Mô hình kinh tế Nuôi Cá Tầm Ở Kon Plông (Kon Tum)

Nuôi Cá Tầm Ở Kon Plông (Kon Tum)

Publish date Tuesday. August 16th, 2011

Nhiều người dân ở xã Hiếu, huyện Kon Plông (Kon Tum) đang quên thời gian, ăn ngủ cùng với những con cá tầm quý giá. Theo giá thị trường hiện nay, mỗi ký trứng cá tầm giá trên dưới 30 triệu đồng. Và với môi trường thiên nhiên thích hợp, Kon Plông là một trong rất ít nơi ở Việt Nam nuôi được cá tầm thương phẩm.

Trắng đêm với cá quý

Rất đỏng đảnh với thời tiết là đặc tính của cá tầm khiến nhiều kỹ sư của Công ty CP thủy sản Măng Đen lắm lúc trắng đêm với lứa cá giống đầu tiên nhập từ Ukraine về. Bởi chỉ vài chục ngàn cá giống, giá đã cả ngàn USD, chỉ chút sơ suất là tiền mất tật mang. Kỹ sư, nhân công suốt ngày đêm chăm chăm nhìn bể cá giống, sẵn sàng đối phó với sự cố dù nhỏ nhất có thể xảy ra. Thức ăn của cá là trùn quế, thứ trùn chỉ được mua từ Quảng Ngãi và ấu trùng cùng cám công nghiệp. Cứ cách 5 giờ, thức ăn lại được rải xuống. Mỗi ngày, thấy cá ăn hết thức ăn, bơi lội khỏe mạnh là mặt ai cũng giãn ra.

Một tháng, hai tháng, ba tháng rồi đến gần cả năm sau, những chú cá tầm tỏ ra thích hợp với vùng đất này, lớn nhanh đến ngạc nhiên. Và nay, mọi việc bắt đầu đi vào quỹ đạo. Lứa cá tầm ngày ấy có con trội hẳn, nặng đến 15 kg. Nhiều chuyên gia thủy sản của Ukraine cũng hồ hởi xác nhận với đối tác phía Việt Nam là vùng Kon Plông hoàn toàn thích hợp để nuôi thành công loài cá xứ lạnh quý giá này.

Trang trại nuôi cá tầm lớn nhất huyện Kon Plông có “đại bản doanh” ở xã Hiếu nằm lọt thỏm dưới hẻm núi. Hồ nuôi cá được đào sâu hơn 1,5 m, rộng trên 2 m, sau đó trải bạt lên trên, cho nước vào và thả cá. Nước nuôi cá tầm được lấy từ một con suối gần đó. Có cả van xả vào - ra để nước luôn sạch, đảm bảo môi trường, ô-xy cho cá. Anh Phạm Minh Đức, người quản lý trang trại, cho biết: “Nhiệt độ chừng 19 - 23 độ C là lý tưởng cho cá tầm tồn tại, thích nghi và phát triển tốt. Nuôi cá tầm chẳng khác gì nuôi con mọn, phải chăm sóc thật kỹ để chúng ăn hết thức ăn, nước phải sạch. Nếu chúng trở chứng, chắc chúng tôi cũng… bỏ ăn theo”.

Đất vàng cho cá

Hiện Công ty CP thủy sản Măng Đen đang có trên 600 con cá tầm trưởng thành, hoàn toàn chủ động được nguồn cá bố mẹ. Năm vừa rồi, đa số cá đều có trứng nhưng công ty chưa tiến hành cho đẻ. Ông Trịnh Quang Minh, Giám đốc công ty, cho biết: “Cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia thủy sản đến từ Ukraine, chúng tôi đã tiến hành ấp trứng hai lần tại Kon Plông và đều thành công với tỷ lệ nở trên 80%. Tổng cộng đã có 16 kg trứng cá được nhập về ấp. Mới đầu chúng tôi cũng rất lo vì mỗi kg trứng đã thụ tinh nhập về có giá đến 8.000 USD”.

Mới hiện diện ở vùng đất này được ba năm nhưng theo đánh giá của các chuyên gia Ukraine, khí hậu ở Kon Plông rất phù hợp với cá tầm, quan trọng là tìm được nguồn nước sạch. Trung bình, cá nuôi khoảng 8 - 9 tháng đạt 1 kg, đặc biệt nhiều con có thể đạt 3 kg/năm. Chi phí cho mỗi ký cá tầm nuôi thịt chỉ tốn trên dưới 150.000 đồng. Nếu chủ động nuôi được trùn quế, trùn hương và các loại cá nhỏ làm thức ăn cho cá tầm, chi phí sẽ thấp hơn nữa. Hiện cá tầm thịt có giá 500.000 - 600.000 đồng/kg. Gần đây, một số nhà hàng sang trọng vùng Tây Nguyên cũng như khu vực miền Trung đã xuất hiện các món cá tầm trên thực đơn.

Chưa sản xuất được sản phẩm trứng cá tầm - mục tiêu cuối cùng của việc nuôi cá nhưng một số nhà hàng, khách sạn nổi tiếng trong nước đã đánh tiếng hỏi mua, sẵn sàng trả giá trên dưới 30 triệu đồng cho mỗi ký trứng cá. Và theo ông Minh, cầu luôn vượt cung nên trứng cá tầm sẽ không thiếu nơi tiêu thụ.

Hơn mười bể cá tầm giống, mỗi bể trên 3.000 con từ lứa ấp thứ hai đang được nuôi dưỡng, sinh trưởng tốt tại trại nuôi ở xã Hiếu là minh chứng cho sự hiện diện vững chắc của loài cá quý này. Hiện mỗi con giống to bằng ngón chân cái được bán ra với giá trên dưới 80.000 đồng. Đã có hàng ngàn con cá tầm giống được xuất sang Lâm Đồng, đang phát triển tốt.

Hướng đi triển vọng cho địa phương

Kon Plông là một trong những huyện có tỷ lệ người Xê Đăng, H’rê... chiếm trên 95%, trong đó tỷ lệ nghèo đói chiếm trên 40%. Phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông, ông Đặng Thanh Nam, lạc quan: “Việc nuôi thành công cá tầm mở ra hướng đi mới trong phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của huyện bởi nơi đây có nhiều suối, nước rất sạch, khí hậu mát mẻ. Nắm bắt được cơ hội này, chúng tôi đã cùng với các ngành chức năng của tỉnh thống kê diện tích mặt nước để có hướng phát triển, nhân rộng nghề nuôi cá tầm, xem đây là một trong những thương phẩm chiến lược…”.


Related news

50-dien-tich-nuoi-ca-tra-treo-ao 50% Diện Tích Nuôi Cá… lua-bi-ngo-doc-huu-co Lúa Bị Ngộ Độc Hữu…