Tin thủy sản Nuôi cá chẽm ở Việt Nam

Nuôi cá chẽm ở Việt Nam

Author Marine, publish date Thursday. December 10th, 2020

Trong những năm qua, nghề nuôi biển ở nước ta liên tục phát triển nhưng diện tích đã nuôi vẫn còn khiêm tốn. Trong đó, cá chẽm nhờ những đặc tính tốt, dễ thích nghi môi trường, tăng trọng nhanh và giá trị kinh tế cao, thị trường xuất khẩu ổn định nên người nuôi cá ở Việt Nam nhập cá chẽm giống từ Thái Lan.

Ngành nuôi cá chẽm cần tích cực hơn nữa, để phát huy hết tiềm năng của con cá chẽm Việt Nam.

Cá chẽm được hy vọng là ngôi sao mới trong thị trường thủy sản. Nuôi cá chẽm trước hết tận dụng được các ao khác, nhất là ao bỏ hoang, có lợi cho nền kinh tế, trong bối cảnh nhiều ruộng tôm, ao cá tra đang bị “treo” người dân bỏ ao không sử dụng.

Thực trạng nuôi cá chẽm ở Việt Nam

Với đặc điểm sống trong cả môi trường nước ngọt lẫn nước mặn, có thể nói ở đâu có ao, ở đó nuôi được cá chẽm. Việt Nam có thể triển khai nuôi phục vụ xuất khẩu và cải thiện đời sống của đồng bào ở nhiều vùng địa lý khác nhau. Có thể nuôi lồng ngoài biển, nuôi trong ao nuôi tôm (ao sâu hơn 1 m). Cá chịu lạnh không tốt nhưng chịu nóng tốt. Cá không đòi hỏi những môi trường khắt khe, có thể sử dụng ao nuôi tôm và ao cá tra bỏ hoang để nuôi. Tuy vậy các nhà chuyên môn cũng lưu ý là cá chẽm cần hàm lượng oxi cao hơn cá tra, phải có hệ thống sục khí, quạt gió nếu nuôi mật độ dày. Còn nuôi từ 1-2 con/m2 thì không cần thiết. 

Ngoài ra thực trạng nữa là các cơ sở vẫn nuôi cá chẽm theo phương pháp truyền thống là cho ăn thức ăn tươi. Do đó sản lượng thấp, hiệu quả không cao, việc triển khai quy mô lớn rất khó nên cần chuyển sang nuôi cá chẽm theo phương pháp công nghiệp bằng thức ăn công nghiệp. Hiện có nhiều nhà máy sản xuất thức ăn, nhiều nhà nhập khẩu thức ăn cho cá chẽm. Thức ăn không thiếu vấn đề chỉ là người nuôi chưa quen với công nghệ mới. Mặt khác, giống cá chẽm ăn thức ăn công nghiệp vẫn còn hiếm, chưa đủ cung ứng cho thị trường. Cá chẽm đã được xuất khẩu nhưng do sản lượng còn thấp nên việc xuất khẩu còn khiêm tốn.

Một số nhà xuất khẩu quan tâm đến cá chẽm công nghiệp, điển hình là Công ty Vĩnh Hoàn, đã triển khai đầu tư nuôi 400ha cá chẽm, đây là doanh nghiệp sớm tham gia đầu tư xuất khẩu con cá chẽm. Sản phẩm cá chẽm cao cấp đã xuất ổn định vào châu Âu, vào Mỹ. Hiện ở Sóc Trăng cũng đã tiến hành nuôi thí điểm công nghiệp, đạt con số 70 tấn cá/ ha, thành công nhất thế giới. Khó khăn hiện tại là lượng giống cá chẽm nuôi công nghiệp cung ứng cho thị trường chưa đủ đáp ứng được yêu cầu mở rộng sản xuất. Nếu giải quyết được con giống ăn thức ăn công nghiệp, chắc chắn diện tích nuôi cá chẽm sẽ tăng nhanh, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống cơ sở vật chất là hệ thống ao nuôi tôm, ao nuôi cá không sử dụng nữa, người dân đang chuyển sang nuôi cá chẽm mà không cần đầu tư lớn.

Mô hình nuôi cá chẽm

Một số mô hình đang được ứng dụng nuôi cá chẽm ở nước ta hiện nay như nuôi bè và nuôi ao.

Nuôi bè

Nuôi cá chẽm trong lồng đang được phát triển ở nhiều nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hồng Kông và Singapore. Các thành công của việc nuôi cá chẽm trong lồng trên biển và trên sông đã có ý nghĩa cho việc phát triển của nghề này. Mô hình này cũng được nuôi nhiều ở Việt Nam, tuy nhiên chịu ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Nuôi cá chẽm trong lồng là mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của các địa phương gần vùng cửa sông. 

Nuôi ao

Hiện nay việc nuôi cá chẽm trong ao nước lợ ở một số quốc gia đã cho thấy có tiềm năng lớn về thị trường và  lợi nhuận cao. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt, nếu như đáp ứng được những yêu cầu về cung cấp con giống, vị trí thích hợp và trại giống được thiết kế hoàn chỉnh. Nguồn giống tự nhiên thì rất hạn chế. Cũng giống như nuôi lồng, đây là một trong những khó khăn cho việc thâm canh hóa nghề nuôi cá Chẽm trong ao. Tuy nhiên với những thành công trong việc sản xuất cá chẽm nhân tạo, cung cấp con giống từ nguồn này sẽ lớn mạnh trong tương lai. So sánh tốc độ tăng trưởng của cá nhân tạo và cá giống thu từ tự nhiên khi nuôi trong ao không thấy sai khác có ý nghĩa.

Ngành thủy sản đang hi vọng có thể chuyển từ đánh bắt cá chẽm tự nhiên sang hoàn toàn nuôi cá chẽm theo phương pháp công nghiệp. Tuy nhiên, do đầu ra của cá chẽm thương phẩm chưa ổn định, thị trường còn khá bỡ ngỡ với loại sản phẩm này. Do vậy để bà con nhân rộng mô hình này, trước mắt cần mở rộng việc liên kết với các ngân hàng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tìm nguồn hỗ trợ vốn đầu tư và bao tiêu đầu ra ổn định cho sản phẩm này. Ngoài ra có nhiều ý kiến lưu ý là các nước như Úc, Trung Quốc cũng đang tiến hành nghiên cứu nuôi cá chẽm. Việt Nam cần có những bước đi tích cực hơn nữa, để chiếm lĩnh thị trường cá chẽm trên thế giới.


Related news

tom-duoi-ap-luc-tu-ph Tôm dưới áp lực từ… hoa-hoc-dai-duong-khong-giong-nhau-o-moi-noi Hóa học đại dương không…