Tin thủy sản Nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ lọc tuần hoàn

Nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ lọc tuần hoàn

Author Đinh Mười, publish date Saturday. October 30th, 2021

Công nghệ này người nuôi chỉ cần lấy nước một lần, trong quá trình nuôi không phải thay nước. Tỷ lệ sống tôm nuôi có thể đạt 85%, nuôi được 4 vụ trong năm...

Công nghệ RAS giúp người nuôi tôm hạn chế các sự cố trong quá trình nuôi, cho năng suất ổn định. Ảnh: Đinh Mười.

Nuôi tôm không cần thay nước

Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) vừa nghiên cứu và nghiệm thu đề tài "Nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ lọc tuần hoàn (RAS)", đang đề xuất đưa vào sản xuất thử nghiệm, trước khi chuyển giao công nghệ và sản xuất đại trà.

Công nghệ này có nhiều ưu điểm so với việc nuôi tôm truyền thống, khắc phục được những hạn chế về môi trường và nâng hiệu quả kinh tế, ít sự cố trong quá trình nuôi, hạn chế sử dụng nhiều hóa chất và các loại kháng sinh, cho năng suất ổn định.

TS Đỗ Mạnh Hào, Trạm trưởng Trạm nghiên cứu biển Đồ Sơn (Viện Tài nguyên và Môi trường biển), Chủ nhiệm đề tài cho biết: Với công nghệ này, chất lượng nước được duy trì chủ động, những rủi ro về dịch bệnh giảm do nguồn nước được kiểm soát. Mặt khác, sẽ tiết kiệm về không gian, nguồn nước, chủ động vào phương án nuôi trồng, ít rủi ro về dịch bệnh.

TS Hào dẫn chứng, với ao nuôi 1.000 m3, những tháng cuối, có những ngày phải thay tới 50 - 70% nước. Trong khu vực nuôi tôm có đến 70% diện tích dung để chứa nước, chỉ còn lại 30% diện tích để phục vụ nuôi tôm, trong khi với mô hình tuần hoàn này, là tỷ lệ 1/1.

Mỗi vụ sản xuất, người dân chỉ cần lấy nước một lần, trong quá trình nuôi không phải thay nước, đã có hệ thống xử nước, nước được tái tuần hoàn.

Điều đáng nói, tỷ lệ sống của tôm nuôi có thể đạt tới 85%, nuôi được 4 vụ trong 1 năm, năng suất từ 15 - 15 kg/m3/năm và hệ số chuyển hóa thức ăn khoảng 1,2; chi phí sản xuất chỉ từ 85 - 90 nghìn/kg tôm.

“Nuôi tôm truyền thống vẫn là công nghệ hở, nước trong quá trình nuôi nếu bị ô nhiễm phải tháo nước để bù nước mới. Công nghệ lọc tuần hoàn nuôi tôm thẻ chân trắng, nước quá trình nuôi sẽ thải ra hệ thống xử lý nước và tái tuần hoàn lại, người nuôi tiết kiệm được rất nhiều nước và chi phí sản xuất vừa sản xuất ổn định, hiệu quả kinh tế cao”, TS Hào cho hay.

Cũng theo TS Hào, với quy mô nuôi khoảng 1.000 m3, chi phí trung bình của công nghệ này sẽ mất 85 - 90.000 đ/kg tôm, còn với diện tích nuôi khoảng 500 m3 thì chi phí ban đầu có thể lên đến cả tỷ đồng nên người dân và doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư. 

Cần sớm thử nghiệm

Công nghệ RAS trong nuôi tôm hiện nay đang là một xu thế trên thế giới để đưa nông nghiệp phát triển hiện đại, ổn định.

Ở Việt Nam, cũng có một số nghiên cứu nhưng phạm vi còn hạn chế, kết quả nghiên cứu được đưa vào thực tiễn sản xuất còn rất ít, chủ yếu mới được sử dụng trong sản xuất tôm giống, trong sản xuất thương phẩm chưa phổ biến.

Nguyên nhân chủ yếu là chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với các mô hình nuôi thông thường do phải thiết kế hệ thống xử lý nước, nhân viên vận hành phải đào tạo bài bản. Mặt khác, công nghệ RAS trong nuôi tôm phải duy trì hệ thống quanh năm, nếu không vi sinh sẽ chuyển hóa từ hữu ích sang có hại.

Thêm vào đó, công nghệ đa phần xuất xứ từ nước ngoài, được thiết kế với quy mô sản xuất và giá thành cao, trong khi tại Việt Nam, cơ bản những gia đình chỉ nuôi ở quy mô nhỏ, nguồn vốn eo hẹp, nên người dân chưa mạnh dạn tiếp cận.

Dù vậy, theo TS Hào, dù chưa chủ động được công nghệ nhưng hiện nay trong nước cũng đã có vài doanh nghiệp đã có thể sản xuất linh kiện, thiết bị có thể cải tiến được để nuôi thủy sản theo công nghệ RAS, nếu người dân đầu tư, hoàn toàn có thể mua với giá thành hợp lý và linh hoạt về quy mô.

Tại Hải Phòng, việc nuôi tôm hiện nay chủ yếu diễn ra tại 4 quận, huyện gồm: Dương Kinh, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Do quá trình đô thị hóa, việc nuôi tôm đang có một số vấn đề ảnh hưởng đến năng suất và kinh tế như môi trường và độ muối không ổn định.

Đơn cử như ở Dương Kinh, khu đô thị và khu công nghiệp xen kẽ, hệ thống hạ tầng về đường nước thiếu đồng bộ nên rủi ro ô nhiễm chéo cao. Còn tại một số khu vực khác như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, độ muối thấp và biến động mạnh, đặc biệt là mùa mưa biến động mạnh theo thủy triều… không đảm bảo an toàn cho nuôi tôm, nhất là mùa mưa.

Để khắc phục được những hạn chế này, người nuôi tôm đã có nhiều cách làm sáng tạo, cũng đã có hộ dân áp dụng công nghệ RAS trong nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng do nhiều lý do khách quan nên chưa phổ biến.

Trên cơ sở đó, sau khi dự án hoàn thiện, Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã đề xuất TP Hải Phòng cho thí điểm mô hình thử nghiệm, khi có hiệu quả kinh tế và kỹ thuật đã được tối ưu mới nhân rộng để có thể tiếp cận được đến người dân, giúp người nuôi tôm có thể sản xuất ổn định, nâng hiệu quả kinh tế.

“Thực trạng về nuôi tôm ở Hải Phòng những năm gần đây rủi ro rất cao, hiệu quả kinh tế thấp, hàng năm người nuôi vẫn đứng trước nguy cơ mất mùa lớn do môi trường và độ mặn. Nếu công nghệ nuôi tuần hoàn sớm đưa vào sản xuất sẽ giúp người dân khắc chế được vấn này”, TS Hào khẳng định.


Related news

xay-khu-uom-duong-giong-ket-hop-vung-san-xuat-tap-trung Xây khu ươm dưỡng giống… nuoi-tom-2-giai-doan-vuot-qua-nang-han-keo-dai Nuôi tôm 2 giai đoạn…