Mô hình kinh tế Nuôi Lợn Vẫn Lãi

Nuôi Lợn Vẫn Lãi

Publish date Friday. July 12th, 2013

Trong khi nhiều người nuôi lợn đã giảm quy mô hoặc chuyển nghề thì các xã viên HTX Chăn nuôi Nam Hưng (Nam Sách - Hải Dương) vẫn ổn định sản xuất và có lãi.

Tiếp tục mở rộng quy mô

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Khắc Chức, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Nam Hưng ở trong thôn Trần Xá đất chật hẹp, chỉ nuôi được hơn chục con lợn nái và 50 con lợn con. Đầu năm 2010, ông Chức thuê lại 1 khu đất của xã và xây dựng gia trại mới. Chuồng trại mở rộng, ông đã nâng quy mô chăn nuôi lên gấp 2-3 lần so với trước. Tháng 4 vừa qua, ông xây dựng thêm 200 m2 chuồng. Ông mua của Công ty Chăn nuôi Japfa 100 con lợn "xách tai" (7 kg/con) về nuôi.

Hiện nay, ông Chức đã có gia trại với diện tích chuồng rộng 1.200 m2 nuôi 30 con lợn nái sinh sản và trên 300 con lợn thịt. Doanh thu gia trại của ông năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2012, gia đình ông Chức thu 1,1 tỷ đồng từ chăn nuôi, 6 tháng đầu năm nay thu được trên 700 triệu đồng, lãi gần 100 triệu đồng.

Cũng vừa xây dựng thêm 200 m2 chuồng để nuôi lợn nái, ông Phan Đình Đậu, xã viên HTX Chăn nuôi Nam Hưng cho biết: "Tôi vẫn phải nhập thêm lợn từ bên ngoài, chi phí vừa cao lại không yên tâm về khâu phòng dịch bệnh. Đã thế, nhiều lúc muốn nhập lợn con lại không có. Để chủ động về nguồn con giống, tôi đã xây dựng thêm 200 m2 chuồng để nuôi 25 con lợn nái. Hiện tại tôi có gần 250 con cả lợn nái và lợn thịt. Từ đầu năm đến nay, tôi đã bán được 200 con lợn thịt với tổng số tiền gần 800 triệu đồng. Năm nay, do giá cám tăng cao, trong khi giá bán lại xuống thấp nên tôi lãi không nhiều".

HTX Chăn nuôi Nam Hưng được thành lập năm 2005 với 8 xã viên, đến nay có 20 xã viên. 3 năm gần đây, đàn lợn của HTX luôn duy trì ở mức 2.000 con lợn thịt và 200 con lợn nái. Từ năm 2012 đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm, có lúc lợn siêu nạc chỉ còn 37-40 nghìn đồng/kg, lợn thường 28 nghìn đồng/kg, với mỗi con lợn, người chăn nuôi bị lỗ vốn từ 300-350 nghìn đồng. Nhiều người chăn nuôi lợn đã dừng tái đàn hoặc chuyển sang chăn nuôi các con khác. Tuy nhiên, các xã viên HTX chăn nuôi đều có lãi, có những gia đình lãi từ 200-300 triệu đồng/năm.

Nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất

Trong chăn nuôi, các xã viên HTX Chăn nuôi Nam Hưng luôn coi trọng công tác phòng dịch, bảo đảm vệ sinh môi trường. Toàn bộ đàn lợn nái, lợn con và lợn thịt của xã viên đều được tiêm phòng định kỳ theo đúng độ tuổi. Ngoài vắc-xin được cấp theo quy định, xã viên còn chủ động mua thêm nhiều loại khác, trong đó có cả thuốc ngoại để tiêm phòng cho đàn lợn. Các gia đình đều có sổ ghi chép ngày tiêm, loại thuốc tiêm.

Đối với lợn mới mua về, các gia đình đều có khu chuồng nuôi riêng biệt trước khi nhập đàn và đều được tiêm phòng theo quy định. Toàn bộ khu vực chăn nuôi và vùng lân cận đều được phun thuốc khử trùng, tiêu độc 1 lần/tuần, lúc giao mùa hoặc đang có dịch bệnh xảy ra ở địa phương khác thì tăng lên từ 2-3 lần/tuần. Vì vậy, trong nhiều năm qua, đàn lợn của xã viên trong HTX không bị bệnh dịch.

Để nâng cao nhận thức và tiếp cận cách chăn nuôi khoa học, hằng năm ngoài việc xã viên tích cực tham gia các lớp tập huấn của Hội Nông dân xã, Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông huyện... HTX còn mời cán bộ của tỉnh và các công ty thuốc về hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho xã viên.

Qua đó, xã viên của HTX biết rõ hơn về các giống lợn mới; cách phát hiện sớm các loại dịch bệnh mới và hướng chữa trị; cách cho lợn ăn để vừa bảo đảm dinh dưỡng vừa tiết kiệm trong bối cảnh giá thức ăn liên tục tăng cao như hiện nay... Ngoài số lợn con do đàn lợn nái sinh ra, hằng năm các xã viên HTX phải nhập thêm hàng nghìn con lợn con. Trong 6 tháng đầu năm nay các xã viên đã nhập thêm 700 con ở các tỉnh miền Nam. Để bảo đảm có nguồn con giống tốt, sạch bệnh, HTX đã phối hợp với một số chủ trang trại chăn nuôi ở Đà Nẵng, Bình Dương để lấy lợn giống.

Để bảo đảm thức ăn chất lượng và giá thành hạ, 5 năm nay HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH CJ Vina Agri (Hàn Quốc) để lấy cám. Mua cám do HTX cung cấp, xã viên sẽ được hưởng ưu đãi. Trong 1 tháng đầu được mua chịu và 1 bao cám sẽ được giảm 8,5 nghìn đồng so với giá bán cho người không phải là xã viên.

Tính cả số tiền được trả chậm trên 1 bao cám thì xã viên HTX được giảm khoảng 10 nghìn đồng/bao cám so với giá mua bên ngoài. Về "đầu ra", HTX có mối liên hệ chặt chẽ với 6 thương lái trong và ngoài huyện.

Khi xã viên có lợn chuẩn bị bán, Ban Chủ nhiệm HTX sẽ liên hệ với thương lái và đưa họ đến nhà từng xã viên. Ngoài những biện pháp trên, HTX Chăn nuôi Nam Hưng còn xây dựng quỹ hỗ trợ nhau khi khó khăn với tổng số tiền 40 triệu đồng. Đây là số tiền các xã viên HTX góp và được luân chuyển cho từng xã viên vay không tính lãi để xây dựng chuồng trại, mua con giống.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động của HTX Chăn nuôi Nam Hưng hiện cũng đang gặp khó khăn nhất định. Để lấy được cám với giá rẻ, HTX phải trả tiền ngay, trong khi đó nguồn vốn hạn hẹp nên số lượng lấy không được nhiều. Hiện tại, có nhiều người chăn nuôi trong và ngoài xã làm đơn xin ra nhập nhưng HTX chưa thể kết nạp được, bởi HTX không có vốn để bù tiền mua cám chịu và hưởng chênh lệch cho xã viên.

HTX muốn xây dựng thương hiệu lợn sạch Nam Hưng nhưng kinh phí để xây dựng lớn, trong khi đó ngân sách của HTX hạn hẹp nên vẫn chưa làm được. Hầu hết các xã viên vẫn phải chăn nuôi trong khu dân cư nên quy mô nhỏ, ảnh hưởng đến môi trường sống... Nếu giải quyết được những vấn đề trên, chắc chắn hiệu quả của HTX Chăn nuôi Nam Hưng sẽ còn cao hơn nữa.


Related news

trien-khai-mo-hinh-nuoi-heo-su-dung-dem-lot-sinh-hoc Triển Khai Mô Hình Nuôi… kham-kha-nho-nuoi-tran Khấm Khá Nhờ Nuôi Trăn