Tin thủy sản Nuôi tôm trên cát và những vấn đề bảo vệ môi trường

Nuôi tôm trên cát và những vấn đề bảo vệ môi trường

Author HUY NAM, publish date Wednesday. February 24th, 2016

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong toàn tỉnh khoảng 650 ha, tập trung ở các xã: Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng (huyện Triệu Phong); Hải An, Hải Khê (huyện Hải Lăng); Trung Giang, Gio Hải (huyện Gio Linh); Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh).

Chỉ tính riêng trong năm 2015, sản lượng tôm thẻ chân trắng toàn tỉnh ước đạt hơn 4.500 tấn. Đa số nông dân trên địa bàn nuôi tôm thẻ chân trắng 2 vụ/năm với năng suất bình quân ước đạt 15 tấn/ha/vụ. Có mặt ở vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang (huyện Gio Linh) vào thời điểm các hồ nuôi tôm xả đáy thay nước, không khó để nhận thấy không khí bị ô nhiễm, bốc mùi hôi khó chịu.

Một người nuôi tôm kỳ cựu ở đây cho biết, không giống như các vật nuôi khác, tôm thẻ chân trắng “ngốn” thức ăn rất lớn, mỗi ngày phải ăn từ 3 - 4 lần, ở giai đoạn từ 50 - 60 ngày tuổi, một hồ với khoảng 50 nghìn con giống phải tiêu tốn từ 80 - 100kg thức ăn/ngày, vì thế lượng chất thải tồn dư ở đáy hồ là rất lớn nên phải xả đáy thay nước thường xuyên.

Điều đáng quan tâm là các hộ nuôi tôm ở đây đều xả thẳng nguồn nước thải không qua xử lý ra môi trường. Nhiều người dân ở quanh khu vực này cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm đã diễn ra từ lâu nhưng học hưa thấy chủ hồ nào bị địa phương, cơ quan chức năng xử lý.

Tại các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở các xã Hải An, Hải Khê (huyện Hải Lăng), nước thải từ các hồ nuôi cũng đang tạo ra nhiều hệ lụy đáng ngại về môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. “Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Hải Lăng khoảng 120 ha, trong đó riêng của Công ty CP đến 54 ha.

Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm trên cát gây ra, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người nuôi tôm chấp hành tốt các quy định kỹ thuật, thời vụ và bảo vệ môi trường, ngành NN - PTNT đã đầu tư 1 tỷ đồng từ nguồn vốn phát triển hạ tầng phục vụ nông nghiệp để xây dựng và đưa vào sử dụng công trình xử lý nước thải vùng nuôi tôm ở xã Hải An để thu gom và xử lý nước thải cho 6,7 ha ao nuôi”, ông Dương Viết Hải, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Hải Lăng cho biết.

Cũng theo ông Hải, để việc nuôi tôm trên cát ổn định, giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu gắn với bảo vệ môi trường thì rất cần ý thức của các hộ nuôi tôm cũng như quan tâm đầu tư lớn hơn nữa của nhà nước về cơ sở hạ tầng.

Ở xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong), mấy năm trở lại đây, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng nhanh với tổng diện tích khoảng 75 ha, với sự tham gia đầu tư của nhiều người dân địa phương và cả những người nơi khác đến. Mặc dù vấn đề xử lý môi trường, yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc nuôi tôm đã được các hộ nuôi chú ý nhưng trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng không tuân theo quy trình, quy định, có hộ nuôi vẫn “vô tư” xả thẳng nước thải không qua xử lý ra môi trường gây ra tình trạng ô nhiễm và tiềm ẩn các nguy cơ gây bệnh cho các hồ tôm xung quanh. Đã có thời điểm, bãi tắm ở thôn 3, thôn 4 bị ô nhiễm, bốc mùi hôi nồng nặc do các hồ nuôi tôm xả thải trực tiếp gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Khi được hỏi vì sao không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, một số chủ hồ cho rằng rất muốn có hệ thống lắng lọc xử lý nước thải nhưng kinh phí đầu tư xây dựng tốn kém và nếu chỉ riêng một hai hộ đầu tư mà các chủ hồ xung quanh không làm thì hiệu quả cũng không đến đâu.

Ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, toàn huyện hiện có 440 ha tôm thẻ chân trắng, ở một số xã ven biển, việc phát triển quá nhanh diện tích nuôi tôm dẫn đến phá vỡ quy hoạch cũng như đặt ra nhiều thách thức về bảo vệ môi trường sinh thái.

Để giải quyết tình trạng này, UBND huyện đã và đang chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã tập trung làm tốt công tác quản lý diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng hiện có, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển diện tích nuôi tự phát như trước đây; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường, quản lý và kiểm soát dịch bệnh trong quá trình nuôi để nghề nuôi tôm trên cát của địa phương hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Không thể phủ nhận việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho nhiều hộ nông dân ở các địa phương ven biển, nhưng phát triển con nuôi này một cách tự phát, thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và thiếu ý thức tuân thủ các quy trình kỹ thuật, quy định của người nuôi tôm tất yếu sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường sinh thái.

Khi ô nhiễm môi trường vượt khỏi tầm kiểm soát thì không chỉ người nuôi tôm chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế vì tôm nhiễm bệnh và chết hàng loạt mà sản xuất, sinh hoạt của cả cộng đồng cũng phải gánh chịu nhiều hệ lụy khó lường.


Related news

an-giang-khac-phuc-xong-hau-qua-ca-chet-tren-song-cai-vung An Giang khắc phục xong… ca-com-bao-tu-nhat-1-trieu-kg-giai-ngay-sau-tet Cá cơm bao tử Nhật…