Tin thủy sản Nuôi ghép tôm sú với cá đối mục: Năng suất cao, sạch môi trường

Nuôi ghép tôm sú với cá đối mục: Năng suất cao, sạch môi trường

Author Hồng Đăng, publish date Tuesday. June 23rd, 2020

Nuôi tôm sú kết hợp cá đối mục mang lại kết quả tích cực trong việc cải thiện môi trường nuôi tôm bền vững trong ao đìa.

Cá đối mục trong mô hình nuôi ghép vào thời điểm thu hoạch.

Trong quá trình nuôi tôm, vấn đề người nuôi thường xuyên gặp phải là thức ăn thừa, rong tảo phát triển quá mức làm biến động môi trường ao nuôi, khiến tôm chậm lớn hoặc bị bệnh. Đề tài nuôi tôm sú kết hợp cá đối mục vừa được Trung tâm Khuyến nông tỉnh thử nghiệm đã mang lại kết quả tích cực trong việc cải thiện môi trường nuôi tôm bền vững trong ao đìa.

Năng suất cao hơn

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai đề tài khoa học cấp cơ sở “Nuôi kết hợp tôm sú với cá đối mục”, tại Trại Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Ninh Lộc, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa. Quá trình triển khai cho thấy, môi trường ao nuôi ổn định hơn, năng suất tôm, cá cao hơn so với nuôi đơn 1 đối tượng.

Kỹ sư Nguyễn Thị Hương Thảo - Phó Phụ trách Phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài được thực hiện ở 2 ao nuôi bằng đất, diện tích mỗi ao gần 2.000m2. Trước khi thả giống tôm, ao nuôi đã được cải tạo kỹ lưỡng gồm các khâu như: tháo cạn nước, rải vôi bột, bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy ao, phơi đáy ao. Trong trường hợp ao lót bạt thì chỉ cần vệ sinh bạt sạch sẽ. Sau đó, tiến hành lấy nước vào ao khi thủy triều lên cao, rồi diệt tạp, gây màu nước; khi nước có màu xanh và đo các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp thì tiến hành thả giống tôm.

Tôm giống PL15 (chiều dài 13 - 15mm) được thả nuôi với mật độ 10 con/m2, cá đối mục giống đạt kích cỡ 4 - 6cm, thả nuôi với mật độ 0,5 con/m2; sau khi thả tôm khoảng 15 ngày thì tiến hành thả cá đối mục. Tôm, cá giống mua ở cơ sở uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh thú y. Tại mô hình thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thả 20.000 con tôm sú giống và 1.000 con cá đối mục.

Sau thời gian nuôi 5 tháng, sản lượng tôm đạt 655kg, tỷ lệ sống hơn 70%, cỡ tôm thu hoạch trung bình 43 con/kg, năng suất trung bình đạt 1,6 tấn/ha. Với cá, sau 5 tháng nuôi có thể đạt 0,4 - 0,5kg/con và thu tỉa dần, đến 6 tháng nuôi đạt trọng lượng bình quân 0,5 con/kg thu toàn bộ. Tổng cộng các đợt thu trên 2 ao nuôi trong phạm vi đề tài cho về sản lượng 687kg cá, tỷ lệ sống 70%, cỡ cá thu hoạch trung bình 0,5kg/con, năng suất 1,7 tấn/ha. Điều quan trọng là tỷ lệ sống của cá và tôm đều ở mức cao nhờ môi trường nuôi luôn ổn định.

Từ kết quả đề tài, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trạm Khuyến nông thị xã Ninh Hòa tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi kết hợp tôm sú với cá đối mục cho hàng trăm nông dân các xã, phường: Ninh Hải, Ninh Hà, Ninh Ích, Ninh Lộc. Tại đây, các học viên đã được cung cấp kiến thức về quy trình nuôi kết hợp tôm sú và cá đối mục trong toàn bộ các công đoạn, từ quá trình chuẩn bị ao nuôi, chọn con giống, thả giống, chăm sóc quản lý tôm, cá trong suốt quá trình nuôi, thu hoạch.

Góp phần cải tạo ao đìa

Theo nhiều ngư dân, tôm sú là một trong những giống tôm không quá khó nuôi nhưng đòi hỏi môi trường nuôi phải sạch, ổn định. Vì thế, nếu việc xử lý môi trường trong suốt quá trình từ thả giống đến thu hoạch tôm không tốt, tôm dễ bị bệnh, chết, tỷ lệ hao hụt cao, hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí không ít hộ nuôi tôm phải chịu lỗ. Cá đối mục có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng thích nghi tốt ngay trong điều kiện môi trường nuôi có sự chênh lệch lớn về độ mặn, nhiệt độ, mức độ ô nhiễm...

Kỹ sư Nguyễn Thị Hương Thảo cho biết, dựa trên đặc tính của 2 đối tượng nuôi này, trung tâm đã triển khai mô hình nuôi kết hợp tôm sú với cá đối mục. Trong ao nuôi, cá đối mục tận dụng tốt nguồn rong, tảo và một phần thức ăn thừa cùng mùn bã hữu cơ trong ao, giúp môi trường nước nuôi sạch hơn và ít bị biến động, giảm thiểu dịch bệnh, từ đó giảm được chi phí về thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi hầu hết các hệ thống ao, đìa nuôi tôm trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng như hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý, lắng lọc nước bài bản. Hơn nữa, do sự phát triển nuôi tôm ồ ạt, tự phát, thiếu quy hoạch trong những năm trước đây đã làm cho chất lượng môi trường ao nuôi ngày càng suy thoái, dịch bệnh phát sinh làm cho tôm nuôi chết hàng loạt. Nhiều ngư dân đã bất lực trong vấn đề nuôi tôm, nhiều ao hồ phải bỏ hoang vì nuôi thua lỗ dẫn đến nợ nần và thiếu vốn đầu tư. Một trong những giải pháp cho vấn đề hạn chế ô nhiễm môi trường và nuôi bền vững là nuôi kết hợp nhiều đối tượng không cạnh tranh thức ăn của nhau, thậm chí hỗ trợ cho nhau phát triển. Giải pháp nuôi kết hợp tôm sú với cá đối mục phần nào giảm thiểu dịch bệnh, ô nhiễm môi trường trong ao nuôi tôm, tăng thu nhập cho nguời dân trên một đơn vị diện tích.

Theo ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề tài đã đạt được mục tiêu, đó là đưa ra một trong những lựa chọn, giải pháp cho người nuôi tôm hạn chế ô nhiễm môi trường và nuôi bền vững; đồng thời mang về thu nhập ổn định hơn cho người nuôi trồng thủy sản. Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành tập huấn, phổ biến mô hình đến người nuôi trên địa bàn tỉnh.


Related news

anh-huong-cua-mau-sac-be-uong-den-au-trung-ca-nuoc-ngot Ảnh hưởng của màu sắc… mo-hinh-nuoi-tom-trong-be-xi-mang-o-nam-dinh Mô hình nuôi tôm trong…