Mô hình kinh tế Nông Nghiệp Tổn Thương

Nông Nghiệp Tổn Thương

Publish date Friday. June 13th, 2014

Giá cả lúc tăng, lúc giảm là chuyện thường, nhất là với hàng nông hải sản bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ trúng hay mất, bị dội hay hút hàng trên thị trường không chỉ trong nước...

Nhưng chưa khi nào giá các loại nông hải sản đồng loạt rớt như trong tháng 5 đến giờ. Tôm nuôi đang bán với giá xấp xỉ với giá thành, loại 100 con/kg là 105.000 đồng, mức giá bị rơi vào thế tuột dốc, nếu so sánh với giá tôm cùng loại của vụ trước (130.000 - 140.000 đồng/kg).

Cùng với đó là tình trạng ít người đi mua, trong khi năm 2013 người nuôi có được cơ hội lựa chọn nơi bán có giá cao hơn, tất nhiên có sự tham gia của các thương nhân Trung Quốc. Tương tự, thanh long có giá trên 20.000 đồng/kg kéo dài khoảng 3 - 4 tháng rồi sau đó, đột ngột rớt giá xuống vài ngàn đồng/kg cùng thời điểm Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam.

Rồi xoài, dưa hấu, chôm chôm... đều đang vào mùa thu hoạch chính và đều có giá bán tại vườn rất thấp. Chưa hết, đến lúa có thể trữ lại nhưng cũng rơi vào tình cảnh rớt giá, chỉ 5.500 đồng/kg, trong khi lúa phải bán từ 6.300 đồng/kg trở lên mới có lãi. Về các vùng nông thôn vào lúc này đều nghe chung nỗi niềm của nông dân là thu không đủ trả chi phí phân thuốc đã mua nợ gối đầu. 

Ở góc độ của nông dân, họ nhận ra giá các mặt hàng nông hải sản rớt không chỉ vì lý do thấy rõ là thị trường Trung Quốc diễn biến không bình thường, mà còn vì bị ảnh hưởng bởi điều tưởng chừng không liên quan là do xe chở đúng trọng tải.

Chính các thương lái đã lý giải cho việc giảm giá mua hàng với lý do ấy cộng thêm minh họa hình ảnh con đường vào các nhà vườn còn khúc khuỷu, quanh co. Nếu trước kia, các xe tha hồ chở quá tải khiến chi phí thấp, các cơ sở lời nhiều. Còn nay chở đúng tải thì lời ít, có khi không lời nên bên mua phải chia sớt khó khăn ấy cho những nhà vườn.

Còn ở góc độ của cơ sở, doanh nghiệp mua nông hải sản thì cho rằng, giá bán trên thị trường không tăng, có khi không bán được hoặc bán được hàng nhưng không thu trọn tiền như giao dịch theo đường tiểu ngạch qua Trung Quốc nên rủi ro trong buôn bán thời gian này rất cao. Trong khi chi phí, nhất là chi phí vận chuyển tăng vọt nên việc hạ giá mua là lối thoát duy nhất.

Từ đó để thấy, lĩnh vực nông nghiệp bị tổn thương nhiều như thế nào vào thời điểm này. Điều ai cũng lo là sắp tới giá nông hải sản liệu có tăng lên? Vào thời điểm này, không chỉ Bình Thuận mà một số tỉnh khác cũng đã xác định thị trường để xúc tiến, theo thông tin từ các báo. Trong đó, năm 2014, Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư Bình Thuận tổ chức khảo sát thị trường Ấn Độ…

Lúc này, nông dân mơ ước có thêm thị trường, chỉ là mơ ước vì nông dân không đủ sức, lực để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm mình trồng. Phải là tổ chức, là những đơn vị có liên quan. Mới đây, thông tin Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đang thực hiện mô hình đi khảo sát thị trường trước khi quyết định cho nông dân ở Tây nguyên vay vốn trồng cây mắc na.

Theo mô hình đó, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Bình Thuận cho biết, tại Bình Thuận cây trồng có vùng nguyên liệu lớn là thanh long nên sắp tới chi nhánh sẽ áp dụng mô hình khảo sát thị trường đầu ra và quyết định cho nông dân trồng thanh long vay. Cần nỗ lực cho nông nghiệp bớt tổn thương…


Related news

bat-chap-canh-bao-hoa-qua-trung-quoc-van-don-ve-cho Bất Chấp Cảnh Báo, Hoa… hinh-thanh-vung-chuyen-canh-cay-an-qua-thu-nhap-gan-300-trieu-dong-ha-tai-nga-son-thanh-hoa Hình Thành Vùng Chuyên Canh…