Mô hình kinh tế Nuôi cá hồi, cá tầm trên đỉnh Pù Rinh

Nuôi cá hồi, cá tầm trên đỉnh Pù Rinh

Author Võ Dũng - Việt Khánh, publish date Tuesday. December 15th, 2020

Chọn được dòng suối trên đỉnh Pù Rinh, ông Sâm thực hiện dự án nuôi cá hồi, cá tầm. Ông là người duy nhất tại tỉnh Thanh Hóa nuôi thành công giống cá này.

Bình quân, từ nuôi cá hồi, cá tầm ông Sâm thu lãi ròng 500-600 triệu đồng. Ảnh: Võ Dũng.

Nuôi giống cá đắt như vàng

Mười năm trước, trước sức hút của cá hồi, UBND tỉnh Thanh Hóa mời Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa (Viện Nghiên cứu Nuô trồng thủy sản 1) khảo sát địa chất, dòng nước để đưa về nuôi. Qua khảo sát các chỉ số về nhiệt độ nguồn nước, độ pH, Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa xác định, tại Thanh Hóa chỉ có 1 điểm nuôi cá hồi phù hợp tại dòng suối Tá, thuộc bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh.

Các bể nuôi cá hồi, cá tầm được ông Sâm đặt dưới những tán cây để đảm bảo bể cá luôn mát mẻ, nhiệt độ nước không vượt ngưỡng 23 độ C. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, để nuôi được giống cá này yêu cầu chi phí đầu tư rất lớn để xây dựng bể và đập dâng điều tiết nước. Giá mỗi con cá giống cũng lên đến 70 nghìn đồng. Trong khi đó, nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh Thanh Hóa ở thời điểm này chỉ khoảng 200 triệu đồng. Nếu dự án được trao cho một người nuôi không đủ năng lực tài chính, không thực sự tâm huyết thì rất khó để thành công. Nguy cơ đổ bể một dự án là điều đã được dự đoán trước.

Trước tình thế này, UBND huyện Lang Chánh trao niềm tin vào ông Hà Khắc Sâm, chủ một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn thị trấn Cành Nàng.

Theo ông Sâm, Pù Rinh thuộc dãy núi Chí Linh, nơi xưa kia Lê Lợi từng lợi dụng địa thế hiểm trở để đóng quân, luyện binh đánh giặc. Ở đây, nguồn nước suối Tá chảy quanh năm không bao giờ cạn. Nước suối Tá trong vắt, có nhiệt độ dao động từ 11-23 độ C, rất phù hợp để nuôi các giống cá nước lạnh.

Nhưng con đường đi từ trung tâm xã Trí Nang đến đỉnh Pù Rinh, nơi dòng suối khởi phát rất hiểm trở, phải bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của để mở đường, xây dựng trại nuôi.

Nguồn nước nuôi cá hồi, cá tầm được ông Sâm lấy từ các đập dâng ở thượng nguồn, chảy qua các ống dẫn đưa vào bể nuôi. Ảnh: Võ Dũng.

Bản thân ông Sâm chỉ được nghe nói đến cá hồi là một giống cá cho chất lượng thơm ngon, giá trị kinh tế cao chứ chưa bao giờ được xem các mô hình nuôi loài cá này. Sau khi được UBND huyện Lang Chánh “chọn mặt gửi vàng”, ông đi khắp các trại nuôi cá hồi tại ra Sa Pa để học kỹ thuật nuôi, kỹ thuật xây dựng bể nuôi.

Đầu năm 2010, khi thấy tự tin hơn, ông Sâm quyết định mở đường vào suối Tá, xây 3 bể nuôi với tổng diện tích 300 m2, phía trong mặt bể được ốp bằng Inox, làm mái che để che nắng, che mưa cho cá, xây 2 đập ngưng, làm hệ thống ống dẫn nước từ thượng nguồn suối Tá về chuẩn bị nuôi cá hồi.

Nhìn công trình ông xây dựng với chi phí gần 3 tỷ đồng, ai cũng hồi hộp, lo lắng. Chưa biết ông Sâm có thành công hay không nhưng không ít người bàn lùi.

“Nhiều người bàn lùi, nói với tôi là quay đầu may còn kịp. Chi phí xây dựng đã lớn, chi phí cá giống cũng rất đt đỏ. Lứa đầu tiên, tôi mua 6.000 con cá giống đã mất ngót 420 triệu đồng. Mỗi kg thức ăn cho cá hồi ở thời điểm đó được nhập từ nước ngoài về với giá 55 nghìn đồng/kg; giá thức ăn đắt đỏ nhưng nguồn hàng nhiều lúc khan hiếm đến mức cá phải nhịn ăn cả tuần. Mà cũng lạ, giống cá này có thể nhịn đói đến chết chứ nhất định không ăn thức ăn nào khác. Sau này, một đơn vị trong nước sản xuất được thức ăn cho cá hồi, giá 35 nghìn đồng/kg” – ông Hà Khắc Sâm cho hay.

Để đảm bảo nhiệt độ nước nuôi cá trong bể không vượt ngưỡng, ông Sâm sử dụng hai máy làm lạnh công suất lớn. Ảnh: Võ Dũng.

Đến khoảng giữa năm 2011, trang trại cá hồi của ông Sâm bắt đầu xuất bán, trọng lượng cá cũng đạt trên dưới 1kg.

Nhưng chi phí đầu vào quá lớn khiến giá thành sản xuất cá hồi thương phẩm rất cao, tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có nguồn tiêu thụ ổn định. Ông Hà Khắc Sâm vận chuyển cá ra Hà Nội bán nhưng đường xa, tỷ lệ cá chết nhiều, tính ra lãi chẳng đáng là bao.

Trời không phụ công người

Khi đàn cá hồi ngốn hết gần 300 triệu tiền thức ăn, chưa biết xuất bán vào đâu thì tai ương ập đến với trang trại cá hồi của ông Hà Khắc Sâm. Cuối năm 2011, mưa lớn khiến nước Suối Tá dâng cao, tràn vào các bể nuôi cá hồi, phần lớn cá xuôi theo dòng suối, số còn lại trong bể, do nước quá đục, thức ăn không vận chuyển vào kịp chết sạch. Vợ chồng ông Sâm vừa vớt cá vừa khóc.

“7-8 tấn cá hồi xuôi theo suối Tá. Số còn khoảng 2 tạ chết trắng bụng, do nước lũ dâng cao không vận chuyển ra khỏi bản được, tôi mổ bụng, lấy ruột rồi dùng muối trắng muối lên ăn dần; một phần thì cho người thân, dân bản ăn. Tiếc của, vợ tôi ốm cả tháng trời, tôi làm lụng 2 năm nhưng hàng tỷ đồng chỉ trong chốc lát đi theo dòng suối. Vợ chồng tôi trở thành kẻ trắng tay, nhiều người thương cảm, động viên nhưng cũng không ít lời ra tiếng vào” – ông Hà Khắc Sâm nhớ lại.

Phải mất một thời gian, sau khi được UBND huyện Lang Chánh, UBND tỉnh Thanh Hóa động viên, vợ chồng ông Sâm mới nghĩ đến chuyện sẽ làm lại từ đầu.

Bể nuôi cá hồi, cá tầm được ốp bạc để không bị rêu, mốc bám quanh. Ảnh: Võ Dũng.

“Sau khi mất trắng toàn bộ cá hồi thương phẩm, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã lên thăm và động viên tôi. Ông Quyền hứa sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để tôi tiếp tục nuôi cá hồi. Thực tế, thời điểm này, hạ tầng trang trại, nguồn nước vẫn đảm bảo. Tôi quyết tâm làm lại và lần này nuôi cả con cá tầm nữa” – ông Hà Khắc Sâm chia sẻ.

Sau khi vay thêm 1 tỷ đồng từ ngân hàng, năm 2013 ông Sâm xây dựng thêm 6 bể nuôi cá thương phẩm và 5 bể ương dèo cá giống nữa. Lần này, ngoài 4.000 con cá hồi, ông làm liều đưa thêm 10 nghìn con cá tầm về nuôi. May mắn cho ông, nhờ có thêm chút kinh nghiệm nên tỷ lệ cá sống cao. Thời điểm này, nguồn thức ăn được một doanh nghiệp trong nước sản xuất nên giá thành chỉ còn 35 nghìn đồng/kg.

Ông Sâm chủ động hơn với nguồn thức ăn cho cá, không còn tình trạng cá phải nhịn ăn mấy ngày liền như trước đây. Đến cuối năm 2014 thì số cá tầm, cá hồi được bán hết cho các nhà hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ông thu về trên 2 tỷ đồng, lãi ròng trên 500 triệu đồng. Đó là bước ngoặt lớn nhất trong suốt 10 năm qua đối với vợ chồng ông.

Năm 2018, ông Sâm du nhập thêm giống cá trắng châu Âu (cá hồi trắng) về nuôi trong bể. Nhưng lứa nuôi đầu tiên, do chưa hiểu hết đặc điểm sinh trưởng của giống cá này nên 6.000 con cá giống mới thả nuôi được 2 tháng chết sạch. Vẫn không chịu đầu hàng, ông Sâm tiếp tục lấy giống cá trắng châu Âu về nuôi. Đến nay, đàn các sinh trưởng, phát triển tốt.

Theo ông Sâm, so với cá tầm thì cá hồi và cá trắng châu Âu khó nuôi và chậm lớn hơn rất nhiều. Thực tế, qua nhiều năm nuôi, ông rút ra kinh nghiệm, đối với các giống cá nước lạnh, yếu tố quan trọng nhất là nguồn nước. Nước càng lạnh cá càng ít dịch bệnh và nhanh lớn. Khi thấy cá kén ăn ông thường cho chúng tắm muối.

Đến nay, cá hồi, cá tầm tại trang trại của ông Sâm đã trở thành một đặc sản ở Thanh Hóa. Bình quân mỗi năm ông Sâm xuất khoảng 9-10 tấn cá thương phẩm, thu về gần 3 tỷ đồng, lãi ròng 500-600 triệu đồng. Ông Sâm cho biết, hiện ông đủ điều kiện để nâng quy mô trại nuôi lên nhưng thực tế, nếu có sản lượng lớn thì phải có những kênh tiêu thụ khác.


Related news

mot-giong-buoi-cuc-chat-luong-do-nong-dan-lai-tao Một giống bưởi cực chất… trong-chanh-tu-mua-thu-on-dinh-hang-tram-trieu-dong Trồng chanh tứ mùa thu…