Tin nông nghiệp Nông nghiệp 4.0: Đưa máy bay không người lái, robot vào.. trồng rau

Nông nghiệp 4.0: Đưa máy bay không người lái, robot vào.. trồng rau

Author Trần Thị Hồng Lan - Phó Cục trưởng Cục ƯD và PT Công Nghệ, publish date Monday. October 9th, 2017

“Công nghiệp 4.0” và “Nông nghiệp 4.0” đã và đang tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến lĩnh vực nông nghiệp trên quy mô toàn cầu. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam đổi mới công nghệ và tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên cần có cách tiếp cận hợp lý và giải pháp tổng thể để phát huy những lợi thế...

Dây chuyền tự động phân loại củ, quả trị giá 3,5 triệu USD của Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng). Ảnh: NGUYỄN TRỌNG QUYỀN

Cơ hội và thách thức

Nhìn lại lịch sử, khoa học và công nghệ (KHCN) đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Từ thập niên 50 của thế kỷ XX, những tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, bảo vệ thực vật và công nghệ sinh học đã tạo nền tảng cho nông nghiệp công nghệ cao. Giai đoạn từ năm 1969 tới nay, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục được phát triển nhờ ứng dụng công nghệ số, công nghệ sinh học, và các công nghệ tiên tiến khác.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 70 - 75% lao động sẽ mất việc làm bởi ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0. Với Việt Nam, khoảng 20 - 30 triệu lao động ngành dệt may, lắp ráp, nông nghiệp sẽ thất nghiệp. Vì vậy, cần sớm có những giải pháp để giải quyết vấn đề này. 

Kết quả, từ một nền nông nghiệp lạc hậu, tự cung tự cấp, đến nay Việt Nam đã trở thành 1 trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu ổn định ở mức 30 tỷ USD/năm. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD.

Nội hàm của cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp là sự kết nối mạng lưới bên trong và bên ngoài của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các thông tin số hóa được sử dụng trong toàn bộ quá trình sản xuất, kết nối với các đối tác và người tiêu dùng. Quá trình phân tích, xử lý thông tin chủ yếu được thực hiện tự động.

Để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, phải số hóa dữ liệu và tự động hóa quy trình sản xuất sản phẩm. Thực tế, Việt Nam đã có thể ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) với hàng loạt hệ thống cảm biến (sensor), giúp phân tích, kết nối dữ liệu đất đai, dinh dưỡng, sinh lý, sinh trưởng cây trồng… Đồng thời ứng dụng các công nghệ nông nghiệp chính xác để tự động hóa và tưới cây, bón phân đúng thời điểm với lượng cần thiết vừa đủ cho cây.

Chúng ta cũng đã ứng dụng công nghệ đèn Led canh tác trong nhà, công nghệ thông tin, thiết bị bay không người lái (drones), thủy canh, người máy (robot) tích hợp các bộ phân tích hoặc các phần mềm hỗ trợ phân tích có thể thay thế con người.

Một số doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới và thu được những kết quả đáng ghi nhận, có thể kể đến các trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH True Milk và Công ty Vinamilk; các vùng sản xuất rau an toàn của VinEco; hay Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu tại Hà Nội.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa thuận lợi. Hạ tầng cơ sở để ứng dụng IoT của nước ta cũng chưa đồng bộ...

Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng công nghệ

Anh Nguyễn Tiến Thắng (xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) nuôi gà trong phòng lạnh và áp dụng thụ tinh nhân tạo.  Ảnh: T.Q

Về mặt pháp lý, hiện Việt Nam đã có Luật KHCN, Luật Chuyển giao công nghệ. Trong Luật Chuyển giao công nghệ, có riêng một điều về chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp. Ngoài ra, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp cũng được Chính phủ tập trung chỉ đạo tại các Nghị quyết 35, 63 và 64 năm 2016 và các Nghị quyết 01, 19 và 27 năm 2017.

Nhà nước cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu phát triển và hoàn thiện công nghệ. Trong đó, có lĩnh vực nông nghiệp như Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025; Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia... Ngoài ra, còn có các quỹ phát triển KHCN như Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KHCN quốc gia và một số quỹ khác của địa phương.

Các chương trình, hoạt động trên đã mang lại hiệu quả và tạo tác động tích cực đối với sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Các doanh nghiệp, cá nhân đã có điều kiện tiếp cận các thông tin về công nghệ, thiết bị trong và ngoài nước. Nhiều dự án nghiên cứu phát triển đã được triển khai, nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng và thương mại hóa thành công, đáp ứng phần nào nhu cầu của sản xuất.

Chuẩn bị gì cho nông nghiệp 4.0 ?

Về mặt chính sách, cần hoàn thiện hệ thống chính sách về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, xây dựng mạng lưới và nâng cao năng lực các tổ chức trung gian về KHCN. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước.

Với các chính quyền địa phương, đây là giai đoạn phải cụ thể hóa các chính sách, quy định của T.Ư thông qua các cơ chế, chương trình hành động chi tiết, phù hợp với địa phương mình. Cụ thể, các địa phương nên tổ chức các diễn đàn công nghệ, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật để kết nối nhà nông với doanh nghiệp và nhà khoa học trong hoạt động sản xuất và quản lý.

Với doanh nghiệp và người nông dân, cần khẳng định mình chính là chủ thể quyết định của quá trình sản xuất. Người nông dân và doanh nghiệp cần chủ động kết nối với các cá nhân, tổ chức KHCN, các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế để có thêm cơ hội tiếp cận và cập nhật công nghệ.

Với các tổ chức trung gian và tổ chức hỗ trợ như vườn ươm, trung tâm hỗ trợ công nghệ, các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm cần tăng cường phối hợp trong việc tạo ra hệ sinh thái hoàn thiện để các sáng chế, ý tưởng có điều kiện phát triển, ứng dụng vào thực tế sản xuất hoặc trở thành các sản phẩm có khả năng thương mại hóa.

6 kiến nghị, đề xuất

Thứ nhất, cần sớm quan tâm tới vấn đề đào tạo và chuyển dịch cơ cấu lao động. Về đổi mới chương trình đào tạo từ bậc đại học, bậc phổ thông. Thậm chí, ngay từ cấp tiểu học. Ngoài ra, phải lấy KHCN làm nền tảng, trụ cột trong chương trình đào tạo, tập trung truyền đạt tri thức, khuyến khích tính sáng tạo, phát triển trí tuệ, trang bị kiến thức và các kỹ năng khoa học.

Thứ hai, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước liên kết nhiều hơn, tốt hơn với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức KHCN trong nước và nước ngoài. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, học tập, chuyển giao, phát triển công nghệ… phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, Nhà nước cần một hệ thống pháp luật chặt chẽ, đồng bộ, tạo điều kiện cho nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng phát triển. Sự bình đẳng, tính minh bạch sẽ thúc đẩy sức sáng tạo, hỗ trợ đúng mức cho các doanh nghiệp đang ứng dụng, đổi mới, chuyển giao và phát triển công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ.

Thứ tư, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, thông tin KHCN cũng như tổ chức các diễn đàn KHCN khác. 

Thứ năm, cần đầu tư hạ tầng KHCN. Đặc biệt, xây dựng trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ hoàn thiện và phát triển công nghệ. 

Thứ sáu, hoàn thiện và thực thi tốt chính sách về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.Với các giải pháp tổng thể từ trung ương tới địa phương, cùng hệ thống chính sách thân thiện và phát huy tốt các nguồn lực xã hội, KHCN sẽ là đòn bẩy để nông nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.


Related news

gao-dat-nhat-the-gioi-2-5-trieu-kg-co-gi-dac-biet Gạo đắt nhất thế giới… ly-do-nao-khien-loai-dua-hau-nay-co-gia-len-toi-130-trieu-dong-qua Lý do nào khiến loại…