Nuôi tôm siêu thâm canh - đột phá ngoạn mục
Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thủy sản được chứng minh là bước đột phá ngoạn mục và đã gặt hái được những thành công.
Hiệu quả kinh tế từ nuôi tôm siêu thâm canh rất cao
Nổi bật nhất là chuyển đổi nhận thức từ nuôi tôm theo truyền thống sang nuôi siêu thâm canh kiểm soát được dịch bệnh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Cà Mau được mệnh danh là thủ phủ của ngành tôm. Hiện nay, nhiều nông dân chuyển dần từ hình thức nuôi tôm thâm canh bằng ao đất sang siêu thâm canh bằng ao lót bạt. Mô hình này đang phát triển khá mạnh và được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn tại địa phương. Theo kinh nghiệm của người nuôi, việc nuôi tôm bằng hình thức lót bạt sẽ cho năng suất cao và giảm thiểu nhiều rủi ro.
Hiệu quả tuyệt vời
Ghi nhận của NNVN tại huyện Năm Căn, hiện có rất nhiều hộ dân chuyển từ nuôi tôm công nghiệp bằng ao đất sang lót bạt. Theo nhiều hộ dân, việc nuôi tôm bằng ao đất, nếu trúng lắm cũng chỉ được vài ba vụ nuôi đầu. Về lâu dài thì không ổn, bởi dư lượng thức ăn, thuốc trong ao nuôi thấm vào đất sẽ làm cho tôm nuôi dễ bị nhiễm bệnh. Từ đó, việc xử lý mầm bệnh trong ao gặp nhiều khó khăn. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc nuôi tôm thâm canh thời gian qua không đạt năng suất cao.
Toàn huyện Năm Căn có 85ha diện tích nuôi tôm siêu thâm canh. Mô hình này chỉ mới phát triển gần một năm nay. Qua tìm hiểu được biết, năm 2017, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện Năm Căn khoảng 38.000 tấn, tăng gần 12% so với cùng kỳ và đạt trên 105% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng tôm đạt cao nhất là hình thức nuôi tôm siêu thâm canh.
Nhận thấy việc nuôi tôm công nghiệp truyền thống bằng ao đất không mang lại hiệu quả. Vì vậy, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Năm Căn đã mạnh dạn tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm việc nuôi tôm siêu thâm canh từ những người đi trước. Nhờ đó, nông dân đã tiếp cận được khoa học kỹ thuật, dần chuyển sang mô hình nuôi mang lại giá trị kinh tế cao này. Đã có nhiều vụ nuôi thành công, tôm nuôi chất lượng tốt, năng suất rất cao.
Ông Phan Văn Côn, 56 tuổi, ngụ huyện Năm Căn cho biết: “Để con tôm đạt chất lượng, quy trình nuôi tôm siêu thâm canh bắt buộc phải có ao lắng xử lý, ao sẵn sàng, ao lắng thô, ao lắng chất thải..., tôm nuôi được thả với mật độ khoảng 250 - 500 con/m2”.
Cũng theo ông Côn, ngoài việc cung cấp đủ lượng thức ăn cho con tôm, hằng ngày ông còn phải thực hiện đảm bảo đúng quy trình kiểm tra chất lượng nước, nhằm có biện pháp xử lý kịp thời. Hiện tại, tôm nuôi của ông Côn đang phát triển tốt, lớn nhanh. "Lợi thế lớn nhất của nuôi tôm siêu thâm canh chính là môi trường nước ổn định, dễ kiểm soát được mầm bệnh và chất thải hằng ngày. Bên cạnh đó, nếu có gặp sự cố xảy ra thì người nuôi cũng xử lý dễ dàng", ông Côn nói.
Là người có kinh nghiệm nuôi tôm công nghiệp, anh Nguyễn Đại Tá, ngụ huyện Năm Căn cho biết, nuôi tôm bằng ao đất vẫn có lãi nhưng hơi mạo hiểm. Vì vậy, anh vừa chuyển qua hình thức nuôi lót bạt. Theo anh Tá, hiện nay nguồn nước bên ngoài môi trường rất khó kiểm soát, nếu lấy vào ao nuôi rất dễ xảy ra nhiễm bệnh cho tôm nuôi.
“Lúc đầu, mới học hỏi nên tôi nuôi thử nghiệm 1 ao, với diện tích 1.000m2 bằng hình thức lót bạt, những ngày qua mưa nhiều, dù tôm phát triển chậm nhưng khi thu hoạch trừ hết chi phí, tôi lãi trên 300 triệu đồng. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi", anh Tá nói.
Ông Trương Quốc Duẩn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Năm Căn, nhận định: Giữa nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh có điểm tương đồng về thiết kế cao nuôi, chỉ khác nhau ở chỗ lót bạt. Tuy vậy, hình thức nuôi tôm siêu thâm canh có lợi thế hơn hẳn, do sử dụng bạt lót đáy ao nên khâu xử lý ao sau vụ nuôi cũng dễ. Mật độ thả nuôi dày hơn, tỷ lệ thành công đạt gần 85% và năng suất cao gấp hai, ba lần so với nuôi ao đất".
Phát triển trong kiểm soát
Tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), toàn huyện có trên 49,25ha diện tích nuôi tôm siêu thâm canh. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở Cty CP thủy sản N.G Việt Nam với 13,1ha và Cty CP Công nghệ Nông nghiệp và Thủy sản Aritech với 12,5ha.
Phát triển tôm siêu thâm canh theo hướng bền vững
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ngọc Hiển cho biết, theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, địa phương sẽ quy hoạch mở rộng diện tích vùng nuôi, khuyến khích những hộ có điều kiện, nguồn lực tài chính, có kinh nghiệm, tay nghề cao áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Từ đó, góp phần vực dậy nền kinh tế nông nghiệp địa phương theo hướng bền vững, lâu dài.
“Tuy khuyến khích người dân thả nuôi, nhưng cũng phải theo lộ trình, không được ồ ạt. Phải được sự chấp nhận của cơ quan có thẩm quyền mới được mở rộng diện tích nuôi. Đối với hộ nuôi, phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý trong ao, như vèo tôm, chiết tôm nuôi sang ao, xử lý chất thải phải đúng quy định”, ông Hoàng nói.
Để làm được điều này, UBND huyện Ngọc Hiển đã có văn bản chỉ đạo ngành nông nghiệp địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn điều kiện nuôi theo Quyết định số 1874 của UBND tỉnh Cà Mau về việc Ban hành quy định tạm thời về điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND huyện Ngọc Hiển đã ban hành Quyết định thành lập Tổ kiểm tra của huyện, đến nay Tổ này đã thực hiện xong công tác kiểm tra, hướng dẫn điều kiện nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đối với các hộ dân trên toàn huyện. Trong đó, chú trọng đến vấn đề an toàn trong sử dụng điện, hệ thống ao nuôi đặc biệt, phải có ao xử lý chất thải. “Đối với hộ chưa đủ điều kiện thả nuôi, chúng tôi yêu cầu làm cam kết, xây dựng hệ thống nuôi đúng quy trình thì mới được phép nuôi. Nếu hộ dân tự ý làm sai, huyện sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Hoàng thông tin thêm.
Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, tỉnh có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất cả nước, khoảng 303.000ha, chiếm gần 30% cả nước và chiếm khoảng 40% vùng ĐBSCL. Sản lượng nuôi hằng năm đạt trên 315.000 tấn. Hiện nay, chỉ tính riêng diện tích nuôi tôm công nghiệp của địa phương đã đạt gần 10.000ha. Trong đó, có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tăng nhanh, gần 1.000ha, với năng suất đạt khoảng hơn 50 tấn/ha/vụ. Từ đó, kịp thời đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho các nhà máy, xí nghiệp góp một phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu của địa phương.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xuất khẩu tôm sang hơn 60 nước. Trong đó, thị trường lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU… Không dừng lại ở đó, Cà Mau hiện đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Tây Âu và hướng đến thị trường Ấn Độ đầy tiềm năng. Phấn đấu trong năm 2018, tỉnh Cà Mau đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD, tăng 100 triệu USD so với cùng kỳ.
Nuôi tôm siêu thâm canh có những bước phát triển vượt bậc ở Bạc Liêu. Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu chia sẻ với NNVN về vấn đề này.
Thưa ông, thời gian qua nuôi tôm siêu thâm canh tại Bạc Liêu đã có những đột phá, ông có thể nói rõ hơn?
Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, ngành nông nghiệp Bạc Liêu luôn giữ vai trò trụ đỡ và góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Riêng năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) lên đến gần 139.000ha. Trong đó, nuôi tôm sú, tôm thẻ thâm canh và bán thâm canh 21.200ha, sản lượng đạt trên 116.300 tấn.
Nhiều doanh nghiệp, trang trại nuôi tôm trong tỉnh đã đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và được Bộ NN-PTNT công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong NTTS đầu tiên của cả nước. Điển hình như, Cty CP Việt Úc Bạc Liêu, Cty CP Công nghiệp CP Việt Nam - Bạc Liêu, Cty TNHH MTV Huy Long An - Bạc Liêu; Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh… Từ đó, đã mở ra hướng đi mới cho ngành nuôi tôm Bạc Liêu. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong thời gian qua cho thấy, đây là mô hình ít bị tác động của biến đổi khí hậu.
Vậy hiệu quả cụ thể như thế nào?
Nuôi tôm siêu thâm canh đạt năng suất cao, tỷ lệ rủi ro rất thấp, có thể áp dụng được nhiều nơi, nhiều vùng khác nhau trên cả nước, phù hợp với xu hướng phát triển. Hiện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 6 Cty và 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, 155 hộ dân đang thực hiện mô hình, tổng diện tích gần 1.400ha, với hơn 850 ao nuôi. Qua 2-3 vụ nuôi vừa qua tại Bạc Liêu, các mô hình cho kết quả khả quan, tôm ít bị bệnh dịch, tỉ lệ thành công cao, chiếm khoảng 85 - 90%. Có thể nói, nghề nuôi tôm tại Bạc Liêu có bước phát triển vượt bậc, các kỹ thuật tiên tiến được người nuôi mạnh dạn áp dụng.
Mục tiêu phát triển mô hình này trong thời gian tới?
Tỉnh Bạc Liêu đang tập trung xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm nhằm tạo ra sự lan tỏa, dẫn dắt ngành thủy sản phát triển đúng hướng, ổn định và bền vững để nâng cao giá trị con tôm. Cụ thể, tập trung xây dựng vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch. Phấn đấu đến năm 2020 có từ 4 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trở lên. Trong đó, có 3 vùng nuôi trồng thủy sản, 1 vùng sản xuất giống thủy sản. Đến năm 2025, có ít nhất 9 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 2.000ha.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao