Mô hình kinh tế Nuôi trồng thủy sản nỗ lực vượt khó

Nuôi trồng thủy sản nỗ lực vượt khó

Publish date Thursday. July 30th, 2015

Để đạt được mục tiêu đến cuối năm tổng sản lượng thủy sản cả nước tăng khoảng 1,5% đòi hỏi các ngành, địa phương phải quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ người dân vốn dể duy trì sản xuất, tăng diện tích nuôi thâm canh...

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), nửa đầu năm 2015, tổng sản lượng thủy sản cả nước ước đạt 3,06 triệu tấn. Trong đó, sản lượng NTTS ước đạt 1,83 triệu tấn, tăng 3,3%; khai thác thủy sản ước đạt 1,23 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, nuôi trồng gặp khó khăn do giá cả lên xuống thất thường.

Đặc biệt, diện tích thả nuôi tôm thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014, trong đó diện tích cả nước đã thả 608.754ha, giảm 1,6%; sản lượng thu hoạch là 200.847 tấn, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất cá tra cũng chưa có dấu hiệu hồi phục. Bên cạnh đó, NTTS còn gặp nhiều bất lợi về thời tiết, không thuận lợi cho tôm, cá phát triển, nguồn nước ô nhiễm làm cho dịch bệnh gia tăng, đặc biệt là dịch bệnh trên tôm như đốm trắng, hoại tử gan tụy, đường ruột, phân trắng… phát triển, gây chết tôm nuôi trong thời gian dài trên diện rộng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm mạnh, dao động ở mức 19.500 - 20.000 đồng/kg, trong khi đó giá thành nuôi là 21.000 - 23.500 đồng/kg, như vậy người nuôi đang lỗ nặng. Đây là mức giá thấp nhất từ đầu năm đến nay, chưa kể giá vật tư đầu vào tăng khiến cho người dân và doanh nghiệp chưa mạnh dạn đẩy nhanh tiến độ thả giống nuôi vụ mới. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho ao nuôi cũng chưa tương xứng, sử dụng nguồn giống không qua kiểm dịch và không tuân thủ những quy định về xử lý môi trường… cũng làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Với mục tiêu năm 2015 tổng sản lượng thủy sản đạt 6,4 triệu tấn, từ nay đến cuối năm các địa phương cần giám sát chặt chẽ tình hình nuôi tôm, cá, kiểm tra và hướng dẫn người nuôi tuân thủ quy trình kỹ thuật, lựa chọn và sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt. Việc giá tôm, cá nguyên liệu xuống thấp có ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thả nuôi của người dân nên các tỉnh, thành phố cần cập nhật dự báo về nhu cầu và thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, thông báo tới người nuôi để kịp thời tổ chức sản xuất theo kế hoạch đề ra.

Việc cải tiến và áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng nuôi đặc biệt là hệ thống thủy lợi và xử lý nước, chất thải NTTS đối với những vùng nuôi trọng điểm, vùng nuôi tập trung là rất cần thiết. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần hướng dẫn và khuyến cáo người nuôi tuân thủ các biện pháp phòng bệnh để kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, hạn chế dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, những tháng cuối năm, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu cải thiện, ngành nông nghiệp cần hướng dẫn người dân thả nuôi một cách hợp lý, tăng cường công tác kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, chất cải tạo môi trường, nghiên cứu đa dạng đối tượng nuôi có tiềm năng như cá rô phi, nhuyễn thể, cá nước ngọt… để tăng sản lượng.

Các cơ quan hữu trách cần dự báo tốt nhu cầu về con giống khi điều kiện thời tiết thuận lợi để người sản xuất giống có kế hoạch sản xuất, cung cấp đủ giống bảo đảm chất lượng cho nhu cầu thả nuôi của các địa phương, tránh tình trạng sốt giá cục bộ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho hộ nuôi thực hiện "3 không": Không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường và không xả các loại tôm, cá bị chết, bị bệnh ra ngoài môi trường nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh, gây thiệt hại về kinh tế.


Related news

phap-phong-truoc-mua-tom Phập phồng trước mùa tôm dien-tich-san-xuat-nong-nghiep-gan-voi-bao-tieu-san-pham-ngay-cang-tang Diện tích sản xuất nông…