Tin nông nghiệp Phá Đáy chưa thoát đáy nghèo khó

Phá Đáy chưa thoát đáy nghèo khó

Author Công Kiên, publish date Monday. February 1st, 2016

Đường đã về bản, nước đã về ruộng, đặc biệt người Phá Đáy đã biết cái chữ và dần xóa mặc cảm tự ti...

Cuối năm, có dịp lên xứ sở hương trầm Quỳ Châu, chúng tôi chợt nhớ tới Phá Đáy - nơi một thời đã bị lãng quên.

Ghé vào ngôi nhà sàn đầu bản, chủ nhà là ông Lô Thái Bình đã cư trú ở đây hơn 20 năm và cũng từng làm trưởng bản, cho hay: Phá Đáy theo tiếng Thái nghĩa là bậc thang leo lên núi đá.

Ở đây núi non điệp trùng bao bọc, tạo nên một thung lũng tách biệt với xung quanh, muốn vào Phá Đáy phải vượt qua eo núi.

Người ta đã làm những bậc thang bằng gỗ, nối thành từng đoạn để leo lên, gian nan và hiểm trở nên không mấy ai bước chân đến thung lũng này.

Chỉ có những người bị mắc bệnh phong tìm đến đây cư ngụ, một phần do mang nặng mặc cảm tự ti, phần khác do cộng đồng chưa biết nhiều về căn bệnh này nên hắt hủi, xa lánh.

Rồi được nhà nước quan tâm, một con đường đã được mở, nối thông Phá Đáy với thế giới bên ngoài.

Từ đó, nhiều người tìm đến thung lũng này để sinh cơ lập nghiệp, hình thành nên bản làng...

  So với cái thời leo vách núi bằng thang gỗ, cuộc sống ở Phá Đáy giờ đây đã có thể xem là “thiên đường”, mọi thứ đã gần như hoàn toàn thay đổi chỉ trong vòng 5 năm.

Tin rằng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Phá Đáy sẽ có một tương lai tươi sáng hơn... 

Phá Đáy trước đây chỉ có chưa đầy 10 hộ gia đình có người mắc bệnh phong cư trú.

Từ khi con đường được mở (năm 2011), thung lũng Phá Đáy đã tăng lên 40 hộ (125 khẩu), chủ yếu là người dân tộc Thái sinh sống.

Nhờ có đường giao thông thuận lợi, đất đai màu mỡ, cuộc sống ở Phá Đáy đang từng ngày khởi sắc...

Thiếu điện - thiếu động lực 

Người Phá Đáy giờ không còn lo thiếu cái ăn, cái mặc, cái chữ cho con trẻ cũng được thường xuyên chăm lo.

Tuy nhiên, Trưởng bản Vi Thị Duyết chia sẻ: “Sau chừng ấy năm, người Phá Đáy đã xóa được đói nhưng vẫn chưa giảm được nghèo. Cái nghèo vẫn luôn là nỗi trăn trở của dân bản”.

Hiện, 40 hộ gia đình ở Phá Đáy đều thuộc diện hộ nghèo, mức thu nhập bình quân dưới 700.000 đồng/người/tháng, hầu hết bà con đang sinh sống trong những ngôi nhà tạm.

Đất đai tuy màu mỡ, con đường đã nối thông Phá Đáy với bên ngoài nhưng cái nghèo vẫn còn bám riết lấy người dân.

Bà Duyết cho rằng, nguyên nhân cái nghèo đeo đẳng là do bà con chưa tìm được cây trồng vừa thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, vừa có thị trường tiêu thụ.

Phá Đáy từng đưa cây ngô vào sản xuất đại trà và đạt năng suất cao, nhưng thu hoạch xong chỉ bán được cho những hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Mấy năm nay, bà con chuyển sang trồng mía, khâu tiêu thụ khá hơn vì có nhà máy đường bao tiêu sản phẩm, thương lái vào tận nơi thu mua.

Tuy nhiên, thời gian sinh trưởng của cây mía kéo dài, phải đầu tư nhiều công sức chăm bón, trong khi nhân lực không đủ nên bà con phải thuê mướn, dẫn tới lãi ít.

“Thêm nữa, đến nay Phá Đáy vẫn chưa có điện lưới quốc gia, bà con phải sử dụng đèn dầu rất tù mù, chỉ một vài hộ dùng thủy điện nhỏ.

Thiếu điện đang là lực cản không nhỏ trong hành trình thoát nghèo của người dân Phá Đáy...” - bà Duyết nói.


Related news

nguoi-sai-gon-san-chau-buoi-dien-gia-hang-chuc-trieu-choi-tet Người Sài Gòn săn chậu… vua-heo-lon-nhat-mien-trung-moi-ngay-ban-ca-nghin-con Vựa heo lớn nhất miền…