Mô hình kinh tế Nuôi Tôm Càng Xanh Và Cá Rô Đơn Tính

Nuôi Tôm Càng Xanh Và Cá Rô Đơn Tính

Publish date Saturday. July 23rd, 2011

Hạ Hòa là một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, nơi có tỷ lệ người nông dân chiếm đa số. Trong những năm qua, trung tâm khuyến nông huyện đã tích cực tư vấn cho người nông dân ở Hạ Hòa chuyển đổi mô hình kinh tế vươn lên thoát nghèo. Một trong những mô hình mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân đó là nuôi tôm càng xanh và cá rô đơn tính.

Dựa vào lợi thế địa hình có nhiều đầm phá, mương ruộng và thường ngập nước vào mùa mưa. Toàn huyện Hạ Hòa có 1.100 ha mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản. Do vậy, người nông dân ở các xã vùng ven Hạ Hòa đã tích cực chuyển đổi từ ruộng trồng lúa nước thành các khu nuôi cá rô và tôm càng xanh. Bên cạnh đó, Trung tâm khuyế nông huyện đã thường xuyên mở các lớp tập huấn cho các hộ nông dân ngay tại các xã, trong đó hướng người nông dân vào nhiều phương án khoanh nuôi như tận dụng nguồn nước ngọt, mương, ruộng… và kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản dựa vào đặc thù khí hậu và đặc điểm sinh trưởng của vật nuôi. Từ đó, định hướng cho nông dân phát triển nuôi trồng theo hướng sản xuất hàng hóa theo từng hộ nông dân.

Để thí điểm mô hình này, ngay từ năm 2006, được sự quan tâm của Trung tâm giống thủy sản, Trạm khuyến nông Hạ Hòa đã triển khai xây dựng mô hình trình diễn nuôi cá rô phi đơn tính tại 2 xã Minh Côi và Vĩnh Chân với 4ha có 2 hộ tham gia. Trạm khuyến nông đã cử cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn các hộ nông dân làm ao nuôi, vệ sinh nguồn nước và khu vực nuôi tôm. Giống cá rô phi đơn tính do Trung tâm giống thủy sản cấp, với số lượng 12.000 con, nuôi với mật độ 3 con/m2, kích thước khi thả 4- 6cm, trọng lượng 2- 3g/con.

Hình thức áp dụng nuôi thâm canh, thức ăn dùng 1/3 lượng thức ăn hỗn hợp cám công nghiệp do trạm khuyến nông cấp trộn lẫn với cám, sắn, ngô của gia đình. Trong quá trình nuôi trạm khuyến nông đã cử cán bộ kỹ thuật xuống từng hộ, đôn đốc, hướng dẫn cách nuôi, định kỳ lập kế hoạch kiểm tra mỗi tháng 1 lần để đánh giá tốc độ sinh trưởng, mức đầu tư chăm sóc, phát hiện dịch bệnh và có biện pháp xử lý. Kết quả sau 7 tháng thực hiện mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, cá đạt trọng lượng 0,35 - 0,4kg/ con, dự kiến đạt thu 80%; giá bán trên thị trường hiện nay 15.000đ/kg. Với tổng chi phí 16.428.000đ, tổng thu 27.000.000đ trừ đi các khoản chi phí còn lãi 10.572.000đ.

Cùng với mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, huyện Hạ Hòa còn triển khai xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa tại xã Mai Tùng. Có 2 hộ tham gia nuôi với 70.000 con giống trên diện tích 2ha hình thức nuôi bán thâm canh. Trong suốt quá trình nuôi các hộ đều được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc, quản lý ao, điều chỉnh thức ăn hàng tuần. Sau 6 tháng, tôm càng xanh đạt trọng lượng bình quân 30g/con. Tổng chi phí đầu tư cho 1ha là 20.300.000đ. Dự kiến thu đạt 60% với giá bán ra thị trường là 80.000đ/kg. Dự kiến tổng thu cho 1ha là 24.700.000đ trừ chi phí còn lãi 19.700.000đ.

Như vậy, nuôi tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, là hướng đi triển vọng trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ những mô hình này huyện Hạ Hòa cần nhân rộng, quy hoạch vùng nuôi và khuyến khích các hộ nuôi nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn phục vụ tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu. Đó cũng là mô hình giúp cho người nông dân ở Hạ Hòa từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và làm giàu cho quê hương.


Related news

xuat-khau-duong-sang-trung-quoc Xuất Khẩu Đường Sang Trung… mo-hinh-nuoi-tom-cang-xanh-trong-vuon-dua Mô Hình Nuôi Tôm Càng…