Nông thôn mới khởi sắc trên Lũng Cú
Những ngày giá rét cuối năm Giáp Ngọ ở Hà Giang, rét giống như ai đó dùng kim châm vào từng thớ da thịt, cũng là lúc chúng tôi đến với các thôn bản của xã Lũng Cú để tận mắt tận hưởng sức xuân đang ngập tràn vùng biên viễn này...
Sau một chặng đường dài hơn 150 km từ thành phố Hà Giang, ngược lên phía Bắc, với bao cung đường đèo dốc cua gấp khúc, đã lộ ra là Cột cờ Tổ quốc trên núi Rồng thiêng liêng, lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay.
Theo sử sách lưu truyền; Sau khi chủ động tấn công ngăn quân xâm lược phương Bắc sang tận Ung Châu, Tướng quân Lý Thường Kiệt trở về qua biên ải hội quân.
Ông cắm một lá cờ xuống đỉnh núi Rồng và truyền lời: Đất này là của cha ông ta.
Nơi đây là máu thịt của Tổ quốc, dù phải đổ máu, chúng ta phải giữ gìn.
Còn Vua Quang Trung sau khi đại phá quân Thanh, đất nước yên bình, ông truyền cho một chiếc trống đồng đưa lên Lũng Cú để đồng bào các dân tộc đánh trống mở hội vui Xuân.
Người dân trên Cao nguyên đá Đồng Văn tích cực làm đường theo chương trình NTM.
Mặc dù những ngày sát Tết Bính Thân, ai đó đều tất bật với công việc tư gia, nhưng con đường đến với Lũng Cú vẫn từng đoàn xe đưa khách thập phương đến nơi đây du ngoạn thưởng thức sức xuân nơi địa đầu tổ quốc.
Sức xuân đã nở rộ trên Lũng Cú với những con đường rải bê tông từ trung tâm xã đến các thôn bản ở xa xôi nhưng khá khang trang, nhà dân nơi trung tâm xã đã san sát, làm bức tranh cuộc sống vùng cao, nơi có hơn 98% bà con dân tộc Mông và Lô Lô sinh sống càng trở nên nhộn nhịp.
Với hạ tầng có được như thế là kết quả của Chương trình xây dựng NTM của địa phương, bởi sau 5 năm nỗ lực vượt bậc, Lũng Cú đã cố gắng đạt 9/19 tiêu chí NTM.
Lũng Cú được ví như một lòng chảo, có 3 mặt tiếp giáp nước láng giềng Trung Quốc, có chiều dài biên giới hơn 16 km, tính từ thôn Xán Chồ đến bờ sông Nho Quế.
Cả xã có 863 hộ dân, với 4.454 nhân khẩu.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong xóa đói giảm nghèo và xây dựng hạ tầng cho nhân dân, nhưng tính theo tiêu chí mới, thì Lũng Cú vẫn còn hơn 78% hộ dân thuộc diện nghèo.
Trao đổi với phóng viên, ông Vàng Dỉ Xoáng - Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cú cho biết: Cái khó nhất của Lũng Cú là thu nhập bình quân đầu người/năm quá thấp, mới đạt 7,2 triệu đồng, chưa bằng một nửa so với tiêu chí tối thiểu của NTM (18 triệu đồng/người/năm).
Diện tích rộng nhưng chủ yếu là núi đá, chỉ có hơn 111 ha cấy lúa và chỉ cấy trồng lúa được một vụ hè thu, với năng suất khoảng 54 tạ/ha và hơn 340 ha gieo trồng ngô vụ xuân, diện tích ngô được tận dụng cả trồng trên các hốc núi đá, nhưng do bà con cần cù chăm sóc cộng với giống mới nên năng suất thường đạt trên 41 tạ/ha, ngô lúa đã cơ bản giải quyết được bài toán lương thực có hạt...
Cũng như các địa phương khác của tỉnh Hà Giang, cán bộ công tác tại xã Lũng Cú đều được giao nhiệm vụ giúp đỡ các hộ nghèo, trong đó mỗi vị lãnh đạo chủ chốt xã chịu trách nhiệm giúp 2 hộ vươn lên thoát nghèo.
Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cú - Vàng Dỉ Xoáng được phân công giúp 2 hộ nghèo ở thôn Lô Lô Chải, đó là hộ ông Xình Dỉ Phiến và Vàng Dỉ Chính phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc, từng bước có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Nhìn chung, Công cuộc xây dựng NTM vùng biên cương địa đầu Tổ quốc vẫn còn lắm gian nan.
Để hoàn thành 10 tiêu chí nông thôn mới còn lại, lãnh đạo xã Lũng Cú tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phổ biến kỹ thuật canh tác, đầu tư thâm canh cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, mở các lớp dạy nghề, tổ chức tiêu thụ nông sản hàng hóa cho người dân.
Bởi điểm xuất phát xây dựng NTM rất thấp.
Lũng Cú đã đề xuất trước mắt Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn xây dựng đường bê tông nông thôn Thèn Ván, xử lý vệ sinh môi trường, xây dựng Nhà văn hóa để có nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Tiếp tục thực hiện các chương trình nhân rộng mô hình nuôi gà đẻ, chim bồ câu, nuôi bò sinh sản, trồng rau bắp cải, trồng tam giác mạch, trồng đào...
Lũng Cú hiện vẫn là địa bàn khó khăn, xây dựng NTM vẫn còn nhiều dang dở, nhưng không khí những ngày sát Tết, người dân đã chuẩn bị khá chu đáo cho việc đón xuân Bính Thân.
Vì bà con các dân tộc Mông, Lô Lô ở Lũng Cú đã bắt đầu ăn Tết từ ngày 25 tháng chạp Ất Mùi kéo dài cho đến rằm tháng Giêng.
Trên đỉnh núi Rồng xã Lũng Cú, lá cờ tổ quốc đang tung bay đón mừng thành công Đại hội XII của Đảng và đón mừng Kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng, cũng là lúc hai bên đường bê tông vào các thôn xóm của xã Lũng Cú thêm rực rỡ với các loại hoa đào, mận bắt đầu khoe sắc xuân, tạo nên sức sống mới ở vùng biên viễn này.
Niềm vui và hơi ấm còn lan tỏa đến tất cả những ngôi nhà nghèo gặp khó khăn ở Lũng Cú, khi được Nhà nước hỗ trợ 15 kg gạo/người để ăn Tết, ngoài ra Lãnh đạo xã Lũng Cú đã vận động các cơ quan, đơn vị, trường học, bộ đội biên phòng đóng góp để hỗ trợ thêm cho những hộ thuộc diện chính sách, hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ 500.000đ đến 1 triệu đồng để các gia đình đều có cái Tết thêm đầm ấm..
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao