Mô hình kinh tế Phập Phù Nuôi Vẹm

Phập Phù Nuôi Vẹm

Publish date Wednesday. March 7th, 2012

Mặc dù số hộ nuôi có giảm nhưng vẹm xanh vẫn là loài nuôi chủ lực, góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân nơi đây. Nếu như trước năm 2009 toàn xã có khoảng 300 hộ nuôi vẹm xanh thì nay giảm xuống còn khoảng 200 hộ, tập trung tại thôn Tân Đảo và Ngọc Diêm với diện tích nuôi gần 90 ha mặt nước.

Theo anh Nguyễn Công Toàn, Chủ tịch UBND xã Ninh Ích, dù không còn phát triển như trước nhưng do nuôi vẹm chi phí đầu tư rất thấp, chỉ cần cắm cọc là vẹm trong đầm bám vào và sinh trưởng phát triển. Khi nuôi cũng không phải tốn tiền mua thức ăn bởi thức ăn của chúng chỉ là các sinh vật phù du trong nước biển.

Hiện tại đa số người dân dùng cây bạch đàn cắm xuống đầm để vẹm sinh sống, người nuôi chỉ cần đầu tư 5- 7 triệu đồng là đã có 1.000 cọc nuôi vẹm, nếu không có dịch bệnh thì sau khoảng 10 tháng người nuôi thu được 4- 5 tấn vẹm, giá bán chỉ 10.000 đồng/kg thì đã lãi trên 40 triệu đồng.

Chính vì vậy, sau trận dịch, người dân vẫn tiếp tục đầu tư mua cọc để phát triển nuôi vẹm xanh bởi đây loài nuôi lợi nhuận rất cao so với các đối tượng thuỷ sản khác. Đến năm 2011 sản lượng vẹm xanh đã tăng mạnh trở lại, đặc biệt với giá cao gấp 2- 3 lần những năm trước khiến cho nhiều hộ có thu nhập rất cao.

Hiện anh Trần Tài, thôn Tân Đảo là hộ có thu nhập từ vẹm xanh cao nhất xã. Gia đình anh có 8.000 cọc nuôi vẹm, trong đó 4.000 cọc thu hoạch trước tết đạt sản lượng 8 tấn. Với giá bán dao động từ 12.000- 17.000 đồng/kg, anh Tài đã thu lãi trên 120 triệu đồng.

"So với những năm trước kia sản lượng này chưa đạt, tuy nhiên mới chỉ sau gần 3 năm mà con vẹm xanh đã khôi phục được như vậy chúng tôi đã mừng lắm rồi. Mặt khác giá vẹm xanh tăng cao càng khiến người dân phấn khởi bởi năm nay nhiều hộ sẽ lại phát tài, trong khi đó nuôi vẹm chỉ cần cắm cọc, ngoài ra không phải đầu tư gì thêm. Nếu bảo quản tốt thì cọc gỗ cũng nuôi được 3- 5 năm mới phải thay lại", anh nói.

Không chỉ anh Tài bán được vẹm giá cao, vụ vừa qua có hàng trăm hộ dân xã Ninh Ích thu nhập từ 50- 60 triệu đồng từ vẹm xanh. Tuy nhiên, niềm vui của người nuôi đã không trọn vẹn bởi cuối vụ thu hoạch lại xuất hiện dịch. Anh Hồ Minh Công, thôn Tân Đảo như người mất hồn bởi 8.000 cọc vẹm đã đến ngày thu hoạch với sản lượng khoảng trên 10 tấn bị mất trắng vì dịch bệnh.

Anh Công cho hay: Với kinh nghiệm nhiều năm, sau tết bao giờ bán vẹm cũng được giá cao hơn thời điểm trước tết vì vậy tôi quyết định để sau tết mới thu hoạch. Nhưng thời điểm giữa tháng 1/2012 vẹm bắt đầu bị bệnh chết hàng loạt. Tôi gọi thương lái tới mua số còn lại trong đầm nhưng họ chê, vì khi vẹm đã chết mà mua vào thì những con khác cũng bị chết theo.

Vậy là anh Công bất lực nhìn vẹm chết mà không làm gì được, nếu tính giá thời điểm hiện nay 20.000 đồng/kg thì anh Công mất đứt trên 200 triệu đồng.

May mắn hơn anh Công, gia đình cô Trần Thị Mười, thôn Tân Đảo trước thời điểm xảy ra dịch đã thu hoạch được 3 tấn vẹm thu được trên 50 triệu đồng. Cô Mười nói: Vẹm đạt sản lượng cao, lại trúng giá nên gia đình tôi ai cũng phấn khởi. Tuy nhiên mới thu hoạch được một nửa, số còn lại định sau tết vét nốt nào ngờ dịch bệnh tràn qua khiến vẹm chết hết.

Ngoài vẹm xanh, trên đầm Nha Phu còn có rất nhiều loài thuỷ sản khác như tôm hùm, cá mú… Đây là những đối tượng ăn thực phẩm tươi sống nên lượng thực phẩm dư thừa chìm xuống đáy đầm lâu ngày đã tích tụ thành lớp bùn rất dày, có vùng lên tới cả mét gây ô nhiễm.

Đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về hiện tượng vẹm chết hàng loạt của các cơ quan chức năng. Hiện chính quyền địa phương chỉ khuyến cáo người dân nuôi với mật độ thưa để tránh dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh cọc và nền đáy để tránh khí độc tích tụ. 
Theo anh Trần Tài, khác với năm 2009 vẹm đa số bị chết vì dịch bệnh đối với những con đã trưởng thành, thời kỳ chuẩn bị sinh sản nhưng năm nay vẹm nhỏ cũng bị chết. Với 4.000 cọc còn lại dự kiến đến tháng 5 tới đây sẽ thu hoạch nhưng nay chỉ còn lại lác đác vài con bám vào cọc.

Theo thống kê của xã Ninh Ích, đến nay có khoảng 30% số vẹm đến thời kỳ thu hoạch bị chết vì dịch bệnh với sản lượng hàng trăm tấn, thiệt hại lên tới vài tỷ đồng đó là chưa kể đến sản lượng vẹm nhỏ đang trong thời kỳ phát triển cũng bị chết với số lượng rất lớn.

Theo Chủ tịch xã Nguyễn Công Toàn, năm nay vẹm chết vẫn có thể do môi trường nước bởi các triệu chứng cũng giống năm 2009. Năm đó, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản III phân tích thì vẹm chết là do môi trường bị ô nhiễm bởi trầm tích vùng nuôi, có nghĩa là lượng phân vẹm thải ra bị tích tụ lâu ngày nên ô nhiễm.


Related news

nuoi-ca-chinh-tren-song-son Nuôi Cá Chình Trên Sông… nuoi-heo-tren-nen-dem-lot-sinh-hoc Nuôi Heo Trên Nền Đệm…