, không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất, mà còn góp phần bảo vệ môi trường nên được nông dân huyện Thoại Sơn áp dụng trên diện tích 9.300 héc-ta.

Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Thoại Sơn Phan Quốc Bảo tâm sự: “Khi bắt tay triển khai thực hiện mô hình “3 giảm, 3 tăng” trước đây và “1 phải, 5 giảm” hiện nay, chúng tôi gặp không ít trở ngại do tập quán canh tác lúa truyền thống ở một bộ phận không nhỏ người canh tác. Thế nhưng, qua tập huấn kết hợp tuyên truyền, vận động và đặc biệt, từ hiệu quả sản xuất mang lại, nông dân rủ nhau tham gia mô hình.

Đến nay, đã có 21.260 hộ sản xuất trên địa bàn áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng” với tổng diện tích 31.202 héc-ta (93,5%), trong đó 28% diện tích là áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm”, vốn được “nâng cấp” từ mô hình “3 giảm, 3 tăng”. Với hiệu quả từ mô hình mới này và qua khuyến cáo của chúng tôi, chắc chắn diện tích áp dụng sẽ tăng lên đáng kể”.

“1 phải, 5 giảm” là chương trình sản xuất hiện đại và thân thiện với môi trường. Để mở rộng diện tích áp dụng mô hình, ngành Nông nghiệp huyện Thoại Sơn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, điểm trình diễn áp dụng “1 phải, 5 giảm”. Riêng từ đầu năm đến nay, đã triển khai 6 lớp với 240 người tham dự, áp dụng thực tế trên diện tích 616 héc-ta và tuyên truyền đến tận cơ sở. Đặc biệt, hiệu quả từ áp dụng mô hình đã thật sự thuyết phục nông dân.

Nếu trước đây, mỗi héc-ta nông dân sạ từ 160-210kg, nay lượng giống giảm xuống còn 85-110kg. Đối với việc bón phân, nông dân sử dụng bảng so màu lá lúa để kiểm soát, thay vì sử dụng 100kg/héc-ta, nay giảm trên 10kg. Không ít nông dân còn mạnh dạn giảm số lần bón phân hóa học, thay vào đó là các loại phân vi sinh.

Tương tự, qua khuyến cáo và thường xuyên thăm đồng, nhiều nông dân tự giảm từ 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật /héc-ta/vụ, nhất là giảm lượng nước thông qua phương pháp tưới ngập khô xen kẽ nhưng cây vẫn khỏe, ít sâu bệnh, hạt lại sáng, năng suất cao. Đến khi thu hoạch, nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp và sấy lúa để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm hao hụt nên đã tăng thêm lợi nhuận sản xuất qua mỗi vụ.

Theo tính toán, thu hoạch bằng cơ giới, nông dân giảm thất thoát 1 triệu-  1,5 triệu đồng/héc-ta từ công cắt, hao hụt… Theo nhiều nông dân “1 phải, 5 giảm” đã giúp tiết kiệm chi phí từ 2,5 triệu - 4 triệu đồng/héc-ta. Đây là một khoản không nhỏ trong thời điểm giá lúa xuống thấp.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại  Sơn Phan Thanh Tùng đánh giá: “Việc áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” là một hướng đi tích cực, không chỉ tăng lợi nhuận đáng kể cho người trồng lúa, mà còn bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe của nông dân.

Đây còn là mô hình nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo ở khu vực và trên thị trường quốc tế. Với xu thế đó, chúng tôi sẽ tiếp tục mở thêm các lớp huấn luyện, điểm trình diễn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, tăng cường tuyên truyền nông dân áp dụng “1 phải, 5 giảm” vượt trên 50% diện tích  sản xuất toàn huyện vào năm 2015”.


Related news

ngan-chan-nhan-nuoi-oc-buou-vang Ngăn Chặn Nhân Nuôi Ốc… nuoi-hau-thai-binh-duong-o-quang-ngai Nuôi Hàu Thái Bình Dương…