Mô hình kinh tế Ông Võ Văn Hoàng 20 Năm Gắn Bó Với Nghề Ương Cá Giống

Ông Võ Văn Hoàng 20 Năm Gắn Bó Với Nghề Ương Cá Giống

Publish date Tuesday. September 23rd, 2014

20 năm qua, trải qua không ít thăng trầm, nhưng ông Võ Văn Hoàng (ấp Cửu Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vẫn kiên trì, bám trụ và gắn bó với nghề ương, dưỡng cá giống, cá kiểng do sự đam mê cũng như những hiệu quả thiết thực do nghề này mang lại.

Ông Hoàng cho biết, ông đến với nghề ương cá giống từ năm 1995. Lúc đầu, ông ương, dưỡng ra nhiều loại cá giống nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường theo từng thời điểm, bao gồm: tai tượng, cá tra, cá phi, điêu hồng, thác lác cườm, cá dĩa... Hiện tại, xuất phát từ nhu cầu thực tế, ông tập trung ương, dưỡng 3 dòng cá chủ lực gồm: tai tượng, bạch tượng và cá Ông Tiên.

Nhu cầu thị trường cá tai tượng hiện khá ổn định và có chiều hướng tăng do hầu hết các quán ăn, nhà hàng đều sử dụng phổ biến loại thực phẩm này. Để sản xuất cá tai tượng giống, ông mua cá bột từ các cơ sở cá giống ở huyện Cai Lậy về dưỡng từ 1 - 1,5 tháng tuổi, khi cá đạt kích cỡ 8 mm - 1 cm (bề ngang chỗ lớn nhất), ông xuất bán với giá từ 700 - 750 đồng/con.

Đối với cá bạch tượng, ông đầu tư khoảng 40 cặp cá bố mẹ để sản xuất cá bột và dưỡng lớn để bán. Khi cá đạt kích cỡ 6 - 8 mm (trên 1 tháng tuổi), ông bán với giá 1 ngàn đồng/con; nếu đạt 10 cm (4 tháng tuổi), ông bán với giá 5 - 6 ngàn đồng/con. Với loại cá kiểng Ông Tiên, sau khi dưỡng 4 tuần tuổi, cá đạt kích cỡ 2 cm, ông bán với giá 2 ngàn đồng/con.

Hiện nay, do nguồn thức ăn tự nhiên như trứng nước, trùn chỉ… ngày càng khan hiếm, ông đã nghiên cứu sử dụng loại thức ăn bột dùng cho tôm để cho cá bột, cá giống ăn nhằm giúp giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo tính toán của ông, cứ 1.000 con cá giống (20 ngày tuổi), nếu sử dụng trùn chỉ, chi phí 1 ngày khoảng 20 ngàn đồng trong khi nếu dùng thức ăn bột, mỗi ngày chỉ tốn khoảng 3 - 5 ngàn đồng (giá thành sản xuất giảm 200 - 300 đồng/con).

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của ông, sử dụng thức ăn bột, tỷ lệ cá bột hao hụt từ 30 - 40% (tùy theo ương trên bạt hay dưới ao); đồng thời phải hết sức chú ý không để thức ăn thừa nhiều làm hư nước, cá dễ bị nhiễm bệnh.

Trong năm 2013, ông xuất bán 200 ngàn con cá tai tượng giống, 10 ngàn con bạch tượng và 20 ngàn con cá Ông Tiên các loại, với lợi nhuận đạt từ 40 - 50% nguồn vốn bỏ ra. Với 3.000 m2 đất ban đầu, ông vừa mua thêm 2.000 m2 đất liền kề để mở rộng quy mô sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường cá giống đang gia tăng.


Related news

thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-trong-nong-nghiep Thích Ứng Với Biến Đổi… lan-dau-tien-xuat-khau-hat-tieu-dat-tren-1-ty-usd Lần Đầu Tiên Xuất Khẩu…