Tin thủy sản Nuôi cá lồng một vốn bốn lời

Nuôi cá lồng một vốn bốn lời

Author Nhóm PV/VOV-Tây Bắc, publish date Saturday. November 30th, 2019

Nghị quyết phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Sơn La là trúng, đúng và đi vào lòng dân.

Ông Lò Văn Khặn ở bản Bung Én là Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng là hộ đầu tiên ở Chiềng Bằng thực hiện nghề nuôi cá lồng.

Năm 2010, Thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước, tạo ra mặt hồ rộng lớn. Nắm bắt đây là cơ hội để người dân dọc sông Đà, đặc biệt là các hộ dân tái định cư thủy điện chuyển hướng sản xuất sang nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tỉnh Sơn La đã tìm hiểu và đánh giá thực tế; đồng thời, ban hành Nghị quyết về phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Sơn La.

Quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng lòng hồ đã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia. Sau gần 10 năm, tuy là nghề mới, song nuôi cá lồng đang mang đến hiệu quả tích cực; nhiều hộ nuôi cá đã, đang vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Loạt 3 bài “Cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La: Nghị quyết hợp lòng dân” cho thấy cách làm quyết liệt, hiệu quả, sự đồng hành giữa các cấp ủy, chính quyền và người dân trong phát triển nghề nuôi cá lồng.

Ôm con cá trắm to cỡ 10 kg vừa kéo lưới từ lồng, anh Cầm Văn Hòa, bản Lả Mường, xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La không giấu được niềm phấn khởi trên khuôn mặt rám nắng. Mặc dù mới nuôi cá lồng được hơn 1 năm, nhưng những kết quả thu được từ mô hình nuôi cá của gia đình đã cho thấy, hướng đi mà anh chọn là không sai. “Gia đình nuôi cá trắm với cá rô, mới nuôi được 6 tháng nhưng đã có cá bán, lứa đầu xuất bán cũng được gần 200 triệu”, anh Hòa vui vẻ cho biết.

Những năm trước, khi bản của anh Hòa phải di chuyển khỏi lòng hồ, ruộng nương hầu như không còn, anh đã làm đủ mọi nghề để mưu sinh nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Thấy nhiều người dân trong bản, trong xã nuôi cá lồng hiệu quả; thậm chí, nhiều người ở nơi khác còn đến thuê nhân công, thuê mặt nước để nuôi, anh nghĩ, mình là người bản địa sao không dám làm? Vậy là anh quyết định đầu tư, dựng nhà, mua lồng thả cá. Mới vụ thu hoạch đầu tiên sau 6 tháng nuôi, anh đã thu về 200 triệu đồng, trừ cá giống và các chi phí khác, anh cũng còn hơn 100 triệu đồng.

“Trước đây mình chạy xe nhưng không hiệu quả nên đã bán xe lấy vốn chuyển sang nuôi cá. Thấy mấy người ở ngoài huyện cũng vào trong hồ làm cá nên mình tận dụng mặt nước ở bản để làm theo”, anh Hòa cho biết.

Theo anh Hòa, nuôi cá lồng không khó, tận dụng được sức lao động, giá bán cũng cao, thức ăn chủ yếu là cỏ, sắn, ngô nên chỉ mất công đi lấy chứ không mất quá nhiều chi phí. Ngoài ra, hàng ngày anh còn có nhiều thời gian đi câu trên mặt nước tự nhiên, có ngày câu được 2 - 3 con cá nặng 5 – 10 kg bán được cả triệu đồng. “Nuôi cá lồng đỡ vất vả hơn những việc khác nhưng tính ra thu nhập cũng được khoảng chục triệu đồng/tháng”, anh Hòa tâm sự.

Chiềng Bằng là một trong những xã đầu tiên của huyện Quỳnh Nhai, tiên phong thực hiện chuyển đổi từ trồng trọt trên nương rẫy sang phát triển nuôi cá lồng. Ông Lò Văn Khặn, ở bản Bung Én là Giám đốc hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng, cũng là hộ đầu tiên ở Chiềng Bằng thực hiện nghề nuôi cá lồng. Trước khi nuôi cá, gia đình ông Khặn cũng chỉ trồng ngô, trồng sắn như bao hộ khác. Làm thì vất vả nhưng thu nhập lại chẳng được là bao.

Đến năm 2010, khi lòng hồ thủy điện Sơn La tích nước, được Nhà nước hỗ trợ và vận động, ông Khặn quyết định chuyển đổi sang nghề nuôi cá. Ban đầu gia đình chỉ có 1 lồng cá được làm bằng tre, nhà nước hỗ trợ 55 kg giống với các loại cá như trắm, chép… Sau 10 tháng, ông đã thu được 7 tạ cá thương phẩm và bước đầu thấy việc nuôi cá hiệu quả hơn làm nương rẫy rất nhiều.

7.500 lồng cá cùng sản lượng hơn 6.000 tấn/năm là minh chứng cho Nghị quyết trúng, đúng và đi vào lòng dân.

Năm 2012, xã bắt đầu triển khai thành lập hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng, gia đình ông Khặn chuyển đổi từ lồng tre sang lồng sắt và mở rộng thêm 7 lồng. Từ đó đến nay, việc nuôi cá lồng ngày càng phát triển, thu nhập của gia đình cũng ổn định và khấm khá hơn. Hiện tại, gia đình ông đã có 114 lồng cá với các loại cá như lăng, trắm, chép, rô… bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng.

“Gia đình nuôi cá lòng hồ đã được 10 năm nếu so với trồng trọt thấy hiệu quả khá hơn rất nhiều. Đến nay gia đình tôi đã chuyển hẳn sang chuyên nuôi cá và sẽ phát triển thêm để cho các thành viên thu nhập cao hơn”, ông Khặn cho biết.

Gia đình anh Lò Văn Hom ở bản Bung Én, xã Chiềng Bằng cũng là một trong những hộ nuôi cá lồng đầu tiên ở địa phương. Việc nuôi cá bắt đầu được anh triển khai từ năm 2012 và hiện gia đình cũng là thành viên của hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng. Khi mới vào hợp tác xã, gia đình anh mới có 19 lồng cá bằng sắt lưới, với các loại cá như lăng, trê, trắm cỏ, chép, rô phi… Đến nay, số lồng cá của gia đình đã được mở rộng lên 32 lồng, mỗi năm cho thu khoảng gần 10 tấn cá, thu nhập gần 600 triệu đồng.

“Làm nương rẫy khó khăn khăn vất vả hơn so với nuôi trồng thủy sản. Từ khi chuyển sang nuôi cá lồng, gia đình đã cũng mua sắm được xe máy, làm nhà cửa khang trang và ổn định”, anh Hom cho biết.

Theo thống kê, riêng tại xã Mường Trai, huyện Mường La và xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai đến nay đã có hơn 20 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi trồng hàng trăm ha, sản lượng nuôi và đánh bắt mỗi năm hơn 2.500 tấn. Đáng nói là chất lượng của cá Sông Đà rất ngọt, thơm, thịt cá rất chắc. Ngoài cá thịt, cá Sông Đà còn được chế biến ra nhiều sản phẩm như cá khô, cá tép dầu, đặc biệt là sản phẩm nước mắm Quỳnh Nhai đã được Bộ y tế công nhận đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia.

Ngoài cá thịt, cá Sông Đà còn được chế biến ra nhiều sản phẩm như cá khô, cá tép dầu, đặc biệt là sản phẩm nước mắm Quỳnh Nhai đã được Bộ Y tế công nhận đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia.

Theo đánh giá của ông Tòng Văn Don, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Chiềng Bằng, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết về phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Sơn La, chất lượng cá nuôi luôn đảm bảo, được cấp tỉnh, huyện công nhận danh hiệu, thương hiệu chuẩn của cá sông Đà.

Thương hiệu cá vùng thủy điện Sông Đà – Sơn La đã lan rộng uy tín, hình ảnh tới các tiểu thương khắp nơi như TP HCM, Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai, cùng một số tỉnh ở miền Trung.

Anh Nguyễn Như Kiên, ở Hà Nội cho biết, anh thường xuyên lên đây mua cá từ năm 2009 về chợ Hà Nội đổ buôn. Chất lượng cá đã được thị trường khẳng định là hàng đầu ở Hà Nội, bởi khi các tiểu thương chê cá Sông Đà chắc chắn sẽ không nhập.

Với 7.500 lồng cá cùng sản lượng hơn 6.000 tấn/năm là minh chứng cho Nghị quyết phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Sơn La là trúng, đúng và đi vào lòng dân. Người dân đã thực sự yên tâm và gắn bó với nghề mới, đã và đang mang lại cuộc sống khấm khá cho họ.


Related news

huong-dan-mot-so-giai-phap-nuoi-tom-giam-gia-thanh Hướng dẫn một số giải… nuoi-tom-tham-canh-hai-giai-doan-cong-nghe-biofloc Nuôi tôm thâm canh hai…