Mô hình kinh tế Nuôi Tôm Thích Ứng Biến Đổi Khí Hậu

Nuôi Tôm Thích Ứng Biến Đổi Khí Hậu

Publish date Monday. April 28th, 2014

Mô hình đã giúp cho nhiều hộ có thu nhập cao từ SX 2 - 3 vụ tôm/năm.

Trường ĐH Cần Thơ triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh xen vườn dừa nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) giúp nhiều nông hộ tăng thu nhập cao trên cùng một đơn vị diện tích.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, một trong 7 hộ dân ở ấp Xương Thới III, xã Thới Thạnh (Thạnh Phú, Bến Tre) tham gia mô hình cho biết: "Thới Thạnh nằm ngoài vùng đê bao ngọt hóa của dự án 418, mỗi năm bị mặn xâm nhập khoảng 6 tháng. Năm 2013 vừa qua tôi cùng 6 hộ dân được ĐH Cần Thơ đến tập huấn kỹ thuật nuôi tôm, làm ao nuôi và hỗ trợ con giống tôm càng xanh.

Tiêu chuẩn hộ tham gia dự án phải có diện tích mặt nước thả nuôi từ 3.000 - 4.000 m2 thì được hỗ trợ 18.000 con giống, vôi cải tạo ao nuôi, thuốc xử lý nguồn nước, cách phát hiện và điều trị một số bệnh thường gặp trên tôm nuôi. Qua 1 năm tham gia tất cả các hộ đều có lãi. Tôi thả 18.000 con tôm giống trên diện tích 3.000 m2, sau 8 tháng nuôi thu hoạch trừ mọi chi phí lãi trên 55 triệu đồng".

Ông Võ Văn Út cùng tham gia mô hình cũng vui ra mặt vì mô hình nuôi tôm càng xanh đã mang về cho ông 20 triệu đồng tiền lãi. Ông Út nói: "Lợi nhuận thu về không cao bằng ông Đoàn do khâu quản lý trong quá trình nuôi chưa đảm bảo an toàn nên bị hao hụt. Với thắng lợi này tôi sẽ từng bước hoàn thiện kỹ thuật, chắc chắn trong thời gian tới sẽ có nguồn thu lớn từ tôm xen dừa".

Ông Phan Văn Bình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạnh Phú cho biết: "Tổng kinh phí hỗ trợ cho 7 hộ tham gia thực hiện mô hình chỉ hơn 55 triệu đồng và kết quả mang lại gấp nhiều lần. Hiện tại, phong trào nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa ở xã Thới Thạnh đang được nhân rộng.

Toàn ấp hiện có trên 30 hộ áp dụng mô hình này. Nếu như trước đây, các hộ nuôi tôm càng xanh chỉ đơn thuần thả tôm giống xuống nuôi thì nay bà con đã biết đưa vào ao ương, tách tôm đực ra nuôi riêng, cho tôm ăn thức ăn công nghiệp lúc còn nhỏ. Khi tôm được 2 tháng tuổi trở lên thì cho ăn thức ăn tươi sống mua từ các ghe cào".

Mô hình trên đã giúp cho nhiều hộ có thu nhập cao từ SX 2 - 3 vụ tôm/năm. Hiện tại, các hộ dân trong ấp tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau từ mô hình và có trao đổi, tham khảo với với các kỹ sư, nhà khoa học của ĐH Cần Thơ để vận dụng thực hiện. Sau khi thành công mô hình, các hộ nuôi tôm trong ấp Xương Thới III đã liên kết lại thành lập Câu lạc bộ nông dân do anh Nguyễn Văn Đoàn làm tổ trưởng.

Hằng tháng câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt để trao đổi, thảo luận các kỹ thuật trong quá trình nuôi tôm. Các hộ rút ra rằng, con tôm càng xanh có khả năng thích ứng ở độ mặn từ 0 - 4 phần ngàn sinh trưởng tốt, ít xảy ra dịch bệnh, rất phù họp với tình hình xâm nhập mặn hằng năm. Trung bình 1 ha đất trồng dừa và nuôi xen tôm càng xanh thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm.

Ông Bình nói: "Đây là mô hình rất thích hợp cho nhà nông ít vốn vì chi phí đầu tư thấp. Người dân có thể tận dụng nguồn cá tạp ở địa phương để làm mồi cho tôm càng xanh. Nuôi tôm biển thường dịch bệnh xuất hiện khó lường nên nuôi tôm càng xanh trong mương dừa trên vùng ngọt lợ được xem là bền vững, được địa phương xác định là mô hình góp phần gia tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích rất cao. Hiện tại, giá tôm thương phẩm ổn định, đảm bảo lợi nhuận cao cho người nuôi".

Trong năm 2014, từ nguồn vốn thích ứng với biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, con giống để mở rộng diện tích và mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong mương vườn dừa trên địa bàn huyện Thạnh Phú nhằm giúp người dân ổn định SX vươn lên làm giàu.


Related news

hieu-qua-tu-mo-hinh-nuoi-ba-ba Hiệu Quả Từ Mô Hình… khan-hiem-dua-hau-xuat-khau-sang-trung-quoc Khan Hiếm Dưa Hấu Xuất…