Mô hình kinh tế Nuôi Cá Tra Và Cuộc Cạnh Tranh Không Cân Sức

Nuôi Cá Tra Và Cuộc Cạnh Tranh Không Cân Sức

Publish date Friday. October 25th, 2013

Trong khi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đang mở rộng chuỗi sản xuất bằng cách mở rộng sang lĩnh vực nuôi trồng với nhiều lợi thế từ vốn, kỹ thuật, số nông hộ nuôi cá tra đang ngày trở nên yếu thế, hoặc bỏ nghề hoặc làm thuê cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp 6 phần – nông dân 4 phần

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp vá Phát triển nông thôn, tính đến giữa tháng 8, toàn vùng ĐBSCL thả nuôi 4.696 hec ta cá tra, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2012, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 770.000 tấn (tăng 5,3% so với cùng kỳ 2012).

Số nông hộ thả nuôi cá tra chỉ chiếm khoảng 40% tổng diện tích, 60% tổng diện tích còn lại là của các doanh nghiệp tự nuôi. Tuy nhiên, trong số 40% tổng diện tích đó, số lượng nông dân nuôi gia công cho doanh nghiệp cũng chiếm một phần lớn.

Đi sâu vào tình hình từng địa phương, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, một trong ba tỉnh có diện tích nuôi cá lớn nhất của Việt Nam, diện tích cá tra đang nuôi tính đến tháng 10 năm nay đạt gần 940 hec ta, chưa tính gần 50 hec ta ”treo ao”, giảm gần một nửa so với con số của cả năm 2012. Số hộ nuôi năm 2012 của tỉnh cũng giảm đến 280 hộ kể từ năm 2009.

Theo đại diện sở, 85% hộ nuôi cá tra còn hoạt động đều liên kết với doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản và chế biến cá tra.

Số nông hộ tự nuôi cá tra giảm đi, ngược lại diện tích nuôi cá tra của các doanh nghiệp cũng đang tăng lên, hiện chiếm đến 58% diện tích toàn tỉnh.

Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra lớn nhất tỉnh Đồng Tháp là Vĩnh Hoàn đang tự cung cấp 50-70% nhu cầu nguyên liệu. Một doanh nghiệp khác là Hùng Cá đang sở hữu đến 700 hec ta diện tích nuôi cá tra, cung cấp 210.000 tấn cá tra nguyên liệu hàng năm cho công ty.

Theo sở này, việc các công ty đầu tư vùng nuôi, còn các hộ dân chuyển dần sang ký hợp đồng gia công cho doanh nghiệp là xu hướng tất yếu trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam đang có xu hướng đòi hỏi những tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày một cao.

Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở An Giang, nơi xuất khẩu cá tra là một trong những nguồn thu ngân sách chủ lực của tỉnh. Theo Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA) hiện hầu hết các doanh nghiệp chế biến cá tra đóng trên địa bàn tỉnh đều có vùng nuôi riêng và đang có xu hướng tiếp tục mở rộng diện tích để tiến tới chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu.

Theo AFA, việc doanh nghiệp chủ động nguồn cung sẽ làm giảm tình trạng tăng/giảm giá mất kiểm soát trên thị trường.

Mặt khác, doanh nghiệp tự nuôi cũng trở thành đối thủ với người nông dân nuôi cá có diện tích nhỏ. Số hộ nuôi cá bị thua lỗ tiếp tục tăng. Theo một khảo sát mới đây của Trường Đại học Cần Thơ, năm 1993 tỷ lệ số hộ nuôi thủy sản bị lỗ là 9,4%; giai đoạn 2002-2005 tỷ lệ trên tăng lên 25%; giai đoạn 2005-2009 là 30% và giai đoạn 2010-2012 lên tới gần 50%.

Cạnh tranh không cân sức

Theo một nguồn tin trong ban chấp hành Hiệp hội cá tra Việt Nam, thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chọn kinh doanh bằng cách cạnh tranh về giá bán, nên họ đã ép giá thu mua nguyên liệu từ nông dân để có lãi.

”Có thời điểm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) kêu gọi các doanh nghiệp hội viên không bán phi lê cá tra thấp hơn 3 đô la Mỹ/kg nhưng một số doanh nghiệp đã bán với mức giá chỉ có 2,6 đô la Mỹ/kg, tương đương 55.000 đồng, trong khi để có 1kg phi lê cá tra cần đến gần 3kg cá tra nguyên liệu. Muốn có lợi nhuận thì doanh nghiệp chỉ có cách ép giá nông dân”, ông nói.

Khi giá cá tra nguyên liệu trên thị trường tăng cao, doanh nghiệp ngưng mua cá từ nông dân mà quay sang dùng nguồn cá của doanh nghiệp khiến người nuôi cá đứng trước hai lựa chọn hoặc hạ giá để bán được cá hoặc tiếp tục nuôi chờ doanh nghiệp hết cá mới bán ra.

Trong khi chờ đợi doanh nghiệp đến bắt, cá tra tiếp tục lớn và vượt tiêu chuẩn thu mua của doanh nghiệp (trọng lượng 800gram đến 1kg), doanh nghiệp lại mua cá với giá rẻ mạt. ”Trong trường hợp nào thì nông dân luôn bị rơi vào thế bị động, buộc phải bán dù biết lỗ”, ông nói.

“Trước đây khi doanh nghiệp là bên mua, nông dân là bên bán, nông dân có thể chủ động thương lượng giá cả và bán cho doanh nghiệp nào mua cao hơn. Còn nay khi nhiều doanh nghiệp có vùng nuôi, thế chủ động thuộc doanh nghiệp, họ lại càng có cơ sở để ép giá người nuôi”, ông nói.

Chưa kể, giá thành nuôi cá của nông dân luôn cao hơn các doanh nghiệp. Nguyên nhân là doanh nghiệp có vùng nuôi, nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản thì không phải đóng 5% thuế giá trị gia tăng, còn người nông dân nuôi cá tra phải đóng mức thuế này khi mua thức ăn, thuốc thú y nên lợi nhuận từ con cá cứ giảm dần.

Theo các nông hộ, hiện giá thành một kg giá cá tra nguyên liệu vào khoảng 21.000 đồng/kg, còn của doanh nghiệp do không có phải chịu thuế giá trị gia tăng nên chỉ còn khoảng 20.000 đồng/kg.

Trong định hướng phát triển ngành do Chính phủ đặt ra, cá tra sẽ tiếp tục được quy hoạch phát triển theo hướng công nghiệp hóa các khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến xuất khẩu.

Vì thế, trong thời gian tới những người nông dân nuôi cá tra nhỏ lẻ sẽ phải cạnh tranh giá bán với các doanh nghiệp và với những gì đã xảy ra trong vài năm qua thì khả năng trong thời gian tới số hộ nuôi cá tra tại các tỉnh ĐBSCL sẽ tiếp tục giảm còn của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Đây là một xu hướng không thể tránh khỏi.


Related news

quang-ngai-trien-vong-tu-nuoi-hau-thai-binh-duong Quảng Ngãi: Triển Vọng Từ… trang-tay-sau-bao Trắng Tay Sau Bão