Nuôi Cá Ngừ Đại Dương Triển Vọng Lớn, Thách Thức Nhiều
Publish date Sunday. April 22nd, 2012
Cùng với nghề khai thác cá ngừ, nghề nuôi cá ngừ đại dương đang có chiều hướng phát triển mạnh ở các nước trên thế giới và đang trở thành một nghề sản xuất được nhiều nước quan tâm, trong đó có Việt Nam. Nghề nuôi cá ngừ đại dương ở Việt Nam tuy có nhiều triển vọng nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn.
Tìm cá ngừ làm ... giống
Năm 2007, các đề tài nghiên cứu ngư trường và công nghệ khai thác cá ngừ đại dương giống phục vụ nuôi thương phẩm; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước đã được Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì thực hiện ở khu vực biển miền Trung và Đông Nam Bộ.
Ban đầu, việc triển khai đề tài gặp nhiều khó khăn do Việt Nam chưa có đội tàu bắt cá ngừ đại dương bằng lưới vây hiện đại như các nước trong khu vực, mà chỉ chỉ dựa vào đội tàu lưới vây của ngư dân chuyên bắt cá nổi ở vùng xa bờ. Công suất tàu và lưới không đủ lớn để có thể bắt được cá ngừ đại dương giống.
Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, đề tài đã thành công trong việc xác định được bãi phân bố giống của 2 loài cá ngừ (cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to) ở vùng biển xa bờ miền Trung và Đông Nam Bộ. Đây là một cơ sở khoa học quan trọng, khẳng định chắc chắn rằng, cá ngừ giống tồn tại ở vùng biển Việt Nam, tạo đà cho việc nghiên cứu lựa chọn công nghệ khai thác cá ngừ đại dương giống.
Đến năm 2010, tại vùng biển xa bờ Tây Nam, tàu khai thác của đề tài đã vây bắt được một đàn cá ngừ đại dương giống khoảng 2,5 tấn, trong đó chủ yếu là cá ngừ vây vàng. Hơn 400 con cá ngừ giống đã được dồn từ lưới vây sang lồng lưu giữ và vận chuyển. Qua 6 ngày kéo lồng trên biển, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, đề tài đã thành công, đưa được cá ngừ giống về đến Cam Ranh còn sống để giao cho Công ty 128 Hải Quân (đơn vị phối hợp của đề tài) tiến hành thử nghiệm nuôi thương phẩm.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đánh bắt được cá ngừ đại đương giống và vận chuyển thành công về vùng ven biển miền Trung. Thành công là tiền đề quan trọng cho việc hình thành nghề nuôi cá ngừ đại dương xuất khẩu.
Triển vọng lớn
Cá ngừ được xem là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá ổn định. Năm 2011, giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đạt 380 triệu đô la, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm 6,3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Tuy nhiên, trong năm 2011, các doanh nghiệp chế biến cá ngừ đã phải chi 120 triệu đô la để nhập khẩu nguyên liệu do nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ. Bên cạnh đó, lại còn phải chịu thuế suất nhập khẩu rất cao, từ 15 – 20%. Do đó, phát triển nuôi cá ngừ đại dương trở thành một xu hướng tất yếu của Việt Nam trong chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản.
Theo khảo sát của Hội Nghề cá Việt Nam, cá ngừ đại dương là loài di cư rộng, trữ lượng đi qua vùng biển Việt Nam, không kể cá ngừ bố mẹ sinh sản khoảng 45.000 tấn, tập trung chủ yếu ở ngoài khơi miền Trung. Mùa vụ khai thác chính kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5 của năm sau. Những tháng còn lại ngư dân vẫn có thể khai thác nhưng năng suất không cao.
Qua khảo sát cùng với nhiều đề tài nghiên cứu thực nghiệm, các nhà khoa học đều nhận định, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi cá ngừ đại dương, đặc biệt là cá ngừ vây vàng. Lượng cá ngừ đại dương vây vàng con từ 1 - 10 kg ở Việt Nam khá nhiều, thường được khai thác gần bờ bằng nghề lưới vây, câu tay và lưới đăng.
Chỉ tính riêng nghề lưới đăng tại 4 đầm đăng tại Khánh Hòa, hàng năm thu được gần 40 tấn cá ngừ con. Cá ngừ vây vàng con không thể làm hàng xuất khẩu mà chỉ có thể bán tại các chợ nội địa với giá 30.000 đồng/kg. Nhưng nếu lượng cá con dồi dào này được nuôi vỗ béo, đạt đến trọng lượng xuất khẩu, chắc chắn giá trị sẽ tăng gấp nhiều lần.
Theo đánh giá của Ông Kunihiro Igari – Chuyên gia nuôi trồng Công ty Try-Tokyo, tiềm năng nuôi cá ngừ đại dương ở Việt Nam, đặc biệt là ở vịnh Vân Phong và Cam Ranh rất lớn, bởi nơi đây có điều kiện tự nhiên thuận lợi.
Thách thức nhiều
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi cá ngừ đại dương, tuy nhiên, cũng phải đối diện với không ít khó khăn. Thách thức đầu tiên chính là Việt Nam chưa thành công trong việc sản xuất giống nhân tạo, nguồn giống còn hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, đây là băn khoăn lớn nhất khi triển khai mô hình nuôi cá ngừ đại dương ở Việt Nam, ông Kunihiro Igari cho biết.
Bên cạnh đó, cá ngừ đại dương thường sống ở vùng nước sâu, ngoài khơi xa, trọng lượng lớn, từ 40 - 100 kg nên muốn nuôi đòi hỏi chi phí cho việc đầu tư trang thiết bị hiện đại rất lớn, vị trí đặt lồng phải ở những nơi đủ sâu, đủ xa...
Ngoài ra, dù nước ta có nhiều vùng vịnh kín gió, có độ sâu phù hợp để triển khai đặt lồng nuôi cá ngừ như vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh - Khánh Hòa và Vũng Rô - Phú Yên thì nguồn lợi cá ngừ đại dương ở những vùng này vẫn chưa được điều tra, nghiên cứu và khảo sát đầy đủ các thông tin về tập tính di cư, kết đàn… để đảm bảo khai thác đồng bộ và bền vững.
Hơn thế nữa, hiện hầu hết các đội tàu đánh bắt cá ngừ của nước ta còn ở quy mô nhỏ, ngư cụ và phương pháp đánh bắt còn đơn điệu, thủ công, tính chuyên nghiệp thấp. Do đó, việc đánh bắt con giống cũng gặp nhiều khó khăn.
Hiện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đang phối với Trường Đại học Nha Trang để thiết kế, chế tạo lồng vận chuyển, thử nghiệm đánh bắt cá ngừ giống, vận chuyển chúng đến lồng nuôi…
Mặt khác, viện cũng đã có bản ghi nhớ với 2 công ty ở Hawaii (Mỹ) về cải tiến công nghệ khai thác cá ngừ đại dương tại Việt Nam, đồng thời tiến tới khai thác giống và tiến hành nuôi cá ngừ đại dương theo công nghệ của Hawaii.
Hy vọng trong thời gian tới, nghề nuôi cá ngừ đại dương sẽ vượt qua những khó khăn để phát triển, khắc phục cho tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu nói riêng, và góp phần đưa cá ngừ thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam.
Related news
Tools
Feed Balancer
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Hydroponics Calculator
Pha dung dịch thủy canh
Feeding Calculator
Định mức cho tôm ăn
NPK Calculator
Phối trộn phân bón NPK
Survival Calculator
Xác định tỷ lệ tôm sống
Fertilizers Converter
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Aeration Calculator
Xác định công suất sục khí
Shrimp Converter
Chuyển đổi đơn vị tôm
Greenhouse Calculator
Tính diện tích nhà kính
Pond Calculator
Tính thể tích ao