Mô hình kinh tế Phát Triển Chăn Nuôi Tạo Sản Phẩm Hàng Hoá

Phát Triển Chăn Nuôi Tạo Sản Phẩm Hàng Hoá

Publish date Friday. June 28th, 2013

Với lợi thế về đất đai, đồi rừng, ao hồ, sông suối và nhất là nguồn lao động trong nông thôn dồi dào, tỉnh Điện Biên xác định tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ cầm... góp phần xoá đói giảm nghèo cho dân.

Thực tế, mỗi năm có hàng nghìn hộ dân thoát nghèo nhờ chăn nuôi. Không chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ mà nhiều gia đình, nhóm hộ vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển theo hướng hàng hoá, mô hình trang trại, thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động về chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung và tạo nguồn hàng xuất khẩu. Theo đó, tỉnh đã quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc tập trung ở các huyện: Mường Chà, Mường Nhé, Tuần Giáo, Điện Biên... bố trí, cân đối nguồn nhân lực, vật lực để các địa phương tập trung phát triển chăn nuôi. Tuỳ tình hình, điều kiện cụ thể, các gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ cầm để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Với cách làm đó, đến nay, toàn tỉnh có đàn trâu 117.410 con, đàn bò 43.003 con, đàn lợn 293.496 con, đàn gia cầm gần 2,5 triệu con.

Qua số liệu tổng hợp đến đầu tháng 10/2012 cho thấy, tốc độ tăng trưởng gia súc, gia cầm và thuỷ cầm so với cùng kỳ năm ngoái đều tăng, nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra ngay từ đầu năm 2012 cũng như mục tiêu cụ thể đề ra trong Nghị quyết phát triển nông - lâm nghiệp giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của Tỉnh uỷ. Nguyên nhân do chăn nuôi trâu, bò chủ yếu quy mô nhỏ, phân tán, mang tính tận dụng còn phổ biến, nhận thức của nhân dân về kinh tế thị trường còn nhiều hạn chế. Việc phòng chống dịch bệnh chưa được nông dân quan tâm, chậm áp dụng KHKT vào chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao.

Dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra, diễn biến phức tạp, làm giảm hiệu quả sản xuất và tính bền vững của ngành chăn nuôi. Minh chứng là trong đợt dịch tai xanh xảy ra dịp đầu năm đã làm trên 10.800 con lợn bị chết hoặc phải tiêu huỷ, tổng trọng lượng 373.570kg. Đàn gia cầm, thuỷ cầm xảy ra dịch cúm H5N1, với số lượng mắc bệnh phải tiêu huỷ trên 8.800 con (chủ yếu là vịt), tổng thiệt hại đối với đàn gia súc, gia cầm gần 15 tỷ đồng. Dịch bệnh xảy ra, hoạt động chăn nuôi bị đình trệ, người dân chậm tái đàn nên thiệt hại về kinh tế là không nhỏ.

Biến tiềm năng ngành chăn nuôi thành lợi thế, tạo sản phẩm hàng hoá, xóa đói giảm nghèo bền vững cho dân, tăng thu ngân sách cho tỉnh, điều tiên quyết là phải đánh giá lại việc triển khai quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt theo hướng hàng hoá và rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời xây dựng quy hoạch khu chăn nuôi tập trung (đối với lợn và gia cầm). Khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại. Từng bước phát triển chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả; hạn chế tối đa chăn nuôi gia súc thả rông.

Đầu tư, nâng cao năng lực cho các trại sản xuất con giống và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi để bảo tồn các giống của địa phương, cung cấp giống tốt cho người chăn nuôi. Với đàn gia súc, cần Sind hoá đàn bò; bình tuyển, chọn lọc để nhân thuần giống trâu tốt; khuyến khích nghiên cứu, chọn lọc và nhân thuần các giống lợn bản địa có chất lượng cao để phát triển lợn đặc sản; trợ giá lợn đực giống ngoại để thay thế tiến tới mở rộng quy mô đàn lợn có chất lượng.

Cùng với đó là chú trọng lĩnh vực thú y và quản lý chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát có hiệu quả việc nhập giống gia súc, gia cầm từ nơi khác về; phòng chống rét cho gia súc trong mùa đông... Làm được như thế, thời gian không xa sẽ thúc đẩy ngành chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún lên quy mô hàng hoá, phù hợp kinh tế thị trường.


Related news

giai-bai-toan-cay-trong-de-thoat-ngheo Giải Bài Toán Cây Trồng… phat-trien-ca-phe-ben-vung Phát Triển Cà Phê Bền…