Phân bón Lâm Thao Làm nên “kỳ tích” ở Thanh Xá
“Phân bón của đồng chí rất tốt!”. Nhận xét vừa pha chút hài hước, vừa rất thật của bà Hoàng Thị Minh Luyến – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xá, huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) khi nói về hiệu quả sử dụng quy trình bón phân khép kín của Lâm Thao trên cây ngô khiến các đại biểu dự hội nghị đều bật cười…
Trong ảnh: Bón phân Lâm Thao, cây ngô cho năng suất cao. Ảnh: Tư liệu
Thanh Xá – một xã mà theo lời ông Lê Xuân Dung - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Ba là nghèo nhất nhì huyện, đa số diện tích đất là chiêm trũng, không khô cằn thì cũng lầy thụt, có chỗ trũng phải ngang thân con trâu. Do điều kiện canh tác khó khăn nên người dân nơi đây thường chỉ làm được một vụ thuận lợi, hiệu quả kinh tế không cao. Ấy vậy mà hôm diễn ra “Hội nghị tổng kết mô hình trình diễn bón phân NPK Lâm Thao khép kín trên cây ngô vụ đông 2016” tổ chức ngày 28.12 vừa qua, hội trường chưa đầy 40m2 của UBND xã lại chật kín người. Bà Luyến chia sẻ với chúng tôi rằng: “Chuyện này thật hiếm, vì từ xưa đến nay vận động bà con thực hiện theo các tiến bộ khoa học kỹ thuật khó lắm, chủ yếu là những người lớn tuổi tiếc đất thì làm ruộng, còn lao động trẻ, khoẻ mạnh ở Thanh Xá đã đi làm khu công nghiệp hết rồi…”.
Bón phân đúng cách, năng suất ngô vượt trội
Trước ngày tổ chức hội nghị tổng kết mô hình 3 ngày, bà Luyến cử mấy đồng chí trong tổ khuyến nông của xã ra ruộng bóc bi ngô. Vì ruộng thực hiện mô hình nằm ngay sát cung đường bê tông to nhất của xã, lại được cắm biển chỉ dẫn nên nhìn từ xa rất bắt mắt, thu hút nhiều bà con đến tham quan. Khỏi phải nói, ai cũng trầm trồ, tấm tắc vì gần như 100% các bắp đều “vút chu” (từ địa phương chỉ năng suất cao), năng suất dự kiến xấp xỉ 2,3 tấn/sào, một con số mà theo bà Luyến, chưa bao giờ Thanh Xá đạt được.
Bà Luyến tâm sự tại hội nghị: “Đồng đất Thanh Xá đã kém, diện tích đất lại không tập trung, rải rác quanh đồi nên ngay từ đầu, việc quy hoạch 1ha đất ruộng để làm mô hình đã là rất khó khăn, người muốn làm thì không có ruộng, người có ruộng thì không muốn làm… Tuy nhiên, việc vận động bà con làm theo đúng quy trình còn khó khăn, hơn nữa tập quán ưa bón đạm vẫn không thể thay đổi, chỉ một số ít hộ là thực hiện đúng. Kết quả khác biệt rõ rệt giữa các ruộng lần này là một minh chứng sát thực nhất trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh cho năng suất cao… Đồng chí Thành ạ, phải nói là phân bón của đồng chí rất tốt!” (ông Phạm Đức Thành – Phó Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao – PV).
Theo như tìm hiểu của chúng tôi, trong số 13 hộ tham gia thực hiện mô hình lần này, chỉ có 3 hộ thực hiện theo đúng quy trình mà Lâm Thao hướng dẫn. Các hộ khác vì sốt ruột đã bón thêm “vài cân đạm, bổ sung thêm tí kali”. Tuy nhiên, sâu bệnh ở các ruộng đó xuất hiện nhiều hơn, mà nhìn hạt ngô không được chắc mẩy như ở ruộng bón theo đúng quy trình.
Không phải cứ bón nhiều phân sẽ cho năng suất cao
Bón phân NPK của Lâm Thao, bà con cần đặc biệt lưu ý phải kiên trì, vì các sản phẩm NPK đều được công ty vê viên, tạo hạt và sấy khô nên có độ cứng nhất định, hạt phân sẽ tan từ từ nên không “bốc” nhanh như bón đạm. Tuy nhiên, hiệu quả là độ xanh của lá bền màu và đặc biệt cây rất chắc khỏe…”. Ông Phạm Đức Thành – Phó Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao
Năng suất cây trồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố phân bón là không thể thiếu được, đầu tư càng nhiều thì năng suất càng cao. Tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp cũng đã chứng minh được rằng: Năng suất chỉ đạt đến một ngưỡng nhất định, khi đạt đến mức cao nhất, việc bón nhiều phân không những vừa lãng phí, gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường… mà còn làm năng suất cây trồng giảm sút. Bởi vậy, việc bón phân cho cây cần phải tuyệt đối thực hiện theo nguyên tắc đúng và đủ.
Các sản phẩm của Lâm Thao là thành quả của sự kết hợp lâu dài giữa Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao với các chuyên gia về phân bón và nông hóa thổ nhưỡng hàng đầu Việt Nam, đã nghiên cứu, tính toán đưa ra thị trường loại phân và lượng phân phù hợp cho 1 đơn vị diện tích canh tác, giúp cây trồng có thể đạt được năng suất tối đa.
Ưu điểm vượt trội của các sản phẩm NPK Lâm Thao thế hệ mới M1 là ngoài các thành phần dinh dưỡng chính như đạm, lân, kali như trên bao bì công bố, còn được bổ sung thêm rất nhiều dinh dưỡng trung, vi lượng cần thiết như Mg, Ca, Si… giúp tăng chất lượng của nông sản. Đặc biệt, thành phần lân gồm 2 loại: Supe lân tan trong môi trường nước và lân nung chảy tan trong môi trường axit yếu do rễ cây tiết ra, bởi vậy các sản phẩm NPK Lâm Thao được ví như một nhà kho dự trữ chất dinh dưỡng cho cây, cung cấp từ từ theo nhu cầu của cây.
Ông Phạm Đức Thành – Phó Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao nhấn mạnh: “Bón phân NPK của Lâm Thao, bà con cần đặc biệt lưu ý phải kiên trì, vì các sản phẩm NPK đều được công ty vê viên, tạo hạt và sấy khô nên có độ cứng nhất định, hạt phân sẽ tan từ từ nên không “bốc” nhanh như bón đạm, tuy nhiên độ xanh của lá bền màu và đặc biệt cây rất chắc khỏe…”.
Ngoài yếu tố phân bón ra thì theo ông Thành, bà con cần phải chăm bón đúng cách, mật độ cây trên 1 đơn vị diện tích cũng là yếu tố quan trọng để quyết định lượng phân bón cần thiết. Với mật độ cây như trên, bà con chỉ cần sử dụng 25kg NPK-S*M1 5.10.3-8 bón lót và 15 – 17kg NPK-S*M1 12.5.10-14 bón thúc như khuyến cáo là đủ.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao