Mô hình kinh tế Ồ ạt vào rừng hái quả mây bán sang Trung Quốc

Ồ ạt vào rừng hái quả mây bán sang Trung Quốc

Publish date Wednesday. September 23rd, 2015

Trong 4 tháng trở lại đây, khi mùa quả mây chín rộ thì hàng trăm người dân ở các xã Hương Lộc, Hương Sơn, huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đua nhau vào rừng hái về bán cho các thương lái ở địa phương.

Tại nhà bà Tùng, một thương lái thu gom quả mây ở thôn 2, xã Hương Lộc, cứ mỗi buổi chiều có khá đông người dân đến bán quả mây. Có người chỉ xách đến bán 2-3 kg nhưng cũng có người mang tới bán vài chục kg.

Đó là thành quả của một ngày vào rừng tìm kiếm quả mây của những người dân ở huyện Nam Đông bất chấp mưa lớn và các khe suối đầy nước.

Thương lái Nam Đông thường mua quả mây vừa hái từ rừng để bán sang Trung Quốc

Bà Nguyễn Thị H. (trú ở thôn 3, xã Hương Lộc) sau khi bán 25 kg quả mây vừa mới hái từ rừng được trên 2,2 triệu đồng, vui mừng cho biết: “Hôm nay chồng tôi vào rừng gặp chỗ chưa có ai hái nên trúng quả chứ những ngày trước chỉ vài kg là nhiều”.

Ông Hoàng Vinh, một người dân ở thôn 2 xã Hương Lộc thường xuyên vào rừng hái quả mây, cho biết muốn hái được loại quả này thì vào những khu rừng rất sâu, băng qua nhiều con suối, ngọn đồi và nằm ở khu vườn Quốc gia Bạch Mã, huyện Nam Đông.

“Chúng tôi thường đến khu rừng gọi là Khe Trường, phải đi hơn 5 giờ đồng hồ mới tới nơi. Lúc trước chưa có ai thu hái nên quả mây khá nhiều, còn giờ thì ít hơn hẳn”- ông Vinh nói.

Hạt mây khá chắc nên được thương lái thu mua bán sang Trung Quốc để làm đồ trang sức

Quả mây có hình dạng và kích thước giống như quả nhãn, hạt khá cứng, mọc từng chùm trên những bụi mây rất cao, có nhiều gai. Để hái được chúng người dân xã này thường dùng liềm có nối cán dài.

Theo người dân địa phương, hiện nay có khoảng gần 200 người dân thường vào rừng mỗi ngày để hái quả mây mang về bán, trong đó chủ yếu ở xã Hương Lộc. Cả huyện có khoảng 3 thương lái đứng ra thu gom quả mây cho người dân, trong đó bà Tùng là thương lái thuộc dạng lớn nhất nhì huyện.

Bà Tùng cho biết mùa quả mây chín rộ từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Từ mùa vụ năm 2014 đến nay bà Tùng đã bắt mối với những lái buôn ở Hà Nội, Lạng Sơn để thu mua quả mây ở huyện Nam Đông.

Theo thương lái này thì mỗi ngày bà thu mua từ 150 - 300 kg quả mây vừa hái ra từ rừng, cứ 2-3 ngày bà lại đóng gói gửi xe ra Nghệ An bán cho một thương lái người Hà Nội.

“Mỗi lần tôi gửi hàng từ 300 - 400 kg. Ông chủ thu mua của đại lý tôi là người Hà Nội, có lò sơ chế quả mây ở Nghệ An. Những quả mây sẽ được máy bóc vỏ, đánh bóng rồi sau đó bán sang Trung Quốc để làm đồ trang sức. Hạt mây rất chắc nên làm chuỗi đeo rất đẹp, tôi từng thấy người ta đeo rồi” - bà Tùng nói.

Bà Tùng cho biết lúc đầu mùa vụ 2015 thương lái từ Bắc vào đây thu mua khá rầm rộ, ngay cả những quả mây non cũng thu mua nên giá khá cao, có khi lên tới 130.000 đồng/kg. Vì vậy có thời điểm những thương lái ở Nam Đông phải vào tới tận cửa rừng chờ chực người dân đi hái về để mua.

“Thời gian đó tôi thu mua rất nhiều nhưng đột nhiên các thương lái nhập hàng cho Trung Quốc ngừng mua quả mây non nên có ngày tôi lỗ vài triệu đồng. Mặt hàng này mua vào bán ra tôi cũng kiếm được chút đỉnh nhưng liên quan đến Trung Quốc nên mình phải dè chừng, không dám mua ồ ạt vì sợ bị hớ” - bà Tùng thổ lộ.

Cứ vào mỗi buổi chiều người dân xã Hương Lộc lại chở từng bao hạt mây đến bán cho thương lái trong vùng

Ông Nguyễn Viết Trai, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông, khẳng định quả mây thuộc loại lâm sản phụ, việc khai thác của người dân không gây phá rừng nên không vi phạm các quy định bảo vệ rừng. Tuy nhiên, ông Trai khuyến cáo người dân cũng như các thương lái ở Nam Đông nên cẩn trọng khi buôn bán hàng có liên quan đến người Trung Quốc.

“Trước đây ở Nam Đông cũng từng xuất hiện tình trạng mua bán cây mây và hạt sầu đâu rừng (hạt xoan) để bán cho Trung Quốc, nhiều người cũng trả giá do đối tác ngưng thu mua đột ngột dẫn đến thua lỗ”- ông Trai nói.

Trong khi đó, ông Võ Hữu Tuấn, Trưởng phòng Công thương huyện Nam Đông, thừa nhận chưa nắm thông tin về việc thương lái thu mua quả mây để bán sang Trung Quốc diễn ra trên địa bàn huyện. “Chúng tôi đang kiểm tra để có báo cáo gửi Sở Công thương về việc này. Đồng thời có những khuyến cáo với người dân” - ông Tuấn nói.


Related news

tim-cach-thoat-bay-trai-cay-do Tìm cách thoát bẫy trái… ca-phe-viet-nam-truoc-suc-ep-giam-gia-cua-brazil Cà phê Việt Nam trước…