Phân lũ vào đồng
Biệt cảnh mùa lũ
Những ngày nước lên cao, thử đi từ hướng các sông lớn, sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên trở vào đồng hoặc từ các đô thị như thành phố Cần Thơ, thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh, thị trấn Cái Nhum, thị trấn Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) về vùng nông thôn mới thấy hai cảnh khác biệt.
Nông thôn thì vững như bàn thạch, đê bao, đường cao ráo, ruộng đồng vẫn là màu xanh của lúa, của rau màu, ít có cảnh đồng nước lai láng, còn thành thị thì nhiều tuyến đường, khu phố bị ngập bởi mưa, bởi lũ.
Nông thôn ngày trước, mùa lũ về đường sá lầy lội, giao thông trắc trở, người dân đi lại bằng xuồng, bằng tam bản là chủ yếu. Còn ngày nay, nhiều nơi nông dân đi xe gắn máy đến tận ruộng mà bánh xe không dính một miếng bùn.
Đê bao, bờ vùng được đầu tư khép kín, đường nông thôn ngày một tôn cao, láng nhựa, cầu giao thông xây lên, nối xóm liền xóm, ấp liền ấp.
Đồng ruộng vào mùa lũ, khi chưa đến kỳ thu hoạch, rau màu, lúa thóc còn lại ở trên đồng thì đừng hòng thấy cảnh đồng lũ tràn trề như thuở trước. Cống, đập đóng kín mít, nước cũng khó vào đồng huống chi con tôm, con cá...
Ở các đô thị kể trên, vào những kỳ triều cường, mực nước lũ lên trên mức báo động 3 là có nhiều tuyến đường, khu phố bị ngập, và càng ngập nặng hơn khi đồng hành có mưa to. Đường ngập, nhà ngập, chợ ngập... làm cho cảnh quan thêm xấu đi, môi trường bị ô nhiễm.
Ở nông thôn, đắp đê bao ngăn lũ thì dễ vì mặt bằng rộng rãi, đất có sẵn ở lòng kênh, lòng rạch móc lên là đắp được bờ. Còn thành thị thì không thể làm vậy được mà phải xây kè, tôn nền nhà, nâng đường, lắp cửa cống, mà đâu dễ làm một tháng một năm là xong, vì rất tốn kém.
Trong lúc khó khăn, dân thành thị cũng chọn giải pháp chống ngập như ở quê là dùng bao cát tấn trước cửa để cho nước khỏi tràn vào nhà...
Phân lũ vào đồng
ĐBSCL có địa hình trũng thấp được ví như lòng bàn tay lật ngửa. Mùa lũ, nước từ trên cao thượng nguồn đổ về, vùng trũng đồng bằng bị ngập trên diện rộng, có vùng không bị ngập sâu cũng bị ngập nông.
Để hạn chế tình trạng ngập, trong những năm qua, nhiều giải pháp thủy lợi đã được triển khai thực hiện, trong đó có giải pháp phân lũ về biển Tây bằng cách đào và cải tạo, mở rộng hàng loạt các tuyến kênh trục thoát lũ cho vùng đầu nguồn sông Cửu Long.
Sau nhiều thập niên đưa vào khai thác, sử dụng, giải pháp thủy lợi này đã phát huy tác dụng, giải quyết đáng kể tình trạng ngập không những cho vùng đầu nguồn mà cho cả toàn vùng.
Nhưng vùng hạ nguồn, trong đó đáng kể nhất là các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, TP Cần Thơ là vùng chịu ảnh hưởng triều. Triều cường gặp lũ thượng nguồn đổ về càng làm cho mực nước sông, rạch dâng cao thêm.
Những dòng sông chính sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên là những bể chứa nước, nước lên cao buộc phải phân lũ tràn vào những sông nhánh, kênh trục, kênh cấp 1, cấp 2 nối với sông chính.
Nhiều năm qua, những sông nhánh, kênh rạch ngoài đê bao được đầu tư lớn, nhiều tuyến được nạo vét kết hợp đắp đê bao thông luồng, thông tuyến, năng lực dẫn nước gia tăng, phân lũ vào hướng nội đồng càng nhanh hơn.
Lũ đồng bằng vừa là thiên tai nhưng cũng vừa là nguồn lợi phong phú nếu biết khai thác tốt lợi thế của lũ. Bằng việc bố trí mùa vụ, lịch thời vụ và vận hành công trình thủy lợi hợp lý, các nơi hãy cho lũ vào đồng, góp phần giảm áp lực lũ ngoài sông, giảm ngập cho vùng chưa có đê bao và cho các đô thị.
Tuy nhiên, dòng lũ đã bị chặn đứng ngoài dòng kênh bởi hệ thống đê bao, cống đập đóng kín, bảo vệ mùa vụ còn lại trên đồng.
Đất đai toàn đồng bằng rộng gần 4 triệu ha, riêng Vĩnh Long xấp xỉ 100 ngàn mẫu, là bể chứa nước khổng lồ. Dòng lũ không vào đồng được, buộc phải dâng cao ở sông ngòi, kênh, rạch ngoài đê bao, dẫn đến cảnh vỡ đê, tràn bờ, ngập nặng ở vùng chưa có đê bao (trong đó có các đô thị).
Đó là thực tế đang xảy ra. Vì sao không phân lũ vào đồng? Câu hỏi dễ có lời đáp nhưng thực tế đã, đang và sẽ khó thực hiện bởi việc phân lũ tràn đồng còn nhiều bất cập.
Đồng ruộng bây giờ không phải hoàn toàn là lúa (loại cây trồng có thể chịu ngập), không phải đâu đâu cũng sản xuất đồng loạt, mà có cả rau màu (loại cây trồng không chịu ngập), ao, hồ nuôi thủy sản và nhà cửa, vườn tược trong đó.
Mùa vụ gối đầu hết vụ này đến vụ khác, đồng ruộng nghỉ xả lũ chỉ một tháng là cùng. Đóng cống ngăn lũ bảo vệ rau màu, ao hồ là bảo vệ luôn cả lúa. Đồng ruộng ngăn lũ triệt để không phải là một số vùng mà là đại trà, huyện nào cũng có, tỉnh nào cũng xây đê.
Tuy nhiên, nhiều địa phương đã ý thức được lợi ích của việc cho lũ tràn đồng sau mùa thu hoạch vụ lúa thu đông, phù sa vào đồng bồi bổ dinh dưỡng cho đất canh tác sau kỳ thâm canh tăng vụ, còn là dịp để rửa chua phèn cho ruộng vào đầu mùa mưa, vệ sinh đồng ruộng sau mùa vụ và là môi trường tốt cho các loài thủy sinh sinh sống.
Cống, đập bây giờ làm toàn bằng nắp quạt, vận hành dễ nhưng điều tiết nước lại rất khó. Trong cái khó ló cái khôn, nhiều nơi nông dân đã biết tìm cách “chêm” nắp quạt để cho nước từ từ vào đồng, để cho ruộng có nước mà rau màu, ao hồ, nhà cửa không bị ngập.
Nhưng cách làm này chỉ là nhất thời bởi nhu cầu sử dụng nước, sử dụng lũ của các đối tượng trong vùng đê bao là khác nhau.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao