Mô hình kinh tế Phát Triển Mô Hình Nuôi Cá Đồng Ở Đồng Tháp

Phát Triển Mô Hình Nuôi Cá Đồng Ở Đồng Tháp

Publish date Wednesday. December 14th, 2011

Nuôi cá đồng đã góp phần nâng cao thu nhập của nhiều hộ gia đình ở nông thôn. Lượng cá nuôi này đã cung ứng một lượng lớn cho thị trường nội địa. Phát triển nuôi cá đồng theo hướng bền vững được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kinh tế nông nghiệp ở mỗi địa phương

Năm 2011, toàn tỉnh Đồng Tháp nuôi cá đồng trong ao, mùng, vèo, nuôi nhử tự nhiên ước 4.350 ha (cá lóc, rô đồng, trê, chình,...), tập trung ở các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Châu Thành, Thanh Bình,... với tổng sản lượng 38.075 tấn. Bên cạnh đó, nuôi trong 2.614 bè với tổng sản lượng trên 10.000 tấn.

Do có lợi thế về điều kiện tự nhiên, người nuôi đã tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên như cua, ốc, cá tạp. Đồng thời, do vốn đầu tư cho các mô hình nuôi tương đối thấp so với nuôi cá tra và dễ chăm sóc và quản lý. Tiêu thụ cũng khá thuận lợi, do giá thịt gia súc, gia cầm cao, nên người tiêu dùng chuyển sang sử dụng nguồn thủy sản nhiều hơn. Một số doanh nghiệp bước đầu sản xuất giống, thức ăn và nuôi thương phẩm cá thác lác, cá lóc, gắn sản xuất và tiêu thụ tạo điều kiện cho việc nuôi cá đồng phát triển.

Nhằm khai thác tốt tiềm năng mặt đất, mặt nước phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng trưởng kinh tế, năm 2012, toàn tỉnh phấn đấu nuôi cá đồng 4.500 ha với tổng sản lượng 67.000 tấn.

Theo đó, các địa phương liên hệ với Trung tâm giống thủy sản để cung cấp cho các cơ sở ương giống, người nuôi để nâng cao chất lượng đàn cá nuôi, nâng cao năng suất và giảm giá thành sản phẩm. Ngành Nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho người nuôi cá nhằm đạt hiệu quả cao. Kết hợp với các viện, trường tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi kỹ thuật nuôi cũng như các kinh nghiệm trong quá trình nuôi. Áp dụng qui trình nuôi trồng thủy sản theo hướng sạch, kiểm soát môi trường bằng hệ vi sinh, giảm dần việc sử dụng thuốc kháng sinh.

Hầu hết các đối tượng nuôi là các loại cá đồng và tôm, tiêu thụ nội địa là chủ yếu. Do đó, để tránh thu hoạch cùng lúc, các hộ nuôi cần chủ động, tính toán thời gian thả nuôi, nhất là trong mùa lũ. Bên cạnh đó, cần giới thiệu các công ty sản xuất thức ăn, giống và nuôi thương phẩm cá lóc, thác lác,... cho hộ nuôi; xây dựng mối liên kết về nguyên liệu, ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm theo hướng sản xuất hiệu quả, ổn định với các hình thức như: hợp đồng tiêu thụ sản phẩm có đầu tư vốn cho người nuôi, hợp đồng nuôi gia công, hợp đồng hợp tác sản xuất,.


Related news

ho-tro-ca-giong-thuc-hien-mo-hinh-trinh-dien-thuy-san Hỗ Trợ Cá Giống Thực… bien-song-bien-thanh-dien Biến Sóng Biển Thành Điện