Mô hình kinh tế Nuôi ong dú lấy mật, bán trên 1 triệu đồng/lít

Nuôi ong dú lấy mật, bán trên 1 triệu đồng/lít

Author Minh Hậu, publish date Saturday. June 12th, 2021

Những năm gần đây, nghề nuôi ong dú lấy mật được nhiều hộ gia đình ở Lâm Đồng phát triển và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Dễ làm, lợi nhuận cao

Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Trần Văn Thức, thôn 3 xã Đức Phổ (huyện Cát Tiên, Lâm Đồng), người tiên phong thực hiện mô hình nuôi ong dú tại địa phương. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào khu vườn rộng 2 ha trồng toàn chôm chôm của anh là hàng trăm chiếc thùng được treo lơ lửng xung quanh các gốc cây quanh vườn. Trò chuyện với chúng tôi, anh Thức rất tâm đắc với nghề và kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi ong của mình.

Anh Thức cho biết, năm 2008, gia đình anh cho một người bạn làm nghề nuôi ong lấy mật đưa đàn ong về trú ở khu vườn, tìm hoa hút mật. Khi họ rời đi, anh phát hiện bên trong một ống nhựa trong nhà có một tổ ong. Anh lấy mật ong ra dùng thử thì thấy rất ngon, qua tìm hiểu thì anh được biết mật ong dú là loại rất quý hiếm nên cảm thấy tò mò, quyết định cưa luôn khúc ống nước, đưa tổ ong ra ngoài vườn nuôi thử. 

Sau gần 1 năm nuôi, đàn ong phát triển tốt và cho ra rất nhiều mật. Từ đó, anh Thức mới bắt tay vào việc nghiên cứu, tìm hiểu quy trình nuôi, cách lấy mật sao cho hợp lý và bảo quản sản phẩm mật như thế nào để đảm bảo.

Ròng rã hơn 7 năm nuôi thử, nghiên cứu, đến năm 2015 anh Thức cũng đã thành công khi tách, nhân giống được đàn ong dú.

Theo anh Thức, một tổ ong dú có một ong chúa, khi đẻ ong chúa tạo ra 1-3 ấu trùng ong chúa. Ấu trùng ong chúa lớn lên trở thành ong chúa trưởng thành. Khi tổ ong đủ lớn, có biểu hiện tách đàn cũng là lúc người nuôi ong chuẩn bị thùng bọng để san đàn.

“Thùng nuôi được chuẩn bị có kích thước 50x20x20cm, 6 mặt đều kín, chỉ chừa một lỗ nhỏ cho ong chui ra, chui vào. Ong chúa mẹ sẽ ra đi theo tổ mới để lại một nửa “quân” cho ong chúa con lớn lên tiếp tục “cầm quân”. Cứ như vậy, khoảng 100 đàn ong thì sau 1 năm sẽ tách được thêm 80 đàn. Thời điểm phù hợp tách đàn nhân giống vào mùa xuân. Đàn mới tách sẽ được đưa đến một nơi khác, tránh việc đàn ong quay trở về tổ cũ", anh Thức chia sẻ.

Theo anh Thức, việc nuôi ong dú rất khỏe, không tốn chi phí bởi không lo cho chúng ăn và bệnh tật. Tuy nhiên, ong dú cũng rất mẫn cảm với sự thay đổi của môi trường như thời tiết nóng, lạnh, nắng, mưa bất thường có thể làm cho đàn ong nhiễm bệnh.

Ong nhiễm bệnh sẽ kém hoạt động, nằm lỳ trong tổ, không bài tiết được và chết. Nếu đàn ong chết quá nhiều xem như tổ hỏng. Ong dú cũng không chịu được mùi hôi của phân gia súc, gia cầm; mùi hóa chất phun xịt hay tiếng ồn, nước thải; nuôi ong dú cũng cần cẩn thận ngăn ngừa địch hại là kiến, thằn lằn… Chính vì vậy, kể từ khi thực hiện nuôi ong dú, vườn chôm chôm cũng được anh Thức chuyển sang canh tác theo hướng an toàn sinh học.

Đến nay, anh Thức đã phát triển đàn ong dú với số lượng lên đến 170 đàn, mỗi năm anh thu về khoảng 150 lít mật ong. Với giá bán trên thị trường hiện nay từ 900.000 – 1.200.000/lít mật, tùy vào thời điểm, mỗi năm anh Thức thu về hơn 150 triệu đồng. Ngoài ra, với mỗi đàn ong dú sau khi được tách tổ thành công, anh bán giống cho các hộ nuôi khác với giá từ 1.500.000 đồng/đàn.

“Ong dú là loài ong có kích thước nhỏ nhưng sản phẩm tạo ra từ loài ong này rất quý, có nhiều tác dụng về mặt dược tính, mỹ phẩm. So với các mô hình phát triển kinh tế khác, nghề nuôi ong dú lấy mật không đòi hỏi nhiều nhân công, chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro và đem lại thu nhập ổn định” anh Thức nói.

Tương tự, anh Đỗ Văn Nghĩa, ngụ tại Tổ dân phố 15, thị trấn Cát Tiên cũng đã nuôi ong dú lấy mật từ hơn 7 năm nay. Tuy nhiên, thay vì treo tổ ong dưới tán cây, anh Nghĩa chọn phương pháp xây nhà kiên cố, để tạo “chỗ ở” ổn định cho ong.

Quan sát mô hình nuôi ong dú của gia đình anh Nghĩa, trong không gian cao ráo thoáng mát, hàng trăm thùng ong các loại được anh xếp ngăn nắp trên kệ sắt.

Trong quá trình nuôi, anh Nghĩa dần thay thế những ống tre, thân cây gỗ thô sơ ban đầu thành những hộp gỗ nhỏ, trong hộp gỗ phân nhiều thành, một mặt ốp nhựa trắng để dễ quan sát phân loại các tầng trứng, số lượng quân và mật. Ngoài ra, khi lấy mật sẽ không làm giảm số lượng ong trong một đàn.

Đến nay, anh Nghĩa đã sở hữu cho mình hàng trăm đàn ong, có giống ong dú thương phẩm, mỗi năm anh thu hoạch trên 200 lít mật, doanh thu trên 200 triệu đồng.

Xây dựng sản phẩm OCOP

Ông Trần Quang Trừng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên cho biết: Theo thống kê, toàn huyện hiện có hơn 30 hộ gia đình đang thực hiện mô hình nuôi ong dú lấy mật với tổng quy mô khoảng 700 đàn. Ngoài 2 hộ anh Thức và Nghĩa đang nuôi với quy mô lên đến hàng trăm đàn thì các hộ còn lại nuôi trung bình từ 20 – 30 đàn/hộ.

Với hệ sinh thái phong phú, đa dạng, khí hậu thuận lợi và diện tích đất rừng, đất sản xuất cây ăn trái lớn chiếm trên 90%, nhiều hộ dân các xã Đức Phổ, xã Quảng Ngãi, xã Phước Cát 2, thị trấn Cát Tiên và thị trấn Phước Cát đã áp dụng mô hình nuôi ong dú lấy mật và cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Để nghề này phát triển theo hướng ổn định và bền vững, thời gian tới địa phương sẽ thành lập câu lạc bộ nuôi ong dú, qua đó giúp các hội viên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, khuyến khích các nông hộ xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô liên kết trong chăn nuôi và tiến đến xây dựng sản phẩm đặc thù OCOP, nhằm quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương.

“Ong dú cũng có ong chúa như những loài ong khác, điều đặc biệt loài ong này không bỏ đi như ong ruồi, ong khoái… khi "quân" trong đàn nhiều thì tách ra thành đàn khác và cứ thế lượng tổ được nhân rộng. Không gian nuôi có thể đặt dưới hiên nhà, tán cây, tận dụng nhiều nơi trong vườn nhà rất dễ dàng, đặc biệt ong dú rất thân thiện với con người”, anh Đỗ Văn Nghĩa, ngụ tại Tổ dân phố 15, thị trấn Cát Tiên nói.


Related news

ty-phu-oc-tuoi-23 Tỷ phú ốc tuổi 23 chuyen-lua-trong-lac-hieu-qua-cao-gap-3-lan Chuyển lúa trồng lạc, hiệu…