Tin thủy sản Phát triển nuôi tôm công nghệ 4.0

Phát triển nuôi tôm công nghệ 4.0

Author Trọng Linh, publish date Wednesday. March 18th, 2020

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt thì mô hình nuôi tôm siêu thâm canh hai giai đoạn là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn Việt Úc.

Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn tại vùng ĐBSCL. Đặc biệt, khi tỉnh được Thủ tướng Chính phủ chọn xây dựng trở thành thủ phủ của ngành tôm Việt Nam.

Thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng của ngành tôm, nhất là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Nuôi tôm siêu thâm canh hai giai đoạn ít thay nước là mô hình hiệu quả, khẳng định sự phát triển của ngành tôm Bạc Liêu trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Với nhiều ưu điểm như chi phí đầu tư thấp, kiểm soát tốt môi trường nuôi, năng suất cao, tiết kiệm thời gian nuôi. Đặc biệt là từ khi thả nuôi đến thu hoạch không sử dụng hóa chất. Mô hình đang được triển khai nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh (tại xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học, không sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất giúp giảm rủi ro trong sản xuất và vượt rào cản về kỹ thuật. Sản phẩm tôm sẽ cạnh tranh với các nước lớn và khắc phục điểm yếu về giá. Cty đang áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ 4.0 trong nuôi tôm”.

Toàn tỉnh Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 136 ngàn ha, chủ yếu là tôm, với sản lượng từ 120 - 150 ngàn tấn/năm. Trong đó, có 12 đơn vị và hơn 320 hộ dân đang áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng, ước tính năng suất bình quân từ 17 - 30 tấn/ha, cao gấp nhiều lần so với cách nuôi truyền thống.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: "Hiện toàn tỉnh có 12 Cty, đơn vị nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao có hiệu quả. Ao nuôi lót bạt đạt trung bình 50 tấn/ha mặt nước nuôi/vụ (cao nhất đạt 77 tấn/ha/vụ, thấp nhất đạt 25 tấn/ha/ vụ), hồ tròn đạt trung bình 60 tấn/ha mặt nước nuôi/vụ (cao nhất đạt 70 tấn/ha/vụ, thấp nhất đạt 50 tấn/ha/vụ).

Nuôi tôm siêu thâm canh hai giai đoạn là xu thế tất yếu trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Ông Trần Tuấn Huy, chủ doanh nghiệp nuôi tôm tại Bạc Liêu khẳng định: "Ưu điểm vượt trội của mô hình nuôi tôm công nghệ cao là giá thành rẻ, khi lượng tôm thế giới nhiều nếu giá xuống thấp, thì nuôi theo quy trình này vẫn có lời. Nuôi trên ao vèo được lâu, nhiều người nói là chai tôm nhưng mình nuôi thử nghiệm nhiều, thấy tôm là loài giáp xác nên lớn bù rất nhanh".

Với những tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển ngành tôm, dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chính thức khởi động từ đầu tháng 2/2018 tại TP Bạc Liêu, quy mô 418 ha, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Hơn 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, trong đó Tập đoàn Việt - Úc là đơn vị tiên phong đầu tư khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao trong nhà kính với quy mô hơn 300 ha và đã hoàn thành giai đoạn 1.

Ông Vũ Đức Trí, Giám đốc Quản lý doanh nghiệp, Tập đoàn Việt Úc cho hay, tập đoàn tiếp tục đầu tư công nghệ cho ngành tôm giống như quy trình xử lý nước đỉnh cao, vấn đề đo lường, đóng gói tự động cũng như cải thiện các thông số để giảm rủi ro.

Chúng tôi tiếp tục hợp tác với viện nghiên cứu của Úc để cải thiện nguồn tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống tốt nhất cho người nuôi. Về mảng tôm thương phẩm thì chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tại 3 vùng nuôi ở phía Bắc, miền Trung và miền Tây Nam Bộ".

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Dương Thành Trung cho biết: "Sau khi Thủ tướng chỉ đạo, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện nhiều giải pháp, nổi bật là ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm. Qua 2 năm thực hiện chúng tôi đã rút ra được nhiều mô hình tạm gọi là phù hợp và thành công. Khu ứng dụng công nghệ cao đang hoàn thành giai đoạn 1, sau đó chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp vào triển khai để tạo sức lan tỏa".

Kết thúc năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu có tốc độ tăng trưởng 5,1%, tiếp tục là trụ đỡ quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Với những kết quả bước đầu tin rằng Bạc Liêu sẽ sớm trở thành thủ phủ của ngành tôm cả nước.


Related news

chia-se-kinh-nghiem-nuoi-tom-the-chan-trang-hieu-qua Chia sẻ kinh nghiệm nuôi… thuy-san-the-gioi-2020-san-luong-tang-gia-giam Thủy sản thế giới 2020…