Mô hình kinh tế Phát triển mô hình sản xuất sầu riêng theo VIETGAP

Phát triển mô hình sản xuất sầu riêng theo VIETGAP

Publish date Thursday. September 3rd, 2015

Tháng 5/2014, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông và Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Cai Lậy đã tổ chức xây dựng mô hình “Sản xuất sầu riêng theo VietGAP” tại ấp Bình Hòa B, với qui mô 7,82 ha/15 hộ tham gia.

Qua đó, nông dân tham gia dự án được tập huấn 10 ngày về các nội dung, quy trình sản xuất sầu riêng như: sử dụng thuốc BVTV hợp lý & IPM, quản lý và xử lý chất thải, ghi chép sổ sách, lưu giữ hồ sơ và truy nguyên nguồn gốc, sử dụng an toàn thiết bị, hóa chất, vật tư nông nghiệp, sơ cấp cứu, vệ sinh, đảm bảo an toàn trong lao động và sức khỏe...

Qua 6 tháng thực hiện, mô hình đã được đạt kết quả khả quan, các nông hộ tuân thủ tốt quy trình sản xuất VietGAP. Năng suất bình quân của mô hình đạt được từ 20 - 25 tấn/ha, với giá mức bán nghịch vụ vừa qua từ 65.000 - 70.000đ/kg, cho thu nhập từ 1,3 - 1,75 tỉ đồng/ha, trừ chi phí nông dân còn lãi từ 1,1 - 1,5 tỉ đồng/ha. Ngày 28/11/2014 mô hình đã đạt chứng nhận VietGAP, do Công ty TNHH Công nghệ Nho Nho chứng nhận.

Tiếp theo, vào tháng 01/2015, từ nguồn vốn hỗ trợ kinh phí của Đề án xây dựng Nông thôn mới, với sự phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông và Trạm khuyến nông huyện, Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy triển khai xây dựng mô hình “Sản xuất sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP” tại ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình với qui mô 12,4 ha/17 hộ tham gia. Hiện tại mô hình này đã đi vào hoạt động thực hiện và theo dõi quy trình sản xuất.

“Sản xuất sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP” là mô hình cụ thể hóa chủ trương của tỉnh trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp: “tập trung vào các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của ngành, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh dựa vào sự tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn”.

Mô hình này đã góp phần giúp diện tích sầu riêng của xã tăng lên và người dân quen dần với việc áp dụng các quy định của VietGAP từ việc trồng, chăm sóc đến ghi chép sổ sách.

Việc mở rộng diện tích, triển khai xây dựng mô hình sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP/GlobalGAP thành công sẽ mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân xã Tam Bình; không chỉ cung ứng cho thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu, góp phần phát triển nền kinh tế xã hội địa phương theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, đây là mô hình sản xuất còn mới mẻ nên nhiều nông dân chưa nắm rõ những nội dung cơ bản chuyên sâu về sản xuất theo GAP; kinh phí chứng nhận GAP cao, trong khi sản phẩm làm ra chưa có sự khác biệt về giá bán so với các sản phẩm bình thường khác, từ đó chưa thu hút được nhiều hộ đầu tư vào sản xuất.

Vì vậy, muốn sản xuất sầu riêng theo hướng bền vững thì phải có sự liên kết giữa 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Về phía bản thân nhà nông cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc tạo ra sản phẩm sạch, đẹp, an toàn.

Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông cần tiếp tục tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích triển khai xây dựng mô hình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn GAP và tìm doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu để có đầu ra ổn định.


Related news

nha-vuon-trong-thanh-long-gap-kho Nhà vườn trồng thanh long… dich-benh-tren-cay-tieu-noi-so-cua-nong-dan Dịch bệnh trên cây tiêu…