Mô hình kinh tế Phá Vỡ Vùng Ngọt Vì Con Tôm

Phá Vỡ Vùng Ngọt Vì Con Tôm

Publish date Saturday. July 27th, 2013

Trong tiến trình phát triển nông nghiệp, tỉnh Cà Mau chia thành 2 vùng kinh tế chủ đạo mặn và ngọt. Tuy nhiên, thời gian qua, khi cây trồng chủ đạo của vùng ngọt là lúa lại không mang đến lợi nhuận cho người dân thì vật nuôi mũi nhọn vùng mặn là con tôm có xu hướng lấn áp.

Nhiều hộ dân trong vùng ngọt của huyện Thới Bình và U Minh đang lén lút đưa nước mặn vào đồng lúa để thực hiện ước mơ làm giàu.

Cho là lợi nhuận cao hơn, lao động lại nhàn hơn cây lúa nên mặc cho sự ngăn cản của chính quyền địa phương, người dân cứ lén lút đưa nước mặn vào vùng sản xuất lúa để nuôi tôm. Việc làm ấy đang khiến cho vùng quy hoạch ngọt hoá đứng trước nguy cơ bị phá vỡ và tạo ra sự mâu thuẫn giữa người trồng lúa và người nuôi tôm.

Phá vỡ quy hoạch

Tình trạng trên hiện đang diễn ra tại ấp kinh 5B, ấp Đầu Nai và một phần ấp Giao Khẩu của xã Tân Phú, huyện Thới Bình.

Ông Dương Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết: Khi người dân mới bắt đầu đưa cơ giới vào ruộng và lên bờ bao, chính quyền địa phương có can ngăn, nhưng họ nói lên liếp để làm mô hình lúa - cá và tiện cho việc tháo úng xổ phèn.

Thế nhưng, không bao lâu họ lại lén đưa nước mặn vào nuôi tôm. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn xã có gần 170 ha đất trồng lúa 2 vụ bị người dân tự ý đưa nước vào nuôi tôm.

Tại địa bàn xã Tân Lộc Bắc, tình trạng cũng tương tự. Điều đáng lo ngại hơn là tình trạng người dân tự đưa nước mặn vào nuôi tôm lại nằm ngay khu vực quy hoạch cánh đồng mẫu lớn của xã thuộc địa phận các ấp: 1, 3 và 4.

Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc, chia sẻ: Trong lúc xã đang nỗ lực kiến nghị Chi cục Thuỷ lợi đầu tư 2 trạm bơm để mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn thì xảy ra tình trạng trên. Sau khi xã tiến hành đến tận nhà mời những hộ dân tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm để tuyên truyền, vận động thì tình hình tạm ổn, nhưng không biết họ có tái diễn không.

Với lợi nhuận quá chênh lệch giữa con tôm và cây lúa, hiện nay việc giữ được diện tích lúa 2 vụ là một điều vô cùng khó khăn. Ông Tuấn cho biết thêm, xã thành lập một đoàn công tác đặc biệt gồm tất cả các ban, ngành, đoàn thể của xã đến tận nhà vận động người dân.

Ngoài tuyên truyền, xã còn tiến hành xử lý kiên quyết các trường hợp cố tình vị phạm. Tuy nhiên, vô cùng khó do họ cố tình và lén lút làm vào ban đêm. Đồng thời, một hộ nuôi hộ kế bên lại lợi dụng nói đất đã bị nhiễm mặn nên tiếp tục cho nước mặn vào. Cứ thế diện tích ngày một lớn dần.

Tại địa bàn xã Khánh Hội, huyện U Minh, tình trạng người dân tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm cũng đang diễn ra từng ngày và có nguy cơ lan rộng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, ấp 5, xã Khánh Hội, lý giải: Do triều cường những năm trước làm đất nhiễm mặn, đồng thời hộ kế bên đưa nước mặn vào nuôi nên không thể tiếp tục làm ruộng, buộc ông phải chuyển sang nuôi tôm.

Thiếu cơ chế xử lý triệt để

Trước tình trạng người dân tự ý đưa nước mặn vào vùng lúa 2 vụ, ông Huỳnh Quốc Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, kiến nghị với UBND tỉnh xin được chuyển trên 1.000 ha đất trồng lúa 2 vụ sang 1 vụ lúa - 1 vụ tôm, tuy nhiên không được tỉnh chấp thuận.

Trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi có ý kiến chỉ đạo vấn đề trên. Theo đó, tuyệt đối không để tình trạng trên tiếp diễn để bảo đảm giữ vững diện tích hiện tại và chú trọng tăng năng suất lúa, nâng cao lợi nhuận cho người dân.

Tuy nhiên, khắc phục tình trạng này là không dễ. Theo ông Phước, xã đã lập đoàn công tác để ngặn chặn tình trạng này, có khi phải đi tuần cả vào ban đêm, nhưng cái khó hiện nay là không có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để. Ngoài tuyên truyền vận động, phạt hành chính và bắt người dân tháo nước, viết cam kết thì không còn cách nào khác hơn.

Để giữ được diện tích lúa 2 vụ, ông Phước cho rằng, cần có nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ người trồng lúa, nhất là tạo được đầu ra ổn định cho hạt lúa. Ngoài ra, cần tạo ra thế cân bằng lợi nhuận giữa cây lúa và con tôm.

Hiện nay đã có hỗ trợ nhưng với mức 500.000 đồng cho 1 ha đất lúa 2 vụ và 100.000 đồng cho đất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm thì vẫn chưa tạo được động lực cho người trồng lúa. Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, việc giữ diện tích lúa 2 vụ là cần thiết nhưng nên đổi chỉ tiêu diện tích sản xuất lúa hằng năm sang chỉ tiêu sản lượng.

Tuy hiện nay chưa thể xác định được cây lúa hay con tôm sẽ mang lại lợi nhuận lâu dài cho người dân, nhưng trước mắt, việc tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm trên vùng ngọt sẽ tạo ra cánh đồng “da beo” ở vùng đất lúa 2 vụ, và một điều không thể tránh khỏi là mâu thuẫn giữa người trồng lúa và người nuôi tôm. Đặc biệt, sẽ phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế nông - lâm - ngư của tỉnh.


Related news

thuc-an-tang-gia-nguoi-nuoi-ca-gap-kho Thức Ăn Tăng Giá, Người… nuoi-lon-tren-nen-dem-lot-sinh-hoc Nuôi Lợn Trên Nền Đệm…