Nuôi tôm thẻ Semi-floc cho ăn tự động, tỷ lệ sống đạt 96%
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ semi-floc có sử dụng máy cho ăn tự động tại thôn Hội Tân
Với lợi thế ở ven đầm Thị Nại, xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn có nhiều yếu tố thuận lợi nuôi các đối tượng thủy sản nước lợ, trong đó đối tượng nuôi chủ yếu hiện nay là tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, hình thức nuôi tôm bán thâm canh trong nhiều năm nay chi phí lớn nhưng bệnh dịch vẫn xảy ra nhiều, rủi ro cao.
Xuất phát từ nhu cầu tìm công nghệ nuôi mới, áp dụng công nghệ KHKT, giảm rủi ro, dịch bệnh, đầu năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Quy Nhơn xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ semi-floc có sử dụng máy cho ăn tự động tại thôn Hội Tân, xã Nhơn Hội.
Ông Nguyễn Văn Phát tham gia thực hiện mô hình với diện tích ao nuôi 1.500 m2, thời gian nuôi 3 tháng từ tháng đầu tháng 5 đến tháng 7 năm 2020. Hộ ông Phát được Nhà nước hỗ trợ 50% con giống và 50% vật tư và thức ăn. Trong suốt quá trình nuôi, tỷ lệ tôm sống đạt 96%. Qua hạch toán kinh tế, mô hình thu 972 triệu đồng, trừ chi phí được lợi nhuận 550 triệu đồng.
Tại hội thảo tổng kết mô hình, các đại biểu đánh giá mô hình bước đầu đã thành công. Các hộ dân tham gia hội thảo cho biết sẽ áp dụng công nghệ Semi-Floc vào các vụ nuôi sau để nâng cao năng suất và thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Phát cho biết, ban đầu tôm giống được đưa về nuôi trong bể ương nhà kính, sau 20 ngày thì đưa ra ao nuôi có hệ thống cánh quạt, hệ thống oxy đáy, hệ thống cho ăn tự động và hệ thống tuần hoàn nước. Chính nhờ điều đó đã loại bỏ những tác nhân gây ra dịch bệnh đối với tôm. Đến thời điểm thu hoạch thì tôm đạt 35 con /kg. Ông Phát rất mừng vì được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí và các anh cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm DVNN thành phố Quy Nhơn đã hỗ trợ kỹ thuật tận tình.
Theo bà Nguyễn Thị Ngân Hà – Phó Giám đốc Trung tâm DVNN thành phố Quy Nhơn, nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi-floc quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó con giống phải sạch, quá trình nuôi sạch như xử lý nước, sử dụng công nghệ hiện đại, sử dụng thức ăn chăn nuôi tôm sạch, thường xuyên kiểm tra tôm sẽ hạn chế được nguồn bệnh.
Để phát triển và nhân rộng các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ semi-floc ông Huỳnh Văn Máy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hội cho rằng: cần có chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi do kinh phí đầu tư vào mô hình nuôi tôm công nghệ semi-floc lớn nên một số bà con còn ngại đầu tư. Hội Nông dân sẽ vận động tuyên truyền bà con áp dụng vào công nghệ này vì hiệu quả của mô hình khả quan.
Ông Lê Đức Năng – Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn cho biết: Để phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ semi-floc, thành phố Quy Nhơn đã có nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, hộ dân trong tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư cho sản xuất. Đẩy mạnh hướng dẫn người nuôi hình thành liên kết trong sản xuất, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn cung đầu vào có chất lượng và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Phòng Kinh tế cũng tăng cường nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu nuôi, thu hoạch. Tổ chức đánh giá, tổng kết các mô hình nuôi tôm mới thành công trên nhiều mặt để tiếp tục nhân rộng, khuyến cáo người nuôi phải đầu tư tốt ao nuôi, điện lưới, máy móc và các thiết bị cần thiết khác.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao