Mô hình kinh tế Phải Thay Đổi Tư Duy Xây Dựng Nông Thôn Mới

Phải Thay Đổi Tư Duy Xây Dựng Nông Thôn Mới

Publish date Wednesday. June 26th, 2013

TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh như vậy tại buổi giao lưu trực tuyến “Tiếp sức cho nông dân” do Báo điện tử Dân Việt - Báo NTNN tổ chức cuối tuần qua. Rất nhiều bạn đọc đã gửi câu hỏi đề cập đến Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Không nên chỉ chú trọng vào các tiêu chí

Bạn đọc Trần Đình Vương - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) hỏi: Qua 2 năm xây dựng NTM cho thấy đã bộc lộ một số bất cập giữa hướng dẫn của bộ chủ quản và Bộ tiêu chí NTM tại Quyết định số 800 của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện. Xin hỏi các chuyên gia có thể “mềm hóa” bộ tiêu chí này được không? Không chỉ tỉnh mà các huyện cần có bộ tiêu chí riêng cho phù hợp từng địa phương có được không?

Trả lời câu hỏi này, TS Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết: “Các tiêu chí đặt ra trong Chương trình NTM, theo tôi nhằm tạo ra những mốc phấn đấu và thước đo để xác định tiến độ của chương trình chứ không nhất thiết là các mục tiêu cứng để bắt buộc tất cả các địa phương phải nhất nhất làm theo.

Hiện nay, các cơ quan chỉ đạo đã đồng ý, thống nhất mềm hóa chỉ tiêu này bằng cách điều chỉnh những chỉ tiêu không hợp lý và phân cấp các cấp quản lý ở địa phương là xác định khung tiêu chí cho địa bàn của mình. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm vụn các tiêu chí này đến cấp huyện.

Ông Sơn cho rằng: Chương trình xây dựng NTM muốn thành công thì phải được đánh giá bằng sự thay đổi trong tư duy của mỗi cán bộ đảng viên và nhân dân để tự chủ và quyết tâm thay đổi cuộc sống của mình. Một địa phương có thành công trong chương trình này hay không tùy thuộc vào khoảng cách từ điểm xuất phát bao xa về phía phát triển, chứ không phải là khoảng cách gần hay xa đến tiêu chí đặt ra.

Bạn đọc Bình Phú (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội) băn khoăn rằng có những xã được chọn làm điểm xây dựng NTM được đầu tư rất nhiều tiền. Riêng xã Bình Phú, đường thôn xóm lát gạch cách đây hàng chục năm đã hỏng, rác thải thì vứt bừa bãi, chưa có nơi thu gom. “Khi chúng tôi hỏi chính quyền xã thì được biết xã tôi không phải là xã điểm nên không được rót kinh phí để làm NTM. Vậy theo TS Sơn, dân chúng tôi muốn hỗ trợ kinh phí để làm đường ngõ xóm thì phải làm thế nào?”- bạn đọc Bình Phú hỏi.

TS Đặng Kim Sơn khẳng định: Do khả năng hạn chế của ngân sách nhà nước và năng lực quản lý của chính quyền các cấp nên chủ trương chung là trong giai đoạn ban đầu chỉ chọn 1/5 số các xã ở địa phương để làm thí điểm trước. Ở một số địa phương có điều kiện như tỉnh Quảng Ninh thì quyết định làm luôn một lúc ở tất cả các xã.

Song không phải ở tỉnh nào cũng có được điều kiện như vậy. “Điều quan trọng là chính quyền và tổ chức Đảng ở các địa phương khác cần có biện pháp để huy động nhân dân tham gia vào chương trình phát triển NTM với các mức độ khác nhau tùy theo năng lực mỗi nơi”- ông Sơn nói

Nâng cao vai trò của Hội Nông dân

Bạn đọc Nguyễn Hoàng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hỏi: Thời gian qua, việc triển khai xây dựng NTM diễn ra khá rầm rộ và được người nông dân tích cực tham gia. Tuy nhiên, hiện nay vai trò của Hội Nông dân cấp xã đối với Chương trình NTM chưa thật sự rõ ràng. Vậy xin hỏi, Hội Nông dân có những vai trò gì trong xây dựng NTM?

TS Nguyễn Duy Lượng- Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã giải đáp rất cụ thể về vai trò của Hội Nông dân đối với việc thực hiện Chương trình NTM. Đó là: Tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện chương trình trong hệ thống hội và cán bộ hội viên; Tham gia quy hoạch, giám sát; Tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn, hướng dẫn và hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất; Dạy nghề cho nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần giải quyết việc làm...

TS. Đặng Kim Sơn nêu quan điểm: “Việc thay đổi nếp sống trong mỗi gia đình, việc phối hợp quản lý xã hội, quản lý tài nguyên từ những việc cụ thể như xây dựng nếp sống văn minh, chống lại nạn rượu chè, bạo hành trong gia đình, khuyến khích con em học hành, làm vệ sinh trong ngõ xóm... là những việc mà chúng ta có thể làm được ngay và phải làm để cải thiện cuộc sống của chính chúng ta, không cần có sự hỗ trợ và đầu tư từ nhà nước. Đây mới là việc căn bản nhất của chương trình NTM”.

Bạn đọc Nguyễn Văn Việt (Hà Tĩnh) phản ánh: Thời gian qua, chính sách ưu tiên vay vốn để phát triển sản xuất nang cao thu nhập của người dân (tiêu chí 10) trong xây dựng NTM ở Hà Tĩnh áp dụng theo chính sách của tỉnh thông qua các Quyết định 24, 26... nên nguồn vốn vay không lớn.

Trong khi đó Chính phủ chưa có chính sách riêng về vấn đề này. Bạn đọc đặt câu hỏi với các nhà hoạch định chính sách là tới đây có thể phân tách riêng biệt giữa tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp (DN) trong nông nghiệp với các DN ở các lĩnh vực khác để có chính sách nhằm thúc đẩy nông nghiệp được phát triển không?

Về câu hỏi này, TS Đặng Kim Sơn cho hay: Vừa qua, Nhà nước đã ban hành Nghị định 61 để khuyến khích các DN trong lĩnh vực nông nghiệp với các DN khác. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói mức độ khuyến khích cho các DN đầu tư vào nông nghiệp và kinh tế nông thôn chưa thực sự đủ mức hấp dẫn... Rõ ràng, trong thời gian tới ngân hàng nhà nước và các cơ quan hữu quan cần xây dựng hệ thống chính sách để tạo nên vị thế công bằng và nếu được thì dành ưu tiên cho các DN nông nghiệp, cho các HTX và cả cho nông dân.

Ông Sơn cho biết thêm, Bộ NNPTNT đã xây dựng một tổ công tác để phối hợp các định chế tài chính tìm cách cải thiện điều kiện và chính sách tín dụng cho DN và nông dân theo cách tiếp cận liên kết đối tác công- tư (PPP).


Related news

doi-doi-nho-ngo-lai Đổi Đời Nhờ Ngô Lai giup-nong-dan-doi-thay-nep-nghi-cach-lam Giúp Nông Dân Đổi Thay…