Mô hình kinh tế Nông dân Vĩnh Linh khó tìm đầu ra ổn định cho nông sản

Nông dân Vĩnh Linh khó tìm đầu ra ổn định cho nông sản

Publish date Tuesday. June 23rd, 2015

Chúng tôi có mặt tại xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh) khi địa phương này đang bước vào vụ thu hoạch khoai môn. Đã từ lâu, đất đỏ ba dan ở vùng đông Vĩnh Linh rất phù hợp với cây khoai môn. Đây cũng là cây trồng ngắn ngày chủ lực của người dân địa phương này. Bên cạnh diện tích trồng đại trà, khoai môn còn được người dân tận dụng trồng xen trên những lô cao su chưa khép tán.

Theo người dân địa phương thì khoai môn là loại cây trồng ngắn ngày cho thu hồi vốn nhanh, ít sâu bệnh nhưng đây cũng là loại cây trồng bỏ ra chi phí khá cao, đòi hỏi nhiều giai đoạn canh tác và tốn nhiều công chăm sóc. Khoai môn Vĩnh Linh được thị trường trong Nam, ngoài Bắc ưa chuộng vì nhiều bột, giá trị dinh dưỡng cao. Năm nay, khoai môn được đánh giá đạt năng suất cao hơn năm ngoái nhưng đầu ra gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã vào giữa vụ thu hoạch nhưng người dân không mặn mà ra đồng vì khoai môn rớt giá.

Anh Hoàng Hồng Sơn, ở xã Vĩnh Thạch cho biết, năm nay gia đình anh trồng 8 sào khoai môn, ước sản lượng thu hoạch khoảng 5 tấn củ. Trên cùng diện tích này, vụ trước anh chỉ thu hoạch được khoảng 2 tấn. Tuy nhiên, năm nay giá khoai môn giảm đáng kể. Thương lái mua tại ruộng chỉ từ 4-5 ngàn đồng/kg. Trong lúc đó vào thời điểm này năm ngoái, bình quân 1 kg khoai môn có giá từ 18-20 ngàn đồng. Trước tình hình rớt giá như hiện nay, sau khi thu hoạch, người trồng khoai môn chỉ đủ đắp đổi cho chi phí đầu tư, hầu như không có lãi.

Được biết, trong vụ đông xuân 2014- 2015, toàn huyện Vĩnh Linh gieo trồng được gần 4.800 ha các loại cây trồng có củ và cây thực phẩm, ngô, lạc... Phần lớn các loại cây trồng đều cho năng suất cao hơn năm trước như cây ngô năng suất đạt 32 tạ/ha, tăng 3 tạ so với vụ trước; các loại cây lấy củ như khoai lang, khoai môn... đạt năng suất khoảng 120 tạ/ha, tăng 1 tạ so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên, khi các nông sản được mùa thì giá cả năm nay chỉ bằng 40-60% so với vụ đông xuân năm trước. Để giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, thời gian qua, chính quyền địa phương đã tập trung xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản mang tính đặc trưng của huyện, đồng thời thực hiện quảng cáo sản phẩm truyền thống vốn có của địa phương, liên kết với các doanh nghiệp để thu mua sản phẩm.

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết, ngoài sự nỗ lực của địa phương, Vĩnh Linh rất cần sự hỗ trợ từ Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh để cùng địa phương thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản, giúp nông dân ổn định tâm lý, tập trung mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, tình trạng được mùa- mất giá đã để lại cho ngành nông nghiệp trong nước nhiều bài học đắt giá nhưng hiện tượng trên vẫn thường xuyên tái diễn. Nguyên nhân chính vẫn là do thiếu sự điều tiết hợp lý trong khâu trồng lẫn khâu tiêu thụ.

Đây cũng là nguyên nhân chính đẩy nhiều hộ nông dân vào hoàn cảnh tự tìm đầu ra cho nông sản và dễ bị tư thương ép giá. Để hạn chế tình trạng này, các địa phương cần chủ động tìm kiếm, hợp tác với các thương lái từ các địa phương khác đến ký hợp đồng trực tiếp với người dân trong tiêu thụ nông sản để mở rộng kênh phân phối. Bên cạnh đó, các cấp, ngành liên quan cũng cần có chính sách phù hợp để bảo hộ vùng và sản phẩm đặc trưng của từng vùng như hỗ trợ nông dân khi mất mùa, đầu tư vào khâu nghiên cứu giống, bảo quản sau thu hoạch để tăng thời gian và giá trị sử dụng, nâng cao chất lượng các loại nông sản. Các hộ nông dân cũng cần có sự liên kết trong quá trình sản xuất, tiến hành sản xuất theo quy trình để nâng cao chất lượng sản phẩm và ổn định giá cả.


Related news

gioi-thieu-cong-nghe-uong-giong-ca-chinh-bong Giới thiệu công nghệ ương… lien-ket-san-xuat-lua-giong-vua-mung-vua-lo Liên kết sản xuất lúa…