Tin nông nghiệp Nông nghiệp không thuốc trừ sâu

Nông nghiệp không thuốc trừ sâu

Author Chí Nhân, publish date Friday. December 15th, 2017

Đó là cách mà nhiều hộ nông dân trồng lúa ở xã Vĩnh Lộc (huyện An Phú, An Giang) đã áp dụng mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế và chất lượng. Đây cũng là hướng đi mà ngành nông nghiệp trong nước cần nhân rộng.

Những cánh đồng lúa không sử dụng thuốc trừ sâu hơn 20 năm qua ở Châu Phú (An Giang) vẫn tươi tốt, năng suất cao.

Chi phí giảm, năng suất cao

Ông Nguyễn Văn Lực ở ấp Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Lộc) cho biết: Một vụ lúa 3 tháng thường có 3 loại sâu rầy gây hại là bọ trĩ, sâu cuốn lá và rầy nâu. Muốn tránh bọ trĩ, cần vệ sinh đồng ruộng thật sạch, san bằng mặt ruộng, xuống giống đồng bộ, tháo nước khô ráo sau sạ và chọn giống xác nhận. Đối với rầy nâu, khi thấy rầy xuất hiện nhiều thì tháo nước trên ruộng để rầy con bám vào gốc lúa gần ở phần mặt đất. Rầy chích hút và sinh sản ở phần gốc cách mặt đất khoảng 1 – 1,5 cm, thân cây lúa chuyển thành màu xám hồng là trứng rầy đang trong giai đoạn sắp nở. Cho nước vào ngập khoảng nửa cây lúa, ngâm từ 3 – 5 ngày sẽ làm trứng rầy bị thối, sẽ giảm gây hại cho lúa khoảng 75 – 80%…

Ông Lực chia sẻ rằng đã thu thập những kiến thức và kinh nghiệm trên từ các lớp tập huấn chương trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) do địa phương tổ chức. Trước đây, mỗi khi thấy sâu, rầy xuất hiện ông liền mua thuốc phun xịt. Từ khi áp dụng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp ông đã không còn phải tốn tiền mua thuốc trừ sâu rầy, tính ra mỗi vụ cũng tiết kiệm được từ 2 – 3 triệu đồng/ha. Chi phí sản xuất giảm, năng suất vẫn ổn định nên lợi nhuận tăng.

Theo ông Nguyễn Minh Bửu, Trưởng trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật H.An Phú, xã Vĩnh Lộc hiện có hơn 100 nông dân sản xuất theo mô hình không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy trên diện tích hơn 200 ha. Đây là mô hình áp dụng chương trình IPM, “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” do ngành nông nghiệp hướng dẫn. Cách làm của nhiều nông dân ở An Phú thực chất là trừ sâu, rầy bằng phương pháp sử dụng thiên địch, hạn chế tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu nhằm bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và gia đình, bảo vệ môi trường và tính kinh tế của cách sản xuất này.

Không chỉ có ở ĐBSCL, ở xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai, Hà Nội) có đến 97 – 98% nông dân làm lúa không dùng thuốc trừ sâu khoảng 10 năm nay và cũng đạt hiệu quả cao. Trên thực tế, những mô hình sản xuất này đã được phổ biến đến đông đảo bà con nông dân trong nhiều năm qua. Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều nông dân áp dụng hoặc chỉ áp dụng từng phần. Nguyên nhân vì trên thị trường có nhiều loại thuốc trừ sâu rầy mà tâm lý thông thường của nông dân là khi phun vào thấy hiệu quả ngay. Chính vì vậy mà đa phần họ vẫn ưu tiên sử dụng phân thuốc để an tâm hơn.

Kiểm soát kinh doanh phân thuốc

Theo TS Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học (Trường ĐH Cần Thơ), tình trạng thực phẩm chưa sạch thời gian qua, người ta thường đổ lỗi cho người nông dân thiếu ý thức. Tuy nhiên nếu đặt ngược vấn đề là do cách thức quản lý chưa tốt khiến nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu ngày một tăng và mất kiểm soát. Các nhà nhập khẩu nông sản thế giới chỉ nhìn vào con số nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu đã hình dung được bản chất bên trong như thế nào. Đó chính là lý do vì sao họ phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật để làm rào cản sản phẩm của chúng ta. Do vậy, bên cạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cần phải quản lý tốt nguồn vật tư nông nghiệp đầu vào.

Theo Bộ NN-PTNT, chỉ trong 11 tháng của năm 2017, lượng phân bón nhập khẩu đạt tới 4,27 triệu tấn và 1,14 tỷ USD, tăng 15,5% về khối lượng và tăng 13,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, lượng thuốc trừ sâu và nguyên liệu nhập khẩu tăng đến 37,5% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 890 triệu USD. Nguồn nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc, chiếm tới 52,7% tổng giá trị của mặt hàng này; tốc độ tăng nhập khẩu gần 53%.

“Chỉ trong 8 tháng mà số lượng phân bón vô cơ tăng tới 7.748 sản phẩm, 377 phân bón hữu cơ và phân bón khác thì rõ ràng cách thức quản lý của chúng ta thời gian qua có vấn đề, có biểu hiện buông lỏng trong quản lý. Các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia chỉ có chừng 1.000 sản phẩm”, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), nói.

Các chuyên gia cho rằng để nông sản trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của thế giới ngành nông nghiệp cần tích cực chuyển giao kỹ thuật mới cho bà con nông dân, đồng thời, khắc phục tình trạng nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp mất kiểm soát hiện nay.


Related news

ky-thuat-trong-dau-rai Kỹ thuật trồng dầu rái xuat-khau-rau-qua-voi-muc-tieu-4-5-ty-usd Xuất khẩu rau quả với…