Tin nông nghiệp OM468 thích nghi hạn mặn ở ĐBSCL

OM468 thích nghi hạn mặn ở ĐBSCL

Author Lê Hoàng Vũ, publish date Monday. June 14th, 2021

Giống lúa OM468 đã được khảo nghiệm ở các tỉnh phía Nam, có khả năng thích ứng rộng trên các vùng sinh thái Đông Nam Bộ và ĐBSCL.

Giống lúa OM468 vụ hè thu 2021 tại Trại thực nghiệm Sản xuất giống cây trồng An Phong ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đây là giống lúa mới, sản phẩm hợp tác nghiên cứu giữa Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL và ThaiBinh Seed. Đặc biệt, Công ty Cổ phần giống Cây trồng Đồng Tháp (Doseco) là đơn vị được nhận quyền sản xuất thực nghiệm, khi được công nhận sẽ phát triển rộng giống lúa OM468 trong khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

Qua 2 năm 2019 – 2020, có nhiều bộ giống được trồng khảo nghiệm tại Trại giống An Phong ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) trực thuộc Doseco. Trong đó đã bình chọn được giống OM468, năng suất cao, chất lượng gạo ngon, chống chịu sâu bệnh tốt, chống chịu tốt với hạn, phèn để tiếp tục khảo nghiệm trong năm 2021 và mở rộng diện tích sản xuất thử ở nhiều nơi nhằm đánh giá khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện thời tiết biến đổi khí hậu, năng suất, chất lượng của giống mới này.

Vụ đông xuân 2020 - 2021, Doseco đã triển khai trồng thử nghiệm giống lúa OM468 ở nhiều khu vực khác nhau ở ĐBSCL và Đông Nam Bộ nhằm đánh giá những đặc tính của giống lúa này. Qua đánh giá của nông dân trồng thử nghiệm, giống lúa này ít sâu bệnh, cuối vụ cho năng suất vượt mong đợi, được thương lái và công ty lương thực chấp nhận, gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Giám đốc Trại Thực nghiệm An Phong cho biết: Giống lúa OM 468 đã được Tập đoàn ThaiBinh Seed và Doseco trồng thực nghiệm ở trại từ nhiều vụ. Riêng vụ hè thu năm nay, trại đã trồng giống OM468 hiện đã gần 30 ngày tuổi, lúa xanh tốt, nở bụi và đặc biệt lúa đến thời điểm này chưa có dấu hiệu xuất hiện sâu bệnh.

Ông Lê Phương Quan ở xã Châu Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) vụ đông xuân 2021 vừa rồi được thăm quan mô hình giống lúa OM468 tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh Hạ (Cà Mau), một vùng đất phèn, lúa trỗ xong không bơm được nước lên ruộng vì nước bị nhiễm phèn nặng, tuy nhiên lúa vẫn xanh tốt.

Ông Quan ấn tượng giống OM468 bởi khi trỗ bông rất đẹp, bông to dài, tỷ lệ chạt chắc cao, lúa chín đến thời kỳ thu hoạch nhưng bộ lá đòng đẹp, màu vàng chanh, không bị tàn lá như các giống khác, năng suất cao hơn đối chứng 30%. Vì vậy vụ hè thu 2021, ông mạnh dạn trồng thử 9 ha giống OM468, hiện nay trà lúa OM468 của gia đình ông Quan được 20 ngày tuổi, cây bự, bộ lá đẹp, nở bụi mạnh.

Còn anh Phạm Vũ Quốc Bảo, ở xã Tân An, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cho biết: Vụ hè thu năm nay, gia đình chọn giống OM468 thông qua Công ty Cổ phần Tập Đoàn ThaiBinh Seed đã nhiều lần trình diễn các mô hình trồng lúa ở trong xã. Thấy kết quả lúa đạt năng suất cao nên anh đã chọn giống lúa này canh tác trên diện tích 5 ha. Hiện nay trà lúa OM468 của gia đình anh Bảo được hơn 50 ngày tuổi, phát triển rất khỏe, cứng cây, bộ lá đứng có màu xanh đậm và đặc biệt hơn đến thời điểm này anh chỉ phun ngừa 2 lần thuốc trừ sâu và nấm bệnh.

Theo anh Bảo, giống lúa OM468 ưng ý nhất là giảm chi phí phân và thuốc BVTV từ 15-20% so với các giống khác. Theo tính toán của anh, thay vì trước đây sử dụng giống lúa khác, ở giai đoạn từ 50 - 55 ngày tuổi phải tốn chi phí bón phân từ 60 - 65 kg/công (công 1.300 m2), còn nay trồng giống lúa OM468 rất nhẹ phân, đến thời điểm này anh Bảo chỉ bón 42 - 45 kg/công mà lúa vẫn xanh tốt, lúa ít sâu bệnh. 

Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Doseco cho biết: Qua nhiều vụ trồng thử nghiệm giống lúa OM468 ở các tỉnh ĐBSCL cho thấy, giống OM468 có ưu điểm thời gian sinh trưởng ngắn 90 – 95 ngày, thích hợp 3 vụ/năm. Tỷ lệ gạo nguyên cao 61,3%, hạt gạo dài 6,7 - 6,9 mm, amylose 16 – 17,7% , hạt gạo đẹp, thon dài, trong, có mùi thơm nhẹ, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên giống lúa OM468 còn rất mới với bà con nông dân trong vùng. Hiện giống đang trong quá trình khảo nghiệm và hoàn thiện các thủ tục xin Bộ NN-PTNT công nhận. 

Qua theo dõi cho thấy, giống OM468 rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh ĐBSCL, vùng Đông Nam Bộ nói chung. Giống có rất nhiều triển vọng, đem lại lợi ích kinh tế cho bà con nông dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, khi cây lúa ở giai đoạn trưởng thành có chiều cao từ 95 - 100 cm, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, chịu phèn và chịu hạn khá, chống chịu sâu bệnh tốt (nhất là đạo ôn và rầy nâu). Lúa ít bị đổ ngã, trổ bông to, tập trung, không bị lem lép hạt. Năng suất bình quân đạt từ 6 - 8 tấn/ha lúa khô. Sản phẩm sau thu hoạch rất dễ bán và giá bán cao.


Related news

nguy-co-xam-nhap-benh-lun-soc-den Nguy cơ xâm nhập bệnh… phu-thuy-ghep-ca-phe Phù thủy ghép cà phê