Tin thủy sản Nuôi cá lồng miền núi phía Bắc: Biến tiềm năng thành lợi nhuận

Nuôi cá lồng miền núi phía Bắc: Biến tiềm năng thành lợi nhuận

Author Hải Linh, publish date Saturday. April 15th, 2017

Vùng trung du và miền núi phía Bắc có nhiều sông, lòng hồ. Đây là tiềm năng lớn cho phát triển nuôi cá lồng. Tuy nhiên, việc khai thác thế mạnh nói trên vẫn còn hạn chế.

Trong ảnh: Nuôi cá lồng bè cho hiệu quả cao Ảnh: Trần Huân 

Hiệu quả cao

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khu vực Trung du miền núi phía Bắc có tiềm năng phát triển nuôi cá trên sông, hồ chứa, hồ thủy điện rất lớn; là nguồn cung sản phẩm tại chỗ, cải thiện đời sống cho đồng bào miền núi, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho nông dân.

Nói về hiệu quả của nghề nuôi cá lồng tại địa phương, theo Chi cục Thủy sản Tuyên Quang, tỉnh có nhiều tiềm năng mặt nước nuôi thủy sản ở hồ thủy điện đạt 8.000 ha, hơn 2.000 ha nuôi ở ao hồ, và 770,2 ha nuôi ở hồ thủy lợi, với nhiều lồng nuôi cá đặc sản có giá trị kinh tế cao. Trong đó, có một số loài cá bản địa quý hiếm cũng đã được người dân thuần hóa và nuôi thương phẩm thành công như cá chiên, lăng, rầm xanh, anh vũ…

Cũng như Tuyên Quang, các tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên… cũng đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Thọ Nguyễn Thanh Tùng, sản phẩm cá lồng được nhiều người ưa chuộng, dễ bán cho thu lãi cao. Chỉ tính riêng cá rô phi, mỗi lồng đã cho lãi hơn 30 triệu đồng/chu kỳ nuôi. Các loại cá khác như: điêu hồng, chép lai, trắm đen, nheo, lăng… cho hiệu quả khá.

Theo đánh giá của Vụ Nuôi trồng Thủy sản, nuôi cá lồng rất thuận lợi để áp dụng nuôi thâm canh cao, có thể chủ động trong chăm sóc, phòng trị bệnh, thu hoạch. Một người có thể quản lý, chăm sóc cho nhiều lồng nuôi cho nên chi phí nhân công giảm hơn rất nhiều so với một ha ao đất. Mỗi lồng nuôi trên sông, với thể tích 100 m3, có thể cho năng suất tương đương với một ha ao đất: 8 - 10 tấn/lồng/chu kỳ nuôi (đối với cá rô phi đơn tính, điêu hồng, chép lai chu kỳ nuôi 6 - 7 tháng; đối với các đối tượng đặc sản như: lăng, trắm đen... chu kỳ nuôi hơn một năm, tùy thuộc vào kích cỡ giống thả); đối với lồng nuôi trong hồ chứa cho năng suất 4 - 5 tấn/lồng/chu kỳ nuôi.

Vẫn nhiều hạn chế

Mặc dù, nuôi cá lồng đem lại lợi nhuận không nhỏ, nhưng các hộ nuôi cá hầu hết là tự phát, vốn ít nên việc áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi thâm canh còn hạn chế, chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở quy mô nuôi nhỏ lẻ, chưa tạo ra nguồn cung dồi dào cho thị trường, chưa hình thành được các chuỗi giá trị thực thụ.

Theo Vụ Nuôi trồng Thủy sản, hiện, nghề nuôi cá lồng, bè ở các địa phương vẫn phát triển chậm, chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng. Thực tế số lượng lồng bè và sản lượng nuôi tăng dần qua các năm nhưng sản phẩm vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, quy mô nuôi cá lồng bè chưa được đầu tư tương xứng, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi thâm canh năng suất cao chưa phát huy hết tiềm năng và nguồn lực của vùng. Cùng đó, vấn đề bảo vệ môi trường nuôi theo mô hình quản lý cộng đồng và an toàn thực phẩm chưa được chú trọng. Đồng thời, cán bộ quản lý kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tại địa phương vẫn còn thiếu, lực lượng mỏng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trình độ kỹ thuật và tập quán sản xuất của các hộ dân còn nhiều hạn chế…

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu cho rằng, việc nuôi cá lồng, bè ở các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc còn chưa chủ động được nguồn giống, quy mô nuôi nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến việc áp dụng nuôi theo VietGAP gặp khá nhiều khó khăn; các sản phẩm cá nuôi lồng, bè chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có nhiều hợp tác xã điển hình và các doanh nghiệp đầu tàu tham gia vào công tác nuôi trồng, thu mua.

Phát huy thế mạnh

Để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững và cho thu nhập cao, theo TS Lê Thanh Lựu (Hội Nghề cá Việt Nam), các nhà nuôi cá lồng ven hồ cần tổ chức thành hợp tác xã, làm ăn theo chuỗi. Chỉ có tổ chức sản xuất theo chuỗi mới tạo được sản phẩm có chất lượng cao, giảm rủi ro, chi phí sản xuất và có khả năng cạnh tranh cao hơn...

Ông Kim Văn Tiêu cho rằng, các cơ sở nuôi và địa phương phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và xúc tiến thương mại để sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ, phát triển bền vững. Đồng thời, hỗ trợ bà con xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình nuôi theo chuỗi giá trị nhằm đảm bảo lợi ích cho người nuôi. Nâng cao được tiềm lực kinh tế, dễ dàng hơn trong triển khai chính sách hỗ trợ, giống đến tiêu thụ sản phẩm…

>> Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Thọ cho rằng, nuôi cá lồng phải tính đến phương án phát triển bền vững, tránh kiểu nuôi ồ ạt. Đồng thời, cần phải có sự quy hoạch chi tiết đối với từng địa phương và phổ cập kỹ thuật cho các hộ nuôi.


Related news

phuong-phap-lang-loc-trong-ao-nuoi Phương pháp lắng lọc trong… ca-tra-chiu-muc-thue-chong-ban-pha-gia-la-2-39-usd-kg Cá tra chịu mức thuế…