Mô hình kinh tế Ông trùm nuôi trâu vùng rốn phèn

Ông trùm nuôi trâu vùng rốn phèn

Author Chúc Ly, publish date Monday. November 28th, 2016

Hơn chục năm ròng mải mê với đàn trâu rồi làm giàu cũng từ đó, anh Nguyễn Hồng Ngự (xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) được mọi người đặt biệt danh là trùm nuôi trâu miền Tây”.

Khỏe re

Trời vừa hửng sáng, chúng tôi theo anh Ngự ra đồng nhìn những chú trâu đen bóng hả hê vùi mình vẫy vùng trong bùn lầy. Chia sẻ với chúng tôi, anh Ngự cho biết: “Con trâu rất thích ở ngoài đồng để ngâm mình dưới nước nên hầu như cả ngày phải thả lang, đến chiều mới dắt về chuồng. Nuôi trâu thấy vậy chứ không cực mà trái lại còn khỏe hơn nuôi những con vật khác. Vì con trâu rất dễ tính, thức ăn chính là cỏ tươi, chỉ cần mình cung cấp đủ lượng cỏ cần thiết, còn lại hầu như không phải tốn công chăm sóc gì nhiều”.

Trong ảnh: Anh Ngự có thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng/năm nhờ nuôi trâu. Ảnh: C.L 

Hiện anh Ngự đã có trong tay 68 con trâu đực; gần 50 con trâu cái, trong đó có 40 con đang sinh sản, mỗi năm cho thêm từ 20-25 con nghé. Chỉ tính riêng thu nhập từ việc bán nghé, anh thu về khoảng 400 triệu đồng/năm.

Quan sát đàn trâu đang tắm mát, anh Ngự bồi hồi kể: “Hồi trước vùng này đất đai khắc nghiệt, bị nhiễm phèn nặng nên làm lúa một năm chỉ được vài trăm kg/công, làm không đủ sống.

Với hơn 2ha đất nông nghiệp, tôi vừa làm lúa vừa tích lũy mua được 2 con trâu đực và 2 con cái để nuôi thử. Sau một thời gian nuôi, tôi nhận thấy nuôi trâu rất dễ, nuôi trâu cái lại sinh lời cao nên quyết định tậu thêm 2 con trâu cái để nhân giống”.

Kể từ đó, anh Ngự tập trung chăm sóc, gây đàn. Từ 4 con trâu cái ban đầu, dần dần đàn trâu sinh sôi nảy nở. Đến năm 2004, số lượng đàn trâu của gia đình anh Ngự đã lên đến hàng chục con. Lúc này, anh chuyển hẳn sang nuôi trâu, dùng toàn bộ diện tích đất hiện có để trồng cỏ, nhằm cung cấp đủ thức ăn cho đàn trâu.

Thành tỷ phú nhờ nuôi trâu

Khi đàn trâu sinh sôi nảy nở, để “giải phóng” số trâu đực dôi dư, anh Ngự làm dịch vụ cho thuê trâu đực với giá 6 triệu đồng/con/năm. Theo anh Ngự, người ta thuê trâu đực chủ yếu  để kéo rơm. Đến cuối năm anh nhận trâu về, vừa không mất công chăm sóc trong 1 năm, vừa thu được lợi nhuận.

Bên cạnh bán trâu giống, cho thuê trâu đực, anh Ngự còn cho ra thị trường mỗi năm khoảng 20 con trâu thịt. Hiện tổng đàn trâu của anh Ngự khoảng 120 con, mỗi năm cho thu nhập trung bình khoảng 1,2 tỷ đồng.

Để giúp đỡ cho những hộ có ít đất sản xuất, hoàn cảnh khó khăn, anh Ngự còn cho mượn 40 con trâu cái. “Tôi áp dụng hình thức giao trâu và chia đôi lợi nhuận, tức là ban đầu tôi cho họ mượn 1 con trâu cái, sau một thời gian chăm sóc con trâu này sẽ đẻ con, giá trị con nghé này được chia đôi. Bằng cách này, đã có nhiều hộ cải thiện được cuộc sống gia đình” – anh Ngự cho hay.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Ngự bộc bạch: “Ban đầu tôi cũng không nghĩ mình sẽ mở rộng đàn trâu nhiều như vậy. Nhưng trong quá trình nuôi, tôi nghiệm ra rằng nuôi trâu đem lại lợi nhuận cao, chỉ cần mình cần cù và tiêm ngừa đầy đủ thì trâu phát triển rất tốt, không bệnh tật gì. Có được con trâu trong nhà xem như có tài sản lớn”. 


Related news

nuoi-ga-sieu-trung-thu-nhap-2-trieu-dong-ngay Nuôi gà siêu trứng, thu… tu-hai-ban-tay-trang-tro-thanh-chu-cua-dan-bo-gan-300-con Từ hai bàn tay trắng…