Tin nông nghiệp Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thiếu đồng bộ

Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thiếu đồng bộ

Author MỸ HOA, publish date Monday. July 4th, 2016

Đơn điệu

Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có hơn 1.200 máy kéo công suất trên 35CV, trên 1.900 máy làm đất, 506 máy gặt đập liên hợp công suất 40 – 80CV, 87 chiếc tàu dịch vụ thủy sản... Số máy móc, thiết bị trên đã giải phóng một lượng lớn sức lao động của nông dân. Tuy nhiên, mức độ CGH cũng chỉ mới dừng lại ở khâu làm đất và thu hoạch. Vì ngay cả loại cây trồng thông dụng nhất như lúa, bắp và đậu, thì tỷ lệ CGH ở khâu tưới tiêu hiện chỉ gần 26%; khâu gieo trồng, cấy 0,2%; khâu chăm sóc bằng cách sử dụng máy phun thuốc 0,1%; khâu sấy hạt 0,2%... Riêng tỷ lệ CGH khâu thu hoạch các loại cây bắp, đậu và hoa màu khác chỉ ở mức 2,7%; khâu bảo quản cũng rất hiếm.

“Cơ giới hóa chỉ áp dụng ở cây trồng hằng năm như lúa, mía, mì. Trong khi các lĩnh vực tiềm năng và có lợi thế cạnh tranh cao như chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản thì việc sản xuất vẫn phụ thuộc vào công sức nhà nông”, ông Đinh Duy Sung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhìn nhận.  

Trong khi đó, tại các địa phương miền núi, việc phát triển CGH cũng đang gặp rất nhiều trở ngại, vì diện tích đất hẹp, bờ vùng bờ thửa nhiều, độ dốc lớn... Ví dụ như chuyện thu hoạch lúa, dù rất muốn mở rộng đường nội đồng để máy làm đất, thu hoạch và xe vận chuyển thuận lợi ra vào. Song, vì ruộng nhỏ, đường hẹp lại gồ ghề nên chỉ có máy cắt lúa cầm tay hoạt động được. Nông dân vì thế cũng chưa thoát cảnh oằn vai vác lúa.
 
“Làm cho có thì dễ, làm cho khả thi mới khó. Để tránh tình trạng hô hào, làm chung chung, tôi yêu cầu ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương phải xác định và lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh để đầu tư phát triển cơ giới hóa. Ngoài ra, chính quyền địa phương phải thể hiện vai trò trọng tài, là cầu nối thực hiện liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp. Có liên kết, nông dân mới hết đơn độc”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ

Cùng “gỡ khó”

Ông Huỳnh Thương - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho rằng, phát triển CGH phải gắn với công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Nhưng với đặc điểm địa hình miền núi, kinh phí DĐĐT lớn gấp nhiều lần so với mức hỗ trợ 7 triệu đồng/ha như hiện nay của UBND tỉnh. Do đó, “muốn phát triển CGH cho khu vực miền núi, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp cần xây dựng giải pháp và chiến lược riêng, phù hợp với điều kiện thực tế. Tránh tình trạng tuyên truyền... miệng, rồi kết quả cũng chung chung”, ông Thương bày tỏ.     
   
Lãnh đạo các huyện, thành phố cũng cho rằng, muốn “gỡ khó” cho cơ giới hóa, cần thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp, gồm đẩy mạnh DĐĐT; tạo thuận lợi cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và thúc đẩy phát triển sản xuất theo chương trình nông thôn mới.

Thực tế hiện nay, dù Chính phủ và UBND tỉnh liên tục ban hành nhiều chính sách nhằm “tiếp sức” cho CGH, nhưng việc thực thi lại kém hiệu quả. Vì vậy, dù tiếp cận được nội dung, ý nghĩa của chính sách, nhưng nông dân, hợp tác xã (HTX) lại không được thụ hưởng ưu đãi. Mâu thuẫn này theo ông Đinh Duy Sung là do: “Sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro, ít lợi nhuận nên không hấp dẫn nhà đầu tư”.

Ngay như việc thực thi Quyết định 68 của Chính phủ về việc hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Dù được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 100% trong hai năm đầu, và 50% từ năm thứ ba khi vay vốn ở các ngân hàng thương mại để đầu tư, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng rất ít doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình hay cá nhân hưởng ứng. Lý do, phần vì thủ tục ngân hàng rườm rà, phần nữa với giá trị cho vay chỉ ở mức tối đa 70% thì nông dân lấy đâu 30% vốn để đối ứng?

Đó chỉ là một trong rất nhiều cái khó mang tính trầm kha mà ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cần sớm tháo gỡ, để CGH không cứ mãi "khởi động" như hiện nay.


Related news

1-1-ti-nguoi-ngheo-tren-trai-dat-se-duoc-cuu-roi-bang-phat-minh-cuc-ky-y-nghia-nay 1,1 tỉ người nghèo trên… vai-duoc-mua-ngon-ngot-nho-bon-phan-lam-thao Vải được mùa, ngon, ngọt…