Mô hình kinh tế Nuôi tôm theo quy trình VietGAP xu hướng tất yếu

Nuôi tôm theo quy trình VietGAP xu hướng tất yếu

Publish date Thursday. October 22nd, 2015

Phát biểu khai mạc Hội thảo “Nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nghệ An tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An ngày 16/10/2015, ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc TTKNQG khẳng định:

“Nếu nông dân nuôi tôm tuân thủ đúng các quy trình VietGAP thì chắc chắn sẽ hạn chế được dịch bệnh, hạn chế chi phí đầu tư và tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả đến 30%, thậm chí có những vùng lợi nhuận tăng đến 35%”.

Ông khẳng định, nuôi tôm theo VietGAP đảm bảo tiêu chí “Bốn An” là: an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an sinh xã hội.

Toàn cảnh hội thảo

Triển khai từ năm 2014, dự án nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện ở 6 tỉnh, thành phố với 9 mô hình đã thu được kết quả khả quan.

Theo số liệu so sánh của TTKNQG năm 2014, hiệu quả kinh tế/ha của hộ áp dụng VietGAP tại một số địa phương hầu hết đều tăng hơn 30% so với hộ không áp dụng VietGAP (Quảng Ninh tăng 35%, Hải Phòng 36%, Khánh Hòa 35%).

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng có những đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm thì việc tuân thủ một quy trình sản xuất sạch, an toàn là điều cần thiết và phải được nhân rộng.

Lãi khủng, ít rủi ro

Đầu năm 2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hải Phòng đã được giao thực hiện mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP” với quy mô 2ha, mật độ nuôi 80 con/m2.

Mô hình do 5 hộ thực hiện tại các quận, huyện Dương Kinh, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.

Kết quả, sau hơn 3 tháng nuôi, cỡ tôm thu hoạch trung bình 20,4g/con; tỷ lệ sống trung bình 68,2%; năng suất bình quân đạt 10,9 tấn/ha, tổng sản lượng 21.844 kg/2ha; lãi ròng khoảng 800 triệu đồng/ha.

Triển khai dự án khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cũng chọn được 5 hộ tham gia mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP.

Các hộ tham gia thực hiện mô hình có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng và vốn đối ứng, tự nguyện làm đơn đăng ký tham gia dự án và thực hiện ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật của mô hình.

Trung tâm đã mời doanh nghiệp tham gia liên kết hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm với nông dân trong mô hình và đã được Công ty TNHH MTV Chuỗi cung ứng thủy sản Minh Phú thỏa thuận với nông dân bao tiêu sản phẩm với giá thu mua ổn định.

Anh Trần Bạc Su, ở phường 1, thị xã Vĩnh Châu, cho biết, anh có 0,4ha tham gia mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP, bắt đầu thả giống từ ngày 20/6/2015, đến ngày thu hoạch (29/8/2015), sản lượng đạt 6,3 tấn, với giá bán bình quân 115.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi 232 triệu đồng.

Tương tự, anh Huỳnh Khánh Lượng, xã Trung Bình (Trần Đề) cũng đạt lợi nhuận 176 triệu đồng/0,4ha nuôi tôm theo VietGAP.

“Điều quan trọng là áp dụng mô hình này, chúng tôi giảm được áp lực dịch bệnh do ô nhiễm môi trường, tôm phát triển ổn định và đặc biệt là chất lượng tôm đảm bảo”, anh Lượng nói.

Tại Thanh Hóa, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP cũng thu được kết quả khả quan.

Sau hơn 5 tháng nuôi, cỡ tôm thu hoạch trung bình đạt 20,4g/con; tỷ lệ sống trung bình 68,2%; sản lượng 21.844kg/2ha; năng suất 10,9 tấn/ha; lãi ròng 750 triệu đồng/ha.

Theo đánh giá, các hộ tham gia thực hiện mô hình đều tuân thủ theo quy phạm VietGAP.

Địa điểm triển khai đều nằm trong vùng quy hoạch, các chủ hộ đã tuân thủ quy định nhà nước về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các chủ hộ đều có biển báo, đánh dấu mô hình; hồ sơ ghi chép về mua các sản phẩm để thực hiện mô hình, nhật ký ghi chép tất cả các bước kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.

Theo ông Lê Ngọc Quân – Phó trưởng phòng Khuyến ngư - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, quy mô dự án có 9 mô hình, mỗi mô hình rộng 2 ha.

Hộ tham gia mô hình bắt buộc phải có ao chứa, ao lắng, ao xử lý bùn.

Địa điểm nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch.

100% hộ xây dựng mô hình được mời tham gia đầy đủ các cuộc tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về VietGAP.

100% con giống thả nuôi được kiểm dịch có kích cỡ đồng đều, tôm khỏe, sạch bệnh, không có bệnh phát sáng, bệnh Taura (TSV), MBV, WSSV, YHV, HPV.

Mẫu tôm đã được qua xét nghiệm và được cơ quan chức năng kiểm dịch và công nhận chất lượng, mật độ thả 80 con/m2.

Cũng theo ông Quân “Cái được lớn nhất của mô hình là phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững, thân thiện với môi trường nhờ giảm lượng thuốc, hóa chất (do sức khỏe tôm tốt, môi trường ổn định hơn); kiểm soát thức ăn tốt, không để dư thừa; tiết kiệm được lượng điện sử dụng.

Khoảng cách cho hai vụ nuôi được rút ngắn 30 ngày, trong khi đó nếu không nuôi theo quy phạm VietGAP thì khoảng cách là 40 - 50 ngày.

Tỷ lệ sống lớn hơn, năng suất và sản lượng cao hơn so với đại trà.

Sản phẩm nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ tiêu thụ, cỡ thu hoạch lớn hơn, giá thành cao hơn.”.

Hỗ trợ nông dân trong cấp giấy chứng nhận

Dù hiệu quả đã được khẳng định nhưng trong quá trình triển khai mô hình, các địa phương gặp không ít khó khăn.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa cho biết, cản trở lớn nhất trong việc nhân rộng mô hình nuôi tôm VietGAP là do quy hoạch vùng nuôi chưa tập trung và đồng bộ; cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản còn thiếu; sản phẩm khi nuôi VietGAP và sản phẩm nuôi không áp dụng VietGAP không có sự chênh lệch rõ ràng về chất lượng cũng như giá trị sản phẩm;

Đa số các hộ dân nuôi nhỏ lẻ đều không muốn áp dụng VietGAP; các tiêu chí còn rườm rà và nhiều tiêu chí không thực hiện được vì khi thực hiện cần phải có kinh phí và có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng…

Chủ hộ nuôi tôm Nguyễn Khắc Tài ở Thị trấn Cầu Giát huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đặt câu hỏi trực tiếp với Ban chủ tọa Hội thảo

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, cần có nguồn kinh phí hỗ trợ đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở, hộ nuôi nếu được ban đánh giá các tỉnh đánh giá đạt các chỉ tiêu theo tiêu chí VietGAP.

Cần có chính sách hỗ trợ cho các hộ nuôi nhỏ lẻ do có tới 29,5% hộ không áp dụng được vì hệ thống ao chứa, ao cấp không đảm bảo theo tiêu chí VietGAP.

Hệ thống cán bộ khuyến nông các cấp cần nâng cao trình độ về kỹ thuật cũng như quy phạm VietGAP do có tới 26,5% dân được hỏi không áp dụng được vì hệ thống ghi chép sổ sách quá khó.

Tại Hội thảo lần này, ngoài ý những thắc mắc của người dân về kỹ thuật nuôi,đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An kiến nghị, cần tiếp tục triển khai mô hình để khẳng định thêm kết quả, từ đó làm cơ sở để nhân rộng nhằm đa dạng hóa hình thức nuôi, là hướng đi đầy triển vọng cho các vùng nuôi tôm hiện nay.

Chính quyền các cấp cần tạo điều kiện trong việc cho thuê đất, mặt nước để nuôi tôm.

Cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng hạ tầng các vùng nuôi tôm để áp dụng hình thức nuôi tôm an toàn sinh học góp phần đưa nghề nuôi tôm tỉnh nhà phát triển bền vững.

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại để sản phẩm tôm VietGAP có giá thành cao, ổn định nhằm khuyến khích nông dân áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi tôm.

Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, để mô hình có sức lan tỏa, Bộ Nông nghiệp và PTNT nên tiếp tục cấp vốn thông qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để triển khai xây dựng mô hình; ban hành hướng dẫn áp dụng VietGAP cho nuôi tôm nước lợ…

TS Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, việc nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP ngoài việc xử lý tốt các yếu tố như dịch bệnh, môi trường, còn có tác dụng tích cực trong việc giúp sản phẩm tôm Việt Nam vượt qua các rào cản thương mại quốc tế, nhất là khi Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TTP).

Vì vậy nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ tiếp tục được triển khai, tổng kết và nghiên cứu để đưa ra quy trình khoa học và phù hợp với thực tiễn hơn nữa.

Từ kết quả thực tế 100% mô hình thuộc dự án đã thu được kết quả khả quan với năng suất trên 10 tấn/ha, tỷ lệ sống đạt tới 80%, cỡ thu hoạch trung bình 53 con/kg.

Lợi nhuận tính trên quy mô 1 ha đạt trung bình gần 700 triệu đồng, tăng hơn so với mô hình không nuôi theo VietGAP là 35%, việc thực hiện nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP là hướng đúng đắn để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và phát triển bền vững.

Vì vậy, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ có báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất phương án, phê duyệt kế hoạch tiếp tục thực hiện các dự án lớn hơn và cho nhiều đối tượng hơn để có tác dụng định hướng, hỗ trợ cho nông ngư dân các địa phương nhanh chóng tiếp cận và thực hiện các mô hình này.

Ông Kim Văn tiêu – phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết thêm.


Related news

hieu-qua-chan-nuoi-tren-ech-duoi-ca Hiệu quả chăn nuôi trên… tang-cuong-phong-chong-dich-benh-tren-tom-nuoi Tăng cường phòng, chống dịch…