Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái Khắc Phục Ô Nhiễm Môi Trường
Bến Tre là tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh, hàng ngàn hộ dân nông thôn trong tỉnh chọn nuôi gia súc là kinh tế chính của gia đình. Tuy nhiên, tình trạng chất thải trong chăn nuôi hầu như không được xử lý ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ làm ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Gần đây phương pháp nuôi heo trên đệm lót sinh thái hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường được một số hộ dân trong tỉnh áp dụng thành công, mở ra một hướng mới cho ngành chăn nuôi của tỉnh.
Tính đến thời điểm tháng 6 năm 2013, Bến Tre có đàn heo trên 424.000 con, đàn bò gần 148.000 con, là địa phương có đàn gia súc đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt là nghề nuôi heo có sự phát triển vượt bậc, so với năm 2007, đàn heo của tỉnh tăng gần 125.000 con. Nhờ quan tâm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh mà liên tục trong hai năm qua, Bến Tre không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn heo, đã giúp người dân yên tâm đầu tư chăn nuôi.
Tuy nhiên, sự phát triển của nghề nuôi heo ở tỉnh Bến Tre kéo theo hệ lụy đáng lo ngại là vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Nguyên nhân do hoạt động chăn nuôi của các hộ dân phần lớn theo tập quán, thói quen vứt chất thải xuống kênh, rạch dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ dịch bệnh cho vật nuôi, con người và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.
Vấn đề khắc phục nhiễm môi trường trong chăn nuôi heo những năm qua đã được lãnh đạo tỉnh Bến Tre đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các ngành, các cấp có liên quan nỗ lực, nghiên cứu các biện pháp để giải quyết bằng các hình thức như: tuyên truyền hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, xây dựng hầm khí sinh học, biogas,… để xử lý chất thải.
Có một thực tế hiện hay là ngoài những hộ chăn nuôi heo theo hình thức trang trại, quy mô lớn đầu tư xử lý chất thải trong chăn nuôi, thì các hộ nhỏ lẻ việc xử lý gần như ít được bà con quan tâm. Qua kiểm tra của ngành Tài nguyên và môi trường tỉnh Bến Tre về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đối với các xã trọng điểm trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam cho thấy, mật độ hộ chăn nuôi heo tại các xã rất cao, trong đó các hộ chăn nuôi qui mô nhỏ (trên dưới 50 con heo) chiếm số lượng nhiều nhất, hầu hết các hộ không xử lý chất thải chăn nuôi và xả thải trực tiếp ra nguồn nước. Nguyên nhân do các hộ này đa số có thu nhập thấp, chăn nuôi để tích lũy vốn, chăn nuôi theo giá thị trường nên không ổn định, không có khả năng đầu tư xử lý chất thải.
Ông Lê Minh Lũy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Sơn cho biết: "Xã Cẩm Sơn có 1.800 hộ dân nuôi heo, tổng đàn dao động khoảng 48.000 con, là một trong những địa phương có đàn heo lớn nhất tỉnh Bến Tre. Toàn xã có 154 hộ xây hầm khí sinh học, 350 hộ xây cống biogas và 400 hộ làm túi khí sinh học xử lý chất thải. Qua đó cho thấy, ở xã Cẩm Sơn có gần 50% số hộ nuôi heo không đầu tư xử lý chất thải nuôi heo làm môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm".
Thực trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi heo ở xã Cẩm Sơn cũng là bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường do nuôi heo ở vùng nông thôn của tỉnh Bến Tre hiện nay. Và với đặc điểm có địa hình thấp, hệ thống kênh rạch chằng chịt, dân cư đông và sinh sống phân tán, chuồng trại chăn nuôi nằm xen kẽ với nhà ở, cạnh nguồn nước, cho nên việc kiểm soát dịch bệnh, khống chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi heo ở tỉnh là rất khó.
Tín hiệu lạc quan đang mở ra đối với ngành chăn nuôi heo ở Bến Tre là hiện nay một số hộ dân trong tỉnh đang áp dụng thành công mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh thái (nuôi heo không tắm). Cách nuôi này bước đầu được người nuôi đánh giá đạt hiệu quả về mặt kinh tế, xử lý mùi hôi và hạn chế thấp nhất tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Điển hình là anh Trần Văn Tấn, chủ trang trại nuôi heo ở ấp Định Hưng, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam. Anh Tấn nuôi thường xuyên 500 heo thịt, 16 heo đực giống và 80 heo nái. Trước đây anh xử lý môi trường cho trang trại heo của mình bằng việc xây hầm biogas khép kín. Tuy nhiên, nước thải ra bên ngoài có màu đen và mùi hôi từ chất thải của trang trại heo đã gây ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh và gia đình anh.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng và học hỏi mô hình nuôi heo đệm lót sinh thái của người quen, đầu năm 2013 anh áp dụng nuôi thử nghiệm ô nuôi diện tích 37m2, nuôi 33 heo thịt. Sau 10 ngày nuôi trên đệm lót sinh thái, thấy heo phát triển tốt, anh thực hiện đại trà cho cả khu nuôi diện tích gần 700m2. Đến nay, anh đã xuất chuồng 3 đợt heo nuôi trên đệm lót sinh thái, trừ hết các chi phí anh thu lãi cao hơn cách nuôi thông thường trước đây trên 10%.
Cách nuôi trên đệm lót sinh thái của anh Tấn trên nền chuồng heo cũ diện tích 37m2, bước đầu anh pha một lít men sinh học, 3 xị nước mắm, 1 kg đường, 100 lít nước sạch cho vào lu ủ 2 ngày 2 đêm. Sau đó, rải trấu dày 10cm xịt nước vừa ẩm, phun hỗn hợp men vi sinh, rồi rải một lớp mụn dừa, cứ thế mỗi lớp trấu, mụn dừa đều phun nước, hỗn hợp đến khi chiều cao của chất độn lên đến 50 cm là đạt yêu cầu; một ngày sau tiến hành thả heo vào nuôi. Ngoài ra, anh Tấn còn cải tiến máng ăn của heo để chúng không leo vào đi phân, tiểu trong máng. Tác dụng của men vi sinh ủ trong đệm lót là phân hủy nhanh chất hữu cơ trong phân, phân hủy chất gây mùi hôi thối; khử độc tố làm cho không khí trong sạch, giảm ruồi nhặng; giảm stress, giúp heo lớn nhanh và ngăn ngừa nhiều bệnh do vi khuẩn, virus gây ra…
Với cách nuôi này, giúp anh Tấn không phải tốn thời gian tắm heo như trước đây, vì heo trên đệm lót sinh thái hoàn toàn không cần tắm; nguồn thức ăn cho heo ít hơn trước, heo ít xảy ra bệnh, giúp anh tiết kiệm được nhiều chi phí điện, công lao động, thuốc thú y, chi phí nuôi. Đặc biệt, vấn đề mùi hôi và gây ô nhiễm môi trường được khắc phục triệt để. Hàng trăm con heo của anh Tấn nuôi trên nền đệm lót sinh thái vận động tự do trông rất khỏe mạnh, tỷ lệ nạc nhiều, nhờ vậy giá bán cao hơn heo nuôi trên nền xi măng trước đây 100.000 đồng/tạ.
Anh Tấn phấn khởi cho biết: "Bình quân chi phí đầu tư ban đầu cho ô nuôi diện tích 37m2 tốn khoảng 3 triệu đồng, tương đương 1 con heo tốn chi phí khoảng 100.000 đồng. Những đợt nuôi sau tôi chỉ tốn chi phí vài trăm ngàn đồng cho ô nuôi vì đệm lót đã có sẵn, chỉ bổ sung một ít và phun hỗn hợp men vi sinh để khử mùi hôi. Một đệm lót sinh học có thể nuôi heo được vài năm".
Ông Phạm Kim Thành, Trưởng phòng chăn nuôi, Chi cục thú y Bến Tre, cho biết: "Thực tế các mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh thái tại huyện Mỏ Cày Nam hiện nay cho thấy cách nuôi này đem lại nhiều ưu điểm cho người nuôi, giúp hạ giá thành, tăng lợi nhuận. Đặc biệt là góp phần khắc phục vấn đề nan giải về ô nhiễm môi trường lâu nay. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh số lượng mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học chưa nhiều, thời gian áp dụng chưa lâu, kết quả đạt được chỉ có trong thời điểm hiện tại. Vì vậy về lâu dài chúng tôi kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện điểm, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, phân tích, phát huy những lợi thế, giảm thiểu rủi ro của mô hình này để góp phần phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh".
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao