Mô hình kinh tế Nuôi rắn mối, nghề mới của người dân huyện Sông Hinh

Nuôi rắn mối, nghề mới của người dân huyện Sông Hinh

Publish date Wednesday. October 7th, 2015

Đàn rắn mối con của ông Đào Văn Toàn đang phát triển rất tốt

Ngoài những vật nuôi quen thuộc như trâu, bò, heo, gà… thời gian gần đây, người dân huyện Sông Hinh (Phú Yên) đang tiếp cận với đối tượng nuôi mới là rắn mối.

Loại vật nuôi này giúp đa dạng hóa vật nuôi và mở ra cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Dễ nuôi, ít tốn chi phí

Với mục tiêu đa dạng hóa vật nuôi, đưa đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người dân, huyện Sông Hinh đã triển khai mô hình nuôi rắn mối, bước đầu cho kết quả khả quan.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, từ đầu năm 2015, đơn vị này đã triển khai mô hình nuôi rắn mối cho hai hộ dân tại địa phương với kinh phí hơn 166 triệu đồng.

Mỗi hộ tham gia được nhận 1.154 con rắn mối giống với tỉ lệ 1 con đực/3 con cái; trong đó mô hình hỗ trợ 65% kinh phí, còn lại hộ nuôi đối ứng.

Ông Phạm Văn Khương ở khu phố Ngô Quyền, thị trấn Hai Riêng, cho biết: Trước khi tham gia nuôi rắn mối, tôi và một số người khác đã tìm hiểu cách nuôi, chăm sóc, hiệu quả kinh tế ở các trại nuôi rắn mối ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa).

Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy nuôi rắn mối rất dễ, lại ít tốn chi phí, công chăm sóc mà giá trị kinh tế cao nên đã đăng ký tham gia mô hình. Nhờ gia đình tôi đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết như có chuồng nuôi, có vốn đối ứng và hiểu biết về loài rắn mối nên được chọn.

Cũng theo ông Khương, từ khi thả giống nuôi đến nay, đàn rắn mối gia đình ông phát triển tốt, đã sinh được một lứa, đang chuẩn bị sinh lứa thứ hai.

Còn theo ông Đào Văn Toàn ở khu phố 6, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), từ khi gia đình ông đầu tư nuôi thêm rắn mối thì mô hình chăn nuôi của ông đã tương đối khép kín.

Hiện nay, nhà ông có nuôi bò, trùn quế, rắn mối. Chất thải từ nuôi bò, ông đem nuôi trùn quế, sau đó lượng trùn quế thu hoạch được trở thành nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho rắn mối, giúp rắn mối phát triển tốt.

Ông Toàn cho hay:Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, có nguồn trùn quế thường xuyên làm thức ăn nên rắn mối của gia đình tôi phát triển nhanh.

Đàn rắn mối giống do mô hình hỗ trợ đã sinh sản được hai lứa, với số lượng khoảng 10.000 con

. Lượng rắn mối con này đang phát triển, da bóng, đuôi dài, thân chắc.

Gia đình tôi đang chuẩn bị thu hoạch lứa rắn mối giống đầu tiên (khoảng 1.000 con) để cung cấp cho một số hộ dân ở địa phương đang có nhu cầu nuôi. Hiện rắn mối giống được bán với giá từ 13.000 đến 15.000 đồng/con.

Hướng đi mới hiệu quả

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, cán bộ phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, chuyên viên kỹ thuật của mô hình, cho biết: Rắn mối là loài bò sát, sống hoang dã trên cạn, đã được đưa vào nuôi tại một số tỉnh, thành trong cả nước và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua tìm hiểu, rắn mối rất dễ nuôi, ít dịch bệnh.

Nguồn thức ăn chủ yếu cho rắn mối là các loài côn trùng, tôm tép, cá, trứng, cơm nguội…

Trong tự nhiên, rắn mối sinh sản hai lứa/năm, mỗi lứa sinh được từ 6 đến 10 con. Để không bị hao hụt rắn con, khi rắn mối mẹ bước vào kỳ sinh sản, người nuôi cần tách chuồng riêng để rắn mối con không bị rắn mối đực ăn.

Sau khi sinh sản, rắn mối mẹ được thả trở lại vào chuồng cũ để tiếp tục chu kỳ giao phối, sinh sản mới.

Rắn mối con được nuôi chuồng riêng, đủ tuổi trưởng thành (4 tháng) thì tách riêng con cái để tiếp tục nuôi sinh sản, con đực bán thịt với giá thành hiện nay 400.000 đồng/kg.

Từ khi mô hình nuôi rắn mối được triển khai đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn đã đến tham quan, học tập và đang đặt mua lại con giống ở các hộ nuôi trong mô hình này.

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, chủ nhiệm dự án, cho hay:

Nhờ dễ nuôi, không cần nhiều thời gian chăm sóc, ít tiêu tốn thức ăn, trong khi hiệu quả kinh tế mang lại cao, mô hình nuôi rắn mối sẽ mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trong việc lựa chọn đối tượng chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

Đồng thời, mô hình này còn góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, giúp đa dạng hóa vật nuôi, tăng hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm hàng hóa an toàn thực phẩm…

Kỹ thuật làm chuồng nuôi

Với đặc tính hoang dã của rắn mối nên khi xây dựng chuồng nuôi, bà con cần đảm bảo chuồng phải nửa kín nửa hở để có ánh nắng rọi vào cho rắn mối tắm. Đồng thời, chuồng nuôi phải thoáng, thoát nước tốt, không bị ẩm ướt sẽ hạn chế các loại bệnh nấm da cho rắn mối.

Thành chuồng phải được ốp hai lớp gạch men, nếu là chuồng xây xi măng hoặc vây tôn láng nếu chuồng dựng bằng tôn; xung quanh và bên trên chuồng cần quây lưới để đảm bảo rắn mối không bò ra ngoài và các loài thiên địch bên ngoài cũng không vào được chuồng.

Chuồng nuôi đảm bảo tỉ lệ 100 con/m2. (Bà Nguyễn Thị Nguyệt, chuyên viên kỹ thuật của mô hình nuôi rắn mối)


Related news

tpp-va-nganh-chan-nuoi TPP và ngành chăn nuôi trien-vong-xuat-khau-ca-ro-phi Triển vọng xuất khẩu cá…